Phải luật hóa để chặn đứng những ý đồ và bàn tay nhơ bẩn!

Việt Nam có quy định cấm hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc không? Xin thưa là có! Bộ luật Lao động hiện hành quy định về quấy rối tình dục nơi làm việc tại Điều 8, 37, 182 và 183. Theo đó, quấy rối tình dục bị cấm theo Bộ luật Lao động và người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu họ phải chịu sự ngược đãi, quấy rối tình dục.

Nữ tuổi từ 18 đến 30 là nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Tuy nhiên, trong Bộ luật Lao động hiện hành lại chưa hề có định nghĩa pháp lý (xin nhấn mạnh là định nghĩa pháp lý) rõ ràng, giải thích cụ thể về các hành vi cấu thành, thiếu cơ chế bảo vệ nạn nhân và cũng không có hình phạt cho người vi phạm những điều trên.

Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động thế giới ILO, một nghiên cứu do Bộ LĐTBXH thực hiện với sự hỗ trợ của ILO trong năm 2012 cho thấy, “phần lớn các nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc là lao động nữ tuổi từ 18 đến 30. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc”.

Năm 2014, Plan International tổ chức một cuộc khảo sát với 3.000 học sinh phổ thông tại Hà Nội và 11% người trả lời cho biết họ đã bị xâm hại tình dục (sexual abuse). Trong một khảo sát vào đầu năm 2015 tại Việt Nam của ILO hợp tác cùng Navigos Search l, có 17% số người được hỏi trong nhóm ứng viên nhân sự cấp trung cho biết chính họ hoặc người quen đã từng bị cấp trên đưa ra những đề nghị liên quan đến tình dục để đổi lấy các lợi ích công việc.

Vậy hành vi quấy rối tình dục đã được định nghĩa ở Việt Nam hay chưa? Cũng xin thưa là có! Trên cơ sở định nghĩa của ILO về quấy rối tình dục ngày 25/5/2015, Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành. Trong đó có định nghĩa rất rõ về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đó là hành vi, tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi không được chấp nhận, không được mong muốn, không hợp lý, xúc phạm người nhận, tạo môi trường đáng sợ, khó chịu và thù địch.

Các hình thức quấy rối tình dục gồm: quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm. Hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, đưa yêu cầu không mong muốn một cách liên tục. Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh đây chỉ là Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục chứ không phải “định nghĩa pháp lý” được quy định trong luật kèm theo các chế tài thế nên việc thực thi các quy định trong bộ quy tắc ứng xử nêu trên trong thời gian qua lại gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, một số người lao động, người sử dụng lao động, đại diện công đoàn không nhận thức đúng đắn, chính xác thế nào là quấy rối tình dục, nhầm lẫn giữa quấy rối tình dục và trêu đùa. Chưa kể, tâm lý e ngại, sợ bị trả thù làm người bị quấy rối không dám đứng lên tố cáo. Nạn nhân thường không được bênh vực mà trái lại, thường bị bạn bè, đồng nghiệp, vợ, chồng, cha mẹ… nghi ngờ, chê bai, cho họ là người thiếu đứng đắn.

Tỷ lệ quấy rối đối với nhà báo ở Việt Nam khá cao

Nhân nói về chuyện nạn nhân thay vì được bênh vực lại bị kỳ thị, lại nhớ đến câu chuyện của nữ phóng viên Nhật Bản tên Shiori Ito xảy ra vào tháng 4/2015. Cô đã bị ông Noriyuki Yamaguchi, một trong những phóng viên truyền hình nổi tiếng nhất Nhật Bản, trưởng đại diện của Hệ thống Truyền hình Tokyo tại Washington, và cũng là người viết hồi ký cho Thủ tướng Shinzo Abe cưỡng bức. Cô đã đến sở cảnh sát trình báo sự việc. Vụ án của Shiori Ito có thể được xem là một trong những trường hợp hiếm hoi ở Nhật Bản khi nạn nhân của các vụ việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc dám lên tiếng.

Cũng nhân nói về chuyện nhà báo và nạn quấy rối tình dục, mới đây báo Phụ nữ - cơ quan ngôn luận của Hội LHPN TP.HCM đã đưa ra thông tin: “Hiện nay, đội ngũ phụ nữ làm báo ở các vị trí, công việc khác nhau cũng như trong các cơ quan quản lý, in ấn, xuất bản, phát hành... tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Theo một thống kê, đội ngũ này chiếm trên 50% lực lượng làm báo cả nước. Tuy nhiên, nghiên cứu của Viện Đào tạo nâng cao nghiệp vụ báo chí Thụy Điển (FoJo) phối hợp với Trung tâm Sáng kiến truyền thông và Phát triển (MDI) gần đây cho thấy, tỷ lệ quấy rối đối với nhà báo ở Việt Nam khá cao, bao gồm cả việc quấy rối từ những người trong nội bộ cơ quan lẫn từ những người bên ngoài (nguồn tin).

Có không ít nhà báo nữ bỏ việc hoặc bị hạn chế phát huy khả năng làm việc. Điều này cũng xảy ra đối với nhà báo nam, dù số lượng ít hơn nhiều so với nhà báo nữ. Chưa kể, nhóm dễ bị tổn thương nhất là sinh viên báo chí đi thực tập và phóng viên nữ mới vào nghề, lại chưa được trang bị những kỹ năng “thoát hiểm” cần thiết...”.

Nói theo kiểu trào lưu của Facebook rằng: Để đây và biết nói gì hơn, vì mọi sự đã quá rõ ràng! Đã đến lúc phải lên tiếng, phải luật hóa, để chặn đứng những ý đồ và bàn tay nhơ bẩn!

* Ông Nguyễn Văn Bình – Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH cho biết, một trong những lý do khiến quấy rối tình dục khó được giải quyết triệt để là nạn nhân không biết khiếu nại, tố cáo ở đâu, như thế nào. Trong khi, các cơ quan quản lý cũng gặp khó vì không biết giải quyết khiếu nại, tố cáo theo trình tự, thủ tục ra sao. Do đó, pháp luật cần lấp đầy những lỗ hổng hiện nay để bảo vệ các nạn nhân bị quấy rối tình dục và phòng ngừa hành vi này.

* Bà Lisa Wong, chuyên gia nghiên cứu về giới của ILO nhấn mạnh, một số người cho rằng vấn đề văn hóa là rào cản đối với việc luật hóa vấn đề này. Tuy nhiên, khi một người thực hiện những hành động liên quan/ngụ ý tình dục (dù có được chấp nhận rộng rãi bởi những người khác) mà người tiếp nhận không thích, người đó vẫn tiếp tục hành động đó khi người tiếp nhận đã nói rõ người đó không muốn như vậy, đó rõ ràng là quấy rối tình dục và yếu tố văn hóa không có giá trị liên quan ở đây.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/phai-luat-hoa-de-chan-dung-nhung-y-do-va-ban-tay-nho-ban-389795.html