Phải lòng em gái nuôi

Gió quật mạnh khiến những hạt mưa xốp nhẹ bỗng chốc trở thành những chiếc gai sắc nhọn găm thẳng vào mặt tôi. Tôi rất ghét những ngày vừa lạnh vừa mưa như thế.

Nhưng nếu chỉ ru rú ở trong nhà, trái tim tôi có lẽ đã đóng băng mất rồi. Từ ngày em quyết định biến mất khỏi cuộc sống của tôi, tôi chẳng có phút giây nào an nhiên cả. Tôi làm việc trong trạng thái căng thẳng tột độ, nghỉ ngơi với cảm giác bồn chồn rất khó tả. Có lúc tôi tưởng mình phát điên, chỉ khi đập phá được một cái gì đó, tôi mới cảm thấy đỡ hơn.

Bố mẹ tôi hiếm muộn, sau khi sinh tôi, họ không thể có thêm đứa con nào nữa. Tôi lại là thằng con trai lầm lì, ít nói. Sự hiện diện của tôi khi đó có lẽ chưa đủ để bố mẹ cảm thấy hạnh phúc.

Bố mẹ quyết định đón em về nuôi trong sự phản đối của tất cả mọi người. Họ nói xuất xứ của em không rõ ràng, hơn nữa em lại là con gái. Sau này em lớn, gia đình sẽ gặp nhiều tình huống rất khó xử vì dù sao em cũng không phải là em ruột của tôi.

Nhưng tôi chẳng quan tâm đến những điều đó. Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn từ khi có em. Giờ nhắm mắt lại, quá khứ lại hiện lên, nó không phải thứ huyền ảo xa vời, mà là sự chân thực đến không ngờ. Nó giúp tôi đủ bình tĩnh để suy nghĩ một cách chậm rãi về con người em.

Em xuất hiện trước tôi với thân hình gầy gò cùng bộ quần áo rộng quá khổ. Em cắt tóc ngắn hệt như một thằng con trai, chất giọng trung tính của em cũng làm tôi cảm thấy khó chịu. Chỉ có khuôn mặt nhỏ nhắn và đôi môi đỏ hồng tự nhiên là những nét giúp tôi nhận ra em là con gái.

Dù sao tôi vẫn thấy ghét em, sự chào đón quá mức nhiệt tình của bố mẹ dành cho em khiến tôi càng tức giận.

Nhưng rốt cuộc, chỉ qua một đêm, khi mở mắt vào lúc sáng sớm, tôi thấy tay mình đang nắm mớ tóc lù xù của em trong vô thức, đó là lúc tôi biết mình đã đón nhận em bằng cả trái tim. Sợi dây vô hình nào đó đã gắn kết anh em tôi. Và rất nhanh chóng sau đó, chúng tôi thân nhau như hình với bóng, đi đâu cũng phải có nhau. Bố mẹ tôi thực sự hạnh phúc khi thấy hai anh em hòa thuận với nhau như thế.

Tôi có thể ngồi hàng giờ để lắng nghe chia sẻ về những sở thích của em. Nhiều lúc, sợ tôi chán, em chủ động hỏi: “Giờ mình nói về game anh nhé, anh đang chơi game gì nhỉ?”. Tôi lắc đầu, tự dối lòng: “Không! Anh thích nghe em nói cơ, em nói tiếp đi”.

Tôi không đam mê nghệ thuật như em, đôi lúc tôi cũng không hiểu hết những điều em chia sẻ, chỉ là tôi thích cảm giác ở bên em, bình yên và nhẹ nhàng như thế, thi thoảng cao hứng, em còn hát vài câu cho tôi nghe.

Giờ nghĩ lại, tôi thực sự không hiểu vì sao chúng tôi buộc phải xa nhau. Có lẽ khi chúng tôi đủ khôn lớn để không còn vô tư như thời thơ bé, khoảng cách giữa chúng tôi tự nhiên rộng hơn, đến mức không thể với tới nhau được nữa. Em là người chủ động rời khỏi ngôi nhà chất chứa đầy kỷ niệm. Bố mẹ tôi khóc cạn nước mắt, nhưng họ tôn trọng quyết định của em. Tôi khi ấy dường như không cảm nhận được gì nhiều, về sau này tôi mới biết, sự cô đơn và trống trải đã ăn mòn cảm xúc của mình.

Em bây giờ đã trưởng thành. Tôi thấy mừng cho em, nhưng đó cũng là lý do tôi không muốn em trở về nơi này nữa. Có lẽ em sẽ rất khó xử… Nhiều lần tôi tự vần vò nỗi đau của mình, tự trách bản thân, mắc kẹt trong mông lung, không lối thoát và sợ ánh sáng. Tôi cũng từng nếm trải cảm giác mình là người bị bỏ lại, nhưng chưa một lần tôi dám gửi cho em dòng tin nhắn, dù đó chỉ là câu hỏi “Em có khỏe không?”.

***

Khép chặt cánh cửa, bỏ lại sau lưng mưa gió điên cuồng đang cào xé không gian bên ngoài, tôi khẽ bật bài hát em thích, nhắm mắt và cảm nhận. Những ngón đàn bé xíu hiện lên trước mắt tôi, ánh nhìn, nụ cười, bước chân, và từng diễn biến cảm xúc trên khuôn mặt em như đang hiện ra, vừa thật vừa như mơ.

Bài hát kết thúc, tôi mở mắt rồi lại chớp mắt vì không thể tin vào thứ mà tôi đang nhìn thấy. Đó là gói mứt cà rốt với hương vị và màu sắc rất đặc trưng mà em thường tự tay làm, khi cả gia đình tôi vẫn còn đầm ấm bên nhau. Miệng tôi cười, nhưng nước mắt tôi trào ra. Thì ra em đã kịp về nhà, trước cả tôi.

Thủy Kiều

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/phai-long-em-gai-nuoi-Z4AnuXl7g.html