Phải làm sao để có nhiều chiến sĩ thi đua, thay vì sĩ quan thi đua

Ngày 26/4, tại trụ sở Bộ NN-PTNT diễn ra Hội nghị ký kết Giao ước thi đua, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2021 của Khối thi đua các Bộ, ngành kinh tế.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

"Thi đua là giải pháp quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ, cũng như thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ. Đó còn là động lực để các nhân viên trong Khối thi đua các Bộ, ngành kinh tế có môi trường tốt nhất làm tròn trách nhiệm của mình”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư Đảng ủy Bộ NN-PTNT, cho hay.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Khối thi đua các Bộ, ngành kinh tế Trung ương đặt mục tiêu thực hiện đúng 3 nội dung tại Hướng dẫn số 1595/HD-BTĐKT ngày 17/7/2018 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Các phong trào thi đua chính được khối đưa ra trong năm 2021, gồm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đau thực hiện Văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.

Bộ NN-PTNT giữ vai trò khối trưởng Khối thi đua các Bộ, ngành kinh tế trong năm 2021. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Bộ NN-PTNT luôn quán triệt thi đua phải tạo thành tích đột biến mới được khen thưởng".

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, chỉ nên "chọn một chủ đề cho từng năm triển khai thi đua trong khối". Ông cho rằng: “Nếu đưa quá nhiều nội dung trong một năm thì các Bộ, ngành khó kham nổi bởi công tác chuyên môn hiện rất nặng nề".

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, chỉ ra rằng, chuyển đổi số là điểm mới trong công tác thi đua, khen thưởng năm 2021. Thứ trưởng Tâm nói thêm: "Phải làm sao để nhân rộng chuyển đổi số và đưa lên tầm quốc gia".

Theo kế hoạch, Khối thi đua các Bộ, ngành kinh tế ký Giao ước thi đua vào tháng 4/2021. Tháng 7/2021, khối sẽ sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm. Dự kiến đầu tháng 8/2021, khối sẽ tổ chức hội thảo trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời kiểm tra, đánh giá công tác tại các bộ, ngành.

Đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Thông tin - Truyền thông và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ký giao ước thi đua. Ảnh: Bảo Thắng.

Trên thang điểm 1.000, khối cũng thông qua các chỉ tiêu thi đua gồm: ban hành văn bản triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ; triển khai các quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng, các nghị định, thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu duy trì hoặc vươn lên về thứ hạng xếp loại cải cách hành chính năm 2021.

Kết luận hội nghị, ông Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hứa "sẽ nghiên cứu mô hình để tăng tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp".

Ông cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, rằng cần có một tỷ lệ tham chiếu trong công tác khen thưởng. "Phải làm sao để có nhiều chiến sĩ thi đua, thay vì sĩ quan thi đua", ông Toàn chia sẻ.

Công tác thi đua, khen thưởng năm 2021 sẽ được tổng kết vào tháng 3/2022.

Bảo Thắng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phai-lam-sao-de-co-nhieu-chien-si-thi-dua-thay-vi-si-quan-thi-dua-d289264.html