Phải làm sao khi biết mẹ yêu... người yêu của con gái?

Đến tuổi thiếu nữ, như bao cô gái khác, tôi cũng biết mơ mộng, biết buồn vui, hờn giận vu vơ và cũng biết… yêu. Tôi yêu một anh bạn cùng lớp mặc dù luôn bị ám ảnh bởi câu nói: 'Ai người ta yêu một người tật nguyền'.

Câu chuyện hôn nhân dưới đây được một người phụ nữ gửi về chuyên mục chia sẻ:

Tôi không may mắn khi sinh ra đời đã là một người khiếm khuyết với đôi chân vòng kiềng ngắn cũn cỡn, chỉ bằng hai phần ba chân người bình thường. Nhưng bù lại tôi có gương mặt sáng, có thể gọi là đẹp cùng với trí óc minh mẫn. Ba tôi mất sớm, mẹ thương tôi bất hạnh ở vậy để toàn tâm toàn ý lo cho tôi.

Tôi lớn lên được học hành tử tế. Mẹ là người đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường, vừa lo cho tôi vừa lo kiếm tiền, mọi gánh nặng chất hết lên đôi vai của bà . Ngoài việc làm ở công ty vào ban ngày, ban đêm mẹ tôi còn tranh thủ lãnh đồ về may gia công.

Tâm sự nghẹn đắng của thiếu nữ khi phát hiện mẹ cùng con gái cùng yêu một người. Ảnh minh họa

Đến tuổi thiếu nữ, như bao cô gái khác, cũng biết mơ mộng, biết buồn vui, hờn giận vu vơ và cũng biết… yêu. Tôi yêu một anh bạn cùng lớp vì anh này học rất giỏi và đẹp trai. Đem tâm sự này chia sẻ với nhỏ bạn thân. Nó vô tư phán: “Mày nghĩ sao vậy? Thằng Nam nó đẹp trai vậy nghĩ sao nó yêu mày?”. Tôi biết bạn chỉ nghĩ sao nói vậy chứ không có ác ý gì nên không giận nó. Nhưng từ đó, trong tôi tình yêu tắt lịm, tôi không nghĩ tới nó nữa mà chuyên tâm học hành để tìm cho mình một công việc kiếm sống sau này nhỡ khi không còn mẹ trên đời.

Mẹ tôi hình như cũng có chung suy nghĩ này, bà nghỉ làm gom hết tiền tiết kiệm và vay mượn thêm của nhà ngoại được một số vốn. Hai mẹ con đi học làm tranh cát và sau đó về mở một cơ sở tranh cát nho nhỏ để kiếm sống và để tập cho tôi tự lập cuộc sống sau này. Được mẹ tư vấn, tôi tạo facebook để quảng bá sản phẩm đồng thời chia sẻ với bạn bè bốn phương trong những lúc rỗi rãi. Trong số bạn bè quen trên facebook có Huỳnh là người thường hay quan tâm chia sẻ với tôi về các sản phẩm tranh cát.

Anh là người tỏ ra hiểu biết về bộ môn nghệ thuật này. Lâu dần trở thành bạn nhưng tôi vẫn chưa tiện để nói cho Huỳnh biết về tình trạng của mình. Hơn nữa tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tìm một người đàn ông để làm chồng hoặc đơn giản để làm người yêu vì ám ảnh bởi câu nói của nhỏ bạn ngày trước, cho nên chuyện nói hay không nói không ảnh hưởng gì.

Một hôm Huỳnh hẹn tôi tới cơ sở để đặt mua một số tranh cát. Gặp anh, tôi mới biết Huỳnh là giám đốc một công ty truyền thông tuy mới bắt đầu khởi nghiệp nhưng hứa hẹn một tương lai xán lạn. Huỳnh lớn hơn tôi tám tuổi, trông chững chạc đạo mạo nhưng vui vẻ, cởi mở, dễ gần. Gặp anh ngoài đời, ngay lần đầu tiên tôi đã thấy có cảm tình đặc biệt nhưng vẫn có một chút mặc cảm tự ti. Tôi dè dặt để ý dò xét thái độ của anh nhưng không thể đoán được anh đang nghĩ gì. Hôm ấy có mẹ tôi ở nhà. Bà thấy vậy tiếp anh đỡ cho tôi bớt bối rối. Bà dẫn anh đi tham quan cơ sở, giới thiệu sản phẩm. Nhìn hai người say sưa trao đổi với nhau về nghệ thuật tranh cát, tôi cũng thấy vui lây.

Sau lần đó, anh thường xuyên dẫn khách đến mua tranh cát, có những hợp đồng lớn, mẹ phải nhờ gia công thêm bên ngoài. Sự kết hợp ấy khiến anh ngày càng trở nên thân thiết với hai mẹ con tôi. Chúng tôi thường hay đi ăn, thỉnh thoảng đi chơi với nhau. Cũng có đôi lần anh hẹn riêng với tôi đi cà phê. Câu chuyện của chúng tôi loanh quanh vấn đề tranh cát và… mẹ tôi. Mỗi lần nghe anh nhắc đến mẹ, tôi thật sự rất tự hào, thế là tôi lại say sưa kể về mẹ cho anh nghe. Tôi chia sẻ với anh về sự hy sinh lớn lao mà mẹ dành cho tôi trong suốt từng ấy năm sống đơn chiếc nuôi tôi.

Thời gian sau đó, anh thường xuyên hẹn tôi đi cà phê hơn. Nhưng nội dung câu chuyện không có gì mới ngoài tranh và mẹ. Tôi chờ đợi ở anh một điều gì đó mới mẻ hơn, một câu hỏi gì đó về chính bản thân tôi, rằng tôi đang nghĩ gì chẳng hạn. Dần dần tôi cảm thấy tuyệt vọng, thấy nóng lòng và hoang mang. Tôi kiên nhẫn chờ đợi và rồi tôi đã không hoài công. Lần đầu tiên được ngả vào vai người đàn ông mình thầm thương trộm nhớ, được anh đặt nhẹ một nụ hôn lên tóc, tôi thật sự thấy mình bay bỗng lên tận chín tầng mây. Sau đó, cứ lâu không gặp anh, tôi lại thấy nhớ, tôi lại gọi. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc.

Nhưng rồi bỗng nhiên Huỳnh ít dần liên lạc với tôi, ít dần những buổi cà phê mặc dù công việc làm ăn của hai bên vẫn suôn sẻ. Tôi hỏi thì Huỳnh trả lời công ty anh ngày càng nhiều việc khiến anh không còn rảnh rỗi như xưa. Tôi biết một đứa con gái tật nguyền như tôi có được một người đem lòng thương yêu chân thật đã khó huống hồ đó là một người thành đạt như anh nên tôi không dám mảy may đòi hỏi gì. Tôi chỉ biết cố gắng níu giữ tình cảm của anh bằng sự chân thành của mình mà thôi.

Nhưng càng ngày tôi càng thấy anh có vẻ xa các, lợt lạt. Trong lúc tôi đang cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra với tôi thì một bữa nọ, mẹ tôi thú nhận mẹ và Huỳnh đã yêu nhau. Tôi thảng thốt: “Không được đâu mẹ ơi”. Mẹ hỏi: “Vì sao?”. Tôi chống chế: “Vì anh ấy nhỏ tuổi hơn mẹ”. Mẹ tôi suy nghĩ giây lát rồi trả lời: “Tuổi tác không đáng ngại. Mẹ chỉ muốn biết con nghĩ thế nào khi mẹ đi thêm bước nữa. Bao nhiêu năm mẹ ở vậy nuôi con được thì bây giờ mẹ cũng sẽ không lấy chồng nếu như con không đồng ý…”.

Thật ra từ lâu trong thâm tâm tôi từng nghĩ, nếu có người đàn ông nào đó thương yêu mẹ tôi thật lòng, tôi sẽ ủng hộ mẹ lấy chồng mặc dù chắc là tôi sẽ buồn ghê lắm. Nhưng trong tình huống như vậy, tôi biết làm sao đây?

N.T.A

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/gia-dinh/phai-lam-sao-khi-biet-me-yeu-nguoi-yeu-cua-con-gai-7628.html