'Phải làm thế nào để mỗi khi nhắc đến Vịnh Hạ Long là người ta nhớ ngay đến thương hiệu tàu du lịch'

Trong những năm qua, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long đã hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả, góp phần khai thác du lịch trên Vịnh Hạ Long theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Để có được thành quả đó, bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, Chi hội cũng đã nhận được sự chỉ đạo, định hướng rất lớn từ Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Nói về việc phát triển thương hiệu tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, ông Bình chia sẻ:

Ông VũThế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Ông VũThế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Muốn thu hút khách phải có sản phẩm, dịch vụ có thể là sản phẩm của quốc gia, của địa phương, của doanh nghiệp.

Vịnh Hạ Long đã là một thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới. Chúng ta đi đâu cũng mang Vịnh Hạ Long ra để giới thiệu với thế giới. Vì vậy, không có lý gì mà tàu du lịch trên Vịnh không trở thành một thương hiệu. Phải làm thế nào để mỗi khi nhắc đến Vịnh Hạ Long là người ta nhớ ngay đến thương hiệu tàu du lịch. Doanh nghiệp khai thác du lịch trên Vịnh Hạ Long phải làm tốt điều này. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để thương hiệu tàu du lịch Hạ Long ngày càng nổi tiếng khắp trong nước và thế giới. Nói đến Hạ Long là nói đến tàu du lịch.

Đương nhiên, đây sẽ là việc làm không đơn giản và dễ dàng gì. Muốn vậy, tất cả các doanh nghiệp tàu du lịch đều phải nỗ lực, phải đảm bảo những tiêu chí nhất định.

Hơn 500 tàu không phải tàu nào cũng đã tốt cả; hàng ngàn lao động du lịch đâu phải ai cũng giỏi cả. Vì vậy, chúng ta phải tự xây dựng những tiêu chí để các doanh nghiệp và mỗi người lao động phấn đấu đảm bảo đạt được. Đảm bảo những quy định, những tiêu chí của Nhà nước đặt ra là đương nhiên và bắt buộc rồi nhưng chúng ta muốn xây dựng thương hiệu trên Vịnh Hạ Long thì phải đặt ra thêm những tiêu chí khác nữa cho riêng mình.

Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ để xây dựng các tiêu chí và tổ chức bình chọn định kỳ để làm sao đảm bảo tàu du lịch Hạ Long luôn có chất lượng cao, có thương hiệu ngày càng nổi tiếng và là niềm tự hào của du lịch Việt Nam.

Tàu du lịch Biển Ngọc số hiệu QN8298 được gắn nhãn sinh thái "Cánh buồm xanh".

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động của Chi hội Tàu du lịch Hạ Long?

+ Theo tôi được biết thì trong suốt 10 năm qua, Chi hội đã duy trì được hoạt động tích cực, phát huy tính đoàn kết, nhất trí và tương thân tương ái giữa những người cùng làm nghề sông nước, đặc biệt tuân thủ pháp luật, hưởng ứng các phong trào, chủ trương, chính sách của tỉnh Quảng Ninh. Tôi đánh giá cao những thành tựu du lịch Quảng Ninh, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh trong đó có Chi hội Tàu du lịch Hạ Long.

Tôi rất mừng rằng, Chi hội ngày càng hoạt động đúng hướng, đi đúng vào cái chúng ta đang cần. Chi hội đã gắn kết được các thành viên các đội tàu, kết hợp chặt chẽ được với nhau đã là một thành công lớn. Các hội viên tham gia Chi hội đã được đảm bảo quyền lợi, thấy vào Chi hội là có ích. Những người lãnh đạo Chi hội đã làm rất tốt việc này.

Chi hội đã tổ chức xúc tiến du lịch, làm việc với những đối tác, những đơn vị đóng tàu, sửa chữa tàu, cung cấp dịch vụ cho tàu, cả những đơn vị tổ chức đưa đón khách du lịch đến Hạ Long. Chính việc Chi hội đi đúng hướng, đúng cái mà hội viên đang cần sẽ giúp cho Chi hội ngày càng phát triển, đi vào bản chất, tránh tính hình thức. Thông qua hoạt động của Chi hội những khó khăn của các hội viên sẽ được tháo gỡ. Chi hội sẽ là cầu nối tiếp xúc với chính quyền thành phố và cao hơn nữa là tỉnh Quảng Ninh để đề đạt ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hội viên. Đây là tổ chức nói lên tiếng nói của hội viên, phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, đấu tranh vì quyền lợi của các doanh nghiệp. Làm tốt điều đó, Chi hội sẽ càng phát triển vững chắc.

Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm hoạt động của Chi hội Tàu du lịch Hạ Long để phổ biến rộng rãi đến các Chi hội, hiệp hội du lịch khác trong cả nước.

Theo ông Vũ Thế Bình, cần nhân rộng những kinh nghiệm hoạt động của Chi hội Tàu du lịch Hạ Long.

- Theo ông, cần làm gì để phát triển Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cũng như đội tàu trên Vịnh Hạ Long mạnh hơn nữa?

+ Chi hội mạnh hơn nữa, cần quan tâm tới cơ chế chính sách, cách làm cụ thể để có tiếng nói chung hiệu quả cho quyền lợi của doanh nghiệp du lịch cũng như chú trọng công tác quản lý gắn kết hơn nữa giữa các thành viên. Cần tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch để có nhiều sản phẩm hơn đáp ứng nhu cầu của du khách; cải thiện hạ tầng tại điểm đến cũng như kết nối với các điểm đến khác để việc tiếp cận dễ dàng hơn; bảo vệ môi trường; nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin.

Di sản Vịnh Hạ Long không phải của riêng Quảng Ninh mà là những tài sản vô giá mà tạo hóa để lại cho quốc gia. Vì thế, không phải muốn làm gì thì làm. Khi phát triển du lịch phải có quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch, không thể phát triển tự nhiên. Phát triển du lịch phải đi liền với việc tôn tạo và bảo tồn các di sản, để phát huy hết tiềm năng vốn có trong khai thác, phát triển du lịch. Các doanh nghiệp du lịch, kinh doanh tàu du lịch ở Hạ Long cũng cần ý thức hơn về điều đó.

Đối với hoạt động của các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long hoạt động tốt, tôi nghĩ ngay trong Chi hội, Hiệp hội cũng nên có những hình thức khen thưởng kịp thời. Khen thưởng của Nhà nước thì đương nhiên rồi nhưng có hạn thôi, chúng ta phải kịp thời động viên anh em. Thấy hội viên nào, doanh nghiệp nào làm tốt chúng ta phải tự trích kinh phí hoạt động để khen thưởng ngay.

Các doanh nghiệp phải tìm hiểu xem người lao động của mình ai làm tốt để kịp thời khen thưởng khích lệ. Các Chi hội phải đề xuất giới thiệu hội viên làm tốt lên Hiệp hội của tỉnh; Hiệp hội lại giới thiệu lên Hiệp hội Du lịch Việt Nam khen thưởng cho các hội viên, giám đốc các doanh nghiệp. Người lao động cần phải được động viên, người giỏi phải được khích lệ và người kém phải bị loại trừ. Hãy chọn ra những con người giỏi, người tận tụy để động viên họ gắn bó với doanh nghiệp nhiều hơn, gắn bó với du lịch Hạ Long. Như thế, Chi hội sẽ ngày càng phát huy được sức mạnh của mình.

Ông Vũ Thế Bình (thứ tư, trái sang) trong buổi mừng công của Chi hội Tàu du lịch Hạ Long đầu năm 2020.

-Nhân nói đến vấn đề bảo vệ môi trường, như ông đã biết, trong thời gian qua, Quảng Ninh đã gắn nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” cho rất nhiều tàu du lịch. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

+ Như anh đã biết, bộ tiêu chí nhãn sinh thái "Cánh buồm xanh" thuộc khuôn khổ dự án Hợp tác kinh tế “Thúc đẩy Tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”, do JICA tài trợ giai đoạn 2, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường bền vững và chính sách phát triển du lịch.

Tôi cho rằng, Quảng Ninh làm rất tốt điều này. Việc ra đời nhãn sinh thái "Cánh buồm xanh" có ý nghĩa quan trọng với hoạt động du lịch. Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, việc này sẽ được nhân rộng cho tất cả các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường.
- Xin trân trọng cám ơn ông!

Hiện nay, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long có 242 hội viên, sở hữu trên 500 tàu du lịch. Trong năm 2019, đã có 150.000 chuyến tàu xuất bến, cao điểm nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 có 800 chuyến xuất bến phục vụ 20.000 lượt khách mỗi ngày. Chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, hiệu quả, làm tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn với các doanh nghiệp; là nơi bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên, góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình ảnh du lịch Hạ Long.

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/202002/pho-chu-tich-hiep-hoi-du-lich-viet-nam-vu-the-binh-phai-lam-the-nao-de-moi-khi-nhac-den-vinh-ha-long-la-nguoi-ta-nho-ngay-den-thuong-hieu-tau-du-lich-2471326/