Phải nộp bao nhiêu tiền để được bảo lãnh xe vi phạm, có được trả lại không?

Tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông có thể đặt tiền bảo lãnh để được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm. Vậy, tiền bảo lãnh có được hoàn trả sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt hay không?

Phải nộp bao nhiêu tiền để được bảo lãnh xe, có được trả lại không? (Ảnh minh họa)

Phải nộp bao nhiêu tiền để được bảo lãnh xe, có được trả lại không? (Ảnh minh họa)

Điều kiện để được bảo lãnh xe vi phạm

Theo Nghị định 31/2020/NĐ-CP, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong 2 điều kiện dưới đây.

Thứ nhất, cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

Thứ 2, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Như vậy, nếu có tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông thuộc trường hợp bị tạm giữ có thể được giao bảo quản phương tiện.

Tuy nhiên, có 4 trường hợp không giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản:

- Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự.

- Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông.

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa.

- Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.

Phải đặt bao nhiêu tiền để được bảo lãnh xe?

Khoản 4 Điều 8 Thông tư 47/2014/TT-BCA quy định, tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm.

Trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Như vậy, mức tiền bảo lãnh phải nộp bằng ít nhất tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm của người điều khiển xe khi điều khiển phương tiện đó.

Ví dụ người điều khiển xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt khi từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn được quy định bằng với mức phạt cao nhất đối với vi phạm về nồng độ cồn. Như vậy, hành vi này bị phạt ở mức từ 6 đến 8 triệu đồng. Để được bảo lãnh xe máy, người điều khiển xe phải nộp bảo lãnh 8 triệu đồng.

Để được đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm giao thông, người lái xe phải tiến hành:

- Làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện.

Nội dung của đơn gồm: họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm, hành vi vi phạm hành chính, tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, năm sản xuất, số máy, số khung, dung tích (nếu có), tình trạng của phương tiện, nơi giữ, bảo quản phương tiện.

- Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản không quá 2 ngày làm việc.

Tiền bảo lãnh xe vi phạm có được trả lại?

Căn cứ Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 15 Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định thì tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt, đồng thời, căn cứ Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 15 Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định nếu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh.

Theo đó, trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì số tiền thừa còn lại sau khi đã khấu trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đã đặt tiền bảo lãnh trước đó.

Quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh được coi là căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm đã thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và được phép đưa vào sử dụng phương tiện vi phạm đang được giao giữ, bảo quản.

Như vậy, không có trường hợp tiền đặt bảo lãnh không được hoàn lại mà tiền đặt bảo lãnh chỉ có thể bị khấu trừ để bù vào số tiền xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân vi phạm.

Hoàng Mai

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phai-nop-bao-nhieu-tien-de-duoc-bao-lanh-xe-vi-pham-co-duoc-tra-lai-khong-a475792.html