Phải nói sự thật với nhân dân

Bác là người thường xuyên đọc báo, đọc kỹ và do đó trở thành người phê bình báo rất sành.

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu

Nhiều người cứ hay gọi Bác bằng nhiều danh vị “nhà” này “nhà” nọ. Bác chỉ nhận mình là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Vì là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp nên Bác lấy báo chí làm một phương tiện cực kỳ quan trọng để truyền tải quan điểm của mình trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Do đó, chúng ta gọi là “Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh” quả không sai.

Ai dạy Bác làm báo?

Trong cuộc đời làm báo của mình, có nhiều khi Bác vừa là người sáng lập, đồng thời vừa là chủ nhiệm, chủ bút, tổng biên tập, người phóng viên viết báo, họa sĩ vẽ tranh, thiết kế, người phê bình báo, thậm chí là người phát hành, tuyên truyền báo…

Nghĩa là Bác làm tất tần tật các công đoạn từ A đến Z trong nghề báo. Đó là đối với báo Le Paria tại Pháp đầu những năm 20 của thế kỷ XX (Bác vẽ tranh minh họa sự tàn ác của bọn áp bức bằng hình ảnh một tên thực dân cầm roi quất người kéo xe kèm mấy chữ “Mau lên!”).

Báo của ta là báo của nhân dân, phải nói thật với nhân dân. Thổi phồng khó khăn làm dân sợ, dân hoang mang là sai, là không tốt. Nhưng ngược lại, nói quá dễ dàng, tưởng để động viên, nhưng khi dân thấy sự thật không đúng như thế, dân không tin ta nữa, không xem báo nữa! Báo không còn tác dụng nữa thì gọi là báo “lá cải” vì nó không có giá trị bằng lá rau cải.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Rồi Bác còn làm Chủ bút báo Thanh niên của Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, từ năm 1925 (đây cũng là dấu mốc ra đời Báo chí cách mạng Việt Nam), làm Tổng Biên tập báo Việt Nam độc lập của Mặt trận Việt Minh năm 1941 (vẽ tranh cổ động “Việt Nam độc lập thổi kèn loa” cho báo này rất ấn tượng).

Bác còn góp ý cho nhiều báo cả về đặt tên, về mangset, về cách in ấn, khổ báo, co chữ, dàn trang, về tranh minh họa và rất nhiều công việc khác trong quản lý tờ báo.

Trong suốt cả cuộc đời mình, Bác đã cho đăng trên các báo khoảng hơn 3.500 bài - một con số đầy ấn tượng.

Làm báo gì mà lắm vai vậy, mà sao tài vậy? Chắc là Bác phải được đào tạo nghề báo một cách bài bản cẩn thận lắm. Ấy thế mà Bác không được qua một lớp, một trường dạy làm báo nào cả. Bác tự học qua các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng thế giới với sự khích lệ, giúp đỡ của một số người.

Khi hoạt động ở nước ngoài đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Bác đọc những tác phẩm của Sếchxpia, Đíchken bằng tiếng Anh, những tác phẩm của Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa, những tác phẩm của Huygô, Dôla bằng tiếng Pháp. Khi đọc những truyện ngắn của Huygô và Dôla, Bác rất thích lối viết dễ hiểu của họ.

Bác bắt đầu viết báo còn từ sự khích lệ của Giăng Lôngghê (cháu ngoại Các Mác). Đó là vào cuối những năm 10 đầu những năm 20 thế kỷ XX, thời điểm Giăng Lôngghê làm Chủ nhiệm báo Dân chúng của Đảng Xã hội Pháp.

Rồi, khi thường xuyên lui tới trụ sở báo Dân chúng tại Paris lúc đó, Bác có dịp làm quen với những nhà báo khác, trong đó có ông Chủ bút báo Đời sống công nhân. Ông này đề nghị Bác viết tin tức cho báo của ông. Như vậy, chúng ta có thể coi hai ông này và các nhà văn trên đây là thầy dạy đầu tiên nghề làm báo cho Bác.

Thậm chí Giăng Lôngghê và chủ bút báo Đời sống công nhân còn trực tiếp biên tập bản thảo, trang bị cho Bác kỹ năng sửa ngữ pháp, ý tứ cũng như kỹ năng rút ngắn hoặc viết dài.

Bác còn dùng cách viết thành hai bản, giữ lại cho mình một bản và gửi cho tòa soạn một bản. Sau khi bài báo được đăng, Bác đọc bài báo đã in, đối chiếu với bản thảo còn lưu và chú ý những lỗi sai.

Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh được “đào tạo” đầu tiên theo cách đó. Và rất tự nhiên, đúng như công sức, phương pháp mà mình đã dùng và khảo nghiệm, Bác đã thành công, rồi nhập vào làng báo quốc tế từ đó.

“Viết sự thật bằng cái đầu”

Tranh đả kích do Bác vẽ đăng báo Le Paria số 26 tháng 6/1924

Đã làm nghề viết báo, hiện nay có lẽ ai cũng đã học qua cách viết báo của Bác, nhất là ở ba điểm: 1) Ngắn gọn - súc tích; 2) Đủ những thông tin cần thiết; 3) Hấp dẫn. Ba điểm này cũng để trả lời các câu hỏi: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào?

Có mấy điểm thế thôi, nhưng phải học, học suốt đời, khi đặt bút viết bất cứ bài nào, báo nào cũng đều phải tính đến, kể cả cho các báo mạng internet thời công nghệ 4.0 hiện nay.

Mà trên tất cả, người viết báo phải viết sự thật. Sự thật thì nó khác với bịa đặt - đương nhiên là thế và phải tuân theo tôn chỉ, mục đích phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Không thể khác. Nhưng, trên thực tế vẫn còn không ít người viết chạy theo cái mà người ta hay gọi là “thương mại hóa”.

Đành rằng, trong cơ chế này, tờ báo và người làm báo phải “sống được” (theo nghĩa đen) nhưng tới mức nô lệ chạy theo đồng tiền thì không thể chấp nhận được. Nếu thế thì việc làm báo bị rớt xuống hàng tầm thường, tờ báo sẽ bị thành tờ “lá cải”.

Bác cũng từng nói về tình trạng lá cải của báo. Bác là người thường xuyên đọc báo, đọc kỹ và do đó trở thành người phê bình báo rất sành.

Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, một hôm, Bác đến dự một cuộc họp về tuyên truyền báo chí. Ngồi giữa sàn nhà Việt Bắc, Bác nói rằng, gần đây có một tờ báo của Quân khu nào đó viết bài về chống địch nhảy dù mà viết là giặc nhảy dù xuống sẽ ngất chừng 5 hoặc 10 phút mới dậy được.

Bác nói tiếp: “Nếu đúng thế thì dân quân tự vệ chỉ cần nhanh chân đến tước súng địch, chứ sợ gì và cần gì phải chiến đấu nữa”. Những người trong cuộc họp biết Bác tế nhị không nêu rõ tên báo nào, nhưng sau đọc lại ai cũng biết.

Bác nói tiếp: “Báo của ta là báo của nhân dân, phải nói thật với nhân dân. Thổi phồng khó khăn làm dân sợ, dân hoang mang là sai, là không tốt. Nhưng ngược lại, nói quá dễ dàng, tưởng để động viên, nhưng khi dân thấy sự thật không đúng như thế, dân không tin ta nữa, không xem báo nữa!

Báo không còn tác dụng nữa thì gọi là báo “lá cải” vì nó không có giá trị bằng lá rau cải. Muốn viết trung thực phải nghiên cứu, phải suy nghĩ nên viết cái gì và viết như thế nào.

Phải nhớ rằng, viết khó hơn nói nhiều, vì trên trang giấy trắng mực đen, lại trên nhiều bản lưu truyền và tồn tại lâu dài nên càng phải thận trọng. Phải viết sự thật bằng cái đầu của mình”.

----------------------------
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập NXB CTQG, 2011; sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của tác giả Trần Dân Tiên, NXB CTQG, 2015; sách Chuyện kể Bác Hồ với nhân sĩ, trí thức, NXB CAND, 2020)

GS. TS. MẠCH QUANG THẮNG - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phai-noi-su-that-voi-nhan-dan-d469514.html