Phải mở cánh cửa cho 5 triệu hộ kinh doanh cá thể

Báo Hải quan trao đổi với TS Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Thưa ông, đâu là vấn đề cơ bản nhất trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này?

Thưa ông, đâu là vấn đề cơ bản nhất trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này?

Việc ban hành Luật Doanh nghiệp đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian thực thi, Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định để tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Luật Doanh nghiệp cần có những sửa đổi căn bản chứ không phải điều chỉnh, sửa đổi nhỏ. Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, cần chính thức hóa hàng triệu hộ kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Đây là hai yêu cầu cốt lõi cho sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề quan trọng, thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa luật này là mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Vì sao việc xây dựng một khung khổ chính sách hoàn chỉnh cho hộ kinh doanh cá thể lại là vấn đề quan trọng nhất trong lần sửa Luật này?

Hiện nay, nước ta có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này. Tất nhiên, liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể đã có nhiều văn bản khác (về thuế, kế toán, đất đai, lao động…) nhưng với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.

Bản chất hộ kinh doanh là doanh nghiệp, trong các nền kinh tế, không ai bỏ khu vực này ra khỏi luật. Các hộ kinh doanh là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhưng không được coi là doanh nghiệp thì đó chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam.

Đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.

Chúng ta cần sửa đổi như thế nào trong Luật Doanh nghiệp để loại hình hộ kinh doanh cá thể sẽ được cởi trói, hỗ trợ khuyến khích thêm loại hình kinh doanh này trở thành doanh nghiệp, thưa ông?

Theo tôi, Luật Doanh nghiệp mới cần phải có những quy định để công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp và đồng thời phải có những quy định pháp lý trong hệ thống pháp luật để quy định khu vực này. Tuy nhiên, bản thân các hộ kinh doanh gia đình là các doanh nghiệp siêu nhỏ nên phải có những quy định pháp lý, chính sách pháp luật phù hợp.

Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này ngoài giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, thì cũng cần tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp từ đó có những quy định pháp lý, chính sách pháp luật phù hợp.

Bởi không thể bắt các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng thực hiện các quy định, thủ tục hành chính hay các gánh nặng thuế như doanh nghiệp quy mô lớn. Vậy nên, phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống pháp lý của nước ta đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, tức là các hộ kinh doanh gia đình.

Có hai vấn đề rất quan trọng là chính sách thuế và kế toán đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong đó, cần thực hiện chính sách thuế đơn giản, hợp lý, hoàn toàn có thể thực hiện thuế khoán và thực hiện kế toán đơn chứ không phải kế toán kép để phù hợp với trình độ quản lý của các hộ kinh doanh. Chỉ khi có chính sách về thuế, kế toán, thanh tra kiểm tra phù hợp với hộ kinh doanh cũng như giảm đi các thủ tục hành chính thì mới phát triển được khu vực này.

Đã tới lúc các hộ kinh doanh cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần lấy hộ kinh doanh cá thể làm trọng tâm sửa đổi, và ban soạn thảo cần thể hiện tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn nói trên cho hàng triệu hộ kinh doanh, một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế giai đoạn tới.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/phai-mo-canh-cua-cho-5-trieu-ho-kinh-doanh-ca-the-99828.html