Phải làm công khai và nghiêm minh vụ công an 'gạt tay trúng má' nhà báo

Để việc nhỏ không biến thành việc to, gây ra dư luận hiểu nhầm cần làm công khai và nghiêm minh vụ việc công an 'gạt tay trúng má' nhà báo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Đề nghị trên được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 4.10. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016 của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Dẫn chứng vụ việc xảy ra ở cầu Nhật Tân vừa qua giữa một cán bộ công an Huyện Đông Anh và phóng viên Báo Tuổi Trẻ, sau đó thượng sĩ công an Ngô Quang Hưng bị xử lý kỷ luật khiển trách, nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị xử phạt hơn 14 triệu đồng.

Theo bà Nga, điều gây ồn ào trong dư luận, không chỉ ở cộng đồng trên mạng mà nhiều cán bộ cũng bức xúc là việc từ clip đưa tin trên báo chí chính thống, người có thẩm quyền của Công an Hà Nội trả lời là rằng thượng sĩ Ngô Quang Hưng đã có hành vi “dùng tay gạt trúng má” và “giơ chân đá nhưng không trúng” nhà báo Quang Thế.

Để thực hiện đúng định hướng chủ trương của Chính phủ từ việc nhỏ không để xảy ra to, trước những vụ việc "gây bão" dư luận như thế này, bà Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, và cả Ủy ban Quốc phòng An ninh có theo dõi, vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh, công bằng và thuyết phục, để cả người trong cuộc và ngoài cuộc tâm phục khẩu phục , củng cố lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước.

Cần nêu đích danh người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân

Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ghi nhận những chuyển biến tích cực của công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước trong năm qua, từng bước gắn tiếp dân với xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu ra tình trạng công dân khiếu kiện có thái độ quá khích, bức xúc, vi phạm nội quy vẫn còn gia tăng và ngày càng nghiêm trọng; đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, hành hung và đe dọa cán bộ tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

Ông Định đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể và sâu sắc hơn về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Báo cáo của Chính phủ cũng cần nêu rõ, đích danh người đứng đầu các ngành, các cấp không trực tiếp tiếp công dân và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của luật Tiếp công dân, luật Khiếu nại, luật Tố cáo để đưa công tác này vào nền nếp, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài”, ông Định nói.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc tiếp công dân gắn liền với thẩm quyền giải quyết là điều rất quan trọng. Bà Hải cho biết qua quá trình giám sát, có hiện tượng nhiều Chủ tịch UBND tỉnh, huyện chưa thực hiện tốt quy định tiếp công dân định kỳ hàng tháng, thậm chí có nơi 3 tháng mới tiếp công dân một lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng một trong những hạn chế của việc giải quyết khiếu nại tố cáo là nhận thức và trách nhiệm của cán bộ từ Trung ương đến địa phương còn chưa cao. Cũng theo ông Việt, tình trạng can thiệp thô bạo của cấp trên khiến việc xử lý khiếu nại, tố cáo gặp nhều khó khăn.

“Vụ việc đang được giải quyết đúng đắn, nhưng chỉ một cú điện thoại là sự việc méo mó ngay. Cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo nhiều khi muốn làm tốt cũng không được. Giải quyết một việc mà có tới ba trường phái chỉ đạo thì biết nghe ai? Nghe ông này thì mất lòng ông kia”, ông Việt phát biểu.

Trường Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/phai-lam-cong-khai-va-nghiem-minh-vu-cong-an-gat-tay-trung-ma-nha-bao-751614.html