Phải lo cho dân bên cạnh giữ di sản

* Lùi hồ sơ UNESCO nếu chưa giải quyết xong cho dân 'Phải cân bằng giữa lợi ích của di sản quốc gia và lợi ích của nhân dân, làm sao để người dân là chủ nhân thực sự của di sản', Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo tại buổi làm việc hôm qua về bảo tồn và phát triển Đường Lâm.

* Lùi hồ sơ UNESCO nếu chưa giải quyết xong cho dân

“Phải cân bằng giữa lợi ích của di sản quốc gia và lợi ích của nhân dân, làm sao để người dân là chủ nhân thực sự của di sản”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo tại buổi làm việc hôm qua về bảo tồn và phát triển Đường Lâm.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị bắt đầu buổi làm việc tại Sơn Tây bằng chuyến thị sát Đường Lâm. Nhà cổ của ông Hà Văn Thể là điểm đến đầu tiên của ông tại làng cổ này. Ngôi nhà đang được tu bổ bằng ngân sách nhà nước. Một số người dân nghe tin cũng đã tìm gặp bằng được ông để trình bày về sự bất tiện, khó khăn trong sinh hoạt. Mảnh đất giãn dân dự kiến tại thôn Phụ Khang gần đó là điểm dừng chân của ông trước khi bắt đầu cuộc họp với các nhà khoa học, các sở liên quan và lãnh đạo Bộ VH-TT-DL - nơi ông từng làm bộ trưởng và Đường Lâm trở thành di sản văn hóa trong thời kỳ đó, sau một quyết định do chính ông ký.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm nhà cổ của ông Hà Hữu Thể đang tu bổ.
Người dân cho rằng đầu tư hiện đang “nước chảy chỗ trũng” vào số ít nhà cổ
- Ảnh: Trinh Nguyễn

Và giờ đây, ông Nghị phải giải quyết mâu thuẫn đã gieo mầm từ lâu - khi nhiều người dân thấy mình không còn muốn có di sản Đường Lâm nữa. “Chúng tôi không được sống tự do trên chính mảnh đất cha ông tôi để lại. Mười năm qua thanh niên làng tôi không có chỗ lấy vợ làm nhà. 90 cháu phải học trong phòng chật chội”, bà Giang Tú Oanh - đại diện dân làng nói.

Thế mà, theo GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, Đường Lâm đang đứng trước cơ hội là một trong năm làng trên thế giới trở thành di sản UNESCO. “Nếu quy hoạch tốt, đây là một cơ hội vinh danh di sản. Đây cũng là cơ hội cơ cấu lại kinh tế của làng”, ông nói giọng đầy hy vọng.

Quản lý lúng túng

Nhưng cũng chính sự độc đáo đó đang khiến nhà quản lý vô cùng lúng túng trước ngôi làng di tích cấp quốc gia đầu tiên này. Bởi nó không có tiền lệ để học tập. Với cấp xã, đó là việc không biết hướng dẫn dân sống ra sao trong di tích. Với cấp thành phố, quản lý một làng cổ nông nghiệp khác hẳn với làng cổ làng nghề vốn dễ gặp hơn. Nhiều ngành như quy hoạch, đầu tư... đã nêu lên sự phức tạp khiến công việc quy hoạch Đường Lâm cứ lai rai mãi đến 6 năm mà chưa xong. “Chúng tôi cũng thực sự chưa biết nên xử lý thế nào”, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Quang Long nói.

Chia sẻ với người dân, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Đặng Văn Bài - người từng ký nháy hồ sơ di sản Đường Lâm - nói: “Phải có chính sách hỗ trợ tối đa cho dân trong mức độ cho phép. Ở làng cổ Đường Lâm phải xây được cơ chế cải tạo thích nghi. Quy chế nào không phù hợp thì ta điều chỉnh nó đi”.

Sự không phù hợp được nhiều người nói đến trong cuộc họp về Đường Lâm chính là việc khoanh vùng di tích thiếu linh hoạt, dù không sai luật. Theo đó, vùng 1 của di sản (nơi tuyệt đối không được làm sai lệch) lại có những ngôi nhà dân thường cũ nát. Bên cạnh đó, có những di sản thuộc vùng 2 (nhà quanh được xây cao 2 tầng) lại không được bảo vệ cảnh quan.

“Có lẽ chúng ta cần có những ngôi nhà thuộc vùng 1 phải được áp dụng quy chế vùng 2 và ngược lại”, TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, đưa ra giải pháp. Như vậy, một số nhà dân sẽ có thể thoát “vòng kim cô” nhà một tầng để điều kiện sống tốt hơn.

Gấp rút giãn dân

Bên cạnh đó, việc giãn dân cũng phải gấp rút được thực hiện. Đất giãn dân cũng đã được Sơn Tây chuẩn bị, và mời ông Phạm Quang Nghị thị sát sáng qua. Khi nghe ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch xã Đường Lâm, đề nghị cấp 180 m2 cho mỗi hộ khi giãn dân, ông Nghị cũng cho rằng cần cân nhắc vì quỹ đất cho giãn dân quá lớn sẽ làm giảm quỹ đất nông nghiệp. Việc giãn dân ra sao cần được tính toán cụ thể hơn, mỗi gia đình nhận bao nhiêu đất, ai đi trước, ai đi sau. “Bài toán tổng thể không khó nhưng từng việc thì rất khó”, ông Nghị nói.

Giờ đây, có được chủ trương cần giải quyết nhanh, quy hoạch này đang được hứa hẹn phê duyệt trong khoảng tháng 7 tới. Ngoài ra, ông Nghị cũng yêu cầu khẩn trương việc vận động để người dân thêm hiểu, thêm yêu di sản. Nhất là xây dựng quy chế mới, đơn giản hóa thủ tục để cải thiện điều kiện sống nhân dân... “Rà soát lại điều lệ và quy chế hoạt động của Đường Lâm cái gì

không phù hợp. Chặt quá thì chỉnh sửa. Nguyên tắc xử lý cần được công khai, tránh trường hợp nể nang. Phải đánh giá lại vi phạm, cái nào cho để, cái nào cần xử lý”.

Đặc biệt, về chủ trương công nhận di tích là di sản UNESCO, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng không nên chạy theo danh hiệu. Nếu không giải quyết được tình trạng hiện nay thì việc làm hồ sơ sẽ lui lại.

"Bất khả thi" 508 tỉ đồng để bảo tồn Đường Lâm

Một dự toán 508 tỉ đồng đã được ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, trình hôm qua tại cuộc họp. Số tiền đó dự kiến được chi trong giai đoạn 2013-2015. Các hạng mục chi gồm tu bổ các hạng mục văn hóa, các di tích thuộc di tích làng Đường Lâm, xây dựng trường học...

Về điều này, ông Phạm Quang Nghị cho rằng đây là con số không khả thi. Hiện Hà Nội có 5.000 di tích, do đó việc chi quá lớn cho Đường Lâm như vậy hoàn toàn khó khăn. Thêm vào đó, khả năng kinh phí nhà nước chi lại càng khó vì hiện Hà Nội là nơi có thu ngân sách còn tốt hơn địa phương khác.

Theo Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, hiện mỗi năm Hà Nội chi 1.200 tỉ đồng đầu tư tôn tạo cho hơn 90 di tích, chưa cộng nguồn xã hội hóa. Được quan tâm, riêng nguồn kinh phí đầu tư cho Đường Lâm bằng 1/10 đầu tư cho Sơn Tây.

Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/phai-lo-cho-dan-ben-canh-giu-di-san-28465.html