Phải làm gì khi công ty không đóng bảo hiểm xã hội

Mới đây, khi tôi chấm dứt Hợp đồng lao động tôi mới biết công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho tôi, trong khi vẫn trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội của tôi hằng tháng. Vậy tôi phải làm thế nào để đòi lại quyền lợi cho mình?

Một bạn đọc hỏi: Tôi làm nhân viên của một công ty đã được 1 năm. Trong quá trình làm việc, công ty có thông báo sau 6 tháng tôi mới được đóng bảo hiểm xã hội. Tiền đóng bảo hiểm xã hội của tôi vẫn bị trừ hằng tháng. Nhưng đến nay, khi tôi chấm dứt Hợp đồng lao động thì mới biết công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho tôi. Vậy tôi phải làm thế nào? Trường hợp công ty tôi vi phạm quyền lợi người lao động, sẽ bị xem xét, xử lý như thế nào?

Doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: B.D

Doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh: B.D

- Thông tin bạn hỏi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay: Căn cứ theo Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội thì trường hợp của bạn nếu đã ký hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên công ty có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho bạn.

Trong trường hợp này, công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho bạn, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 17, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.

Như vậy, công ty sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 3, Điều 122, Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Giám đốc công ty, tổ chức Công đoàn để công ty xem xét lại hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho bạn. Hoặc bạn có thể khiếu nại lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở.

Trong trường hợp Công ty không giải quyết cho bạn hoặc giải quyết mà bạn không thấy thỏa đáng, bạn cũng có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở yêu cầu giải quyết.

Về vi phạm của công ty bạn, tại Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng quy định các hình thức xử lý vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Về biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phai-lam-gi-khi-cong-ty-khong-dong-bao-hiem-xa-hoi-103763.html