Phải hiểu nhà đầu tư mới thu hút họ

'Thưa ông Wong, cho phép tôi thẳng thắn hỏi: Ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể tin vào tất cả điều ông nói, làm thế nào chúng tôi có thể chắc chắn rằng chính phủ Singapore sẽ làm đúng điều ông nói và thật sự chào đón hoạt động của chúng tôi tại Singapore?'.

Đó là câu hỏi của Saburo Inoue, Giám đốc Điều hành của Daini Seikosha với ông Wong Meng Quang, tùy viên kinh tế cao cấp kiêm trưởng đại diện Cục Phát triển Đầu tư Singapore (EDB) tại Tokyo, khi mời ông này đến công ty để trao đổi về khả năng thiết lập nhà máy sản xuất đồng hồ thương hiệu Seiko tại Singapore.

Hiểu được ông Inoue là người phản đối ý định chuyển nhà máy Seiko ra nước ngoài và những nghi ngại của các thành viên HĐQT, nhưng ông Wong cũng bình tĩnh trả lời bằng tiếng Nhật: “Thưa các ngài, tôi xin nhấn mạnh chính phủ Singapore luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Để chứng minh chúng tôi nghiêm túc và chân thành, tôi xin được phép mời các ông cử đoàn chuyên gia đến Singapore để đánh giá tình hình, nghiên cứu về điều kiện lao động, chuyển giao công nghệ, dịch vụ tài chính ngân hàng, và nếu muốn các ông có thể nghiên cứu cả môi trường chính trị”.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, nhờ ông Wong, Singapore đã ngăn dự án xây nhà máy thép trên đảo Pulau Ubin, tránh được hiểm họa môi trường. (Trong ảnh: Ông Wong (trái) trong chuyến công tác tại Trung Quốc năm 1990 khi ông Lý Hiển Long vừa được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng).

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, nhờ ông Wong, Singapore đã ngăn dự án xây nhà máy thép trên đảo Pulau Ubin, tránh được hiểm họa môi trường. (Trong ảnh: Ông Wong (trái) trong chuyến công tác tại Trung Quốc năm 1990 khi ông Lý Hiển Long vừa được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng).

Câu chuyện nói trên xảy ra đầu năm 1973, được ông Wong kể lại qua bài viết trong quyển sách nhiều tác giả tập hợp những bài học kinh nghiệm của EDB trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Singapore. Ông Wong cho biết vào thời điểm đó, HĐQT của Seiko đang lựa chọn 3 quốc gia để chuyển nhà máy sang, và ông đã xây dựng được quan hệ với một vài nhân vật quan trọng trong tập đoàn này. Tuy nhiên phần lớn thành viên HĐQT của Seiko vẫn chưa đồng ý đầu tư tại Singapore, vì họ nghĩ đây chỉ là đảo quốc bé nhỏ và con người chưa đủ kỹ năng làm việc.

Buổi gặp gỡ hôm hôm đó là cơ hội để ông Wong thể hiện sự thành tâm của Singapore, nhưng sự lạnh lùng vốn dĩ trong giao tiếp của người Nhật không cho phép ông sớm lạc quan. Phải đến hơn 2 tuần lễ sau, Seiko mới quyết định mở nhà máy tại Singapore. Điều ý nghĩa với ông Wong là đích thân vị chủ tịch điều hành Seiko ông Shoji Hattori, đã đến Đại sứ quán Singapore, cũng là nơi đặt văn phòng EDB, chính thức thông báo quyết định này và cám ơn những nỗ lực ông Wong đã đóng góp.

Ngoài Seiko, ông Wong còn có kinh nghiệm thú vị với công ty Nhật khác là Nippon Miniature Bearings (NMB), cũng hoạt động trong ngành kỹ thuật chính xác. Ông Wong đã xây dựng mối quan hệ với vị chủ tịch điều hành của công ty này là Takami Takahashi từ cuối năm 1971. Vào thời điểm đó, NMB là nhà sản xuất lớn nhất các loại vòng bi thu nhỏ có độ chính xác cao, các sản phẩm có độ chính xác được gắn vào thiết bị kỹ thuật cao trong ngành sản xuất ô tô, điện tử, máy bay và vũ khí. Ông Takahashi tiết lộ NMB bán sản phẩm cho các công ty quốc phòng Mỹ. Ông nói trong tương lai có nhiều khả năng NMB sẽ thiết lập công ty con 100% vốn tại Singapore để sản xuất vòng vi thu nhỏ bán cho Mỹ và các nước phát triển khác.

Khi NMB quyết định cử một đoàn sang Singapore khảo sát, nhưng phải mất khoảng 1 năm để nghiên cứu khả thi. Khi ông Takahashi gọi điện cho biết đích thân ông sẽ bay sang Singapore xem đất đai để xây nhà xưởng, ông Wong cảm thấy phía Nhật Bản sẽ quyết định mở nhà máy. Thật vậy, ông Takahashi đã quyết định rất nhanh sau khi tiếp cận thực địa. Điều đó có được nhờ việc nghiên cứu khả thi thực hiện chi tiết, sự nghiêm túc của các cơ quan chức năng Singapore phục vụ cho nhu cầu xây nhà máy của NMB.

Trong lần công du sang Tokyo, Thủ tướng Lý Quang Diệu gọi ông Wong đến khách sạn để tham khảo ý kiến. Ông Lý nói các nhà đầu tư Mỹ, Anh và Đức và một công ty khai thác quặng sắt của Australia đã cùng nhau lập dự án cho khu sắt thép phức hợp ở đảo Pulau Ubin. Ông Lý muốn biết liệu người Nhật có tham gia vì dự án này khá lớn để cung cấp cho cả Đông Nam Á và các nước khác.

Trước câu hỏi bất ngờ, ông Wong đáp rằng điều đó không thể, và giải thích rằng người Nhật rất tự tin về khả năng sản xuất thép, khả năng tăng thị phần của họ trên thế giới, nên không muốn từ bỏ vị trí dẫn đầu khi phải hợp tác với các đối thủ “già cỗi” khác. Ông Lý trở về phòng ngủ và quay lại với một báo cáo dày cộp, nói các chuyên gia đều cho rằng dự án này là rất khả năng, anh nói sao về báo cáo này? Ông Wong báo cáo với ông Lý mình đã gặp ông H Inayyama, Chủ tịch của Nippon Steel Corp vào giữa những năm 1970. Nippon Steel khi đó đã trở thành nhà máy sản xuất sắt thép lớn nhất thế giới nhờ sự sáp nhập của Yahata Steel và Fuji Steel. Ông Inayama nói riêng với ông Wong rằng Nhật Bản có thể mua quặng sắt của Mỹ với giá thị trường thế giới rồi vận chuyển xuyên Thái Bình Dương, đem về các lò nung trong nước để sản xuất các sản phẩm thép cao cấp, sau đó lại chở sang bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ, với chất lượng và giá cả tốt hơn các sản phẩm của Mỹ.

Dù không phải là chuyên gia trong ngành sắt thép, nhưng ông Wong đã biết cách tìm hiểu và đánh giá nhận định khôn ngoan của ông Inayama. Ông Wong cho rằng ngành công nghiệp sắt vốn gây nhiều ô nhiễm và một nhà máy ở đất nước bé nhỏ như Singapore là không khả thi. Ý kiến của ông đã thuyết phục Thủ tướng Lý Quang Diệu. Các cơ quan chức năng Singapore đã xem xét lại đề nghị của các nhà đầu tư và quyết định không xây nhà máy thép trên đảo Pulau Ubin.

Đúc kết kinh nghiệm làm việc với EDB trong suốt 5 năm (1969-1974), ông Wong cho rằng người làm xúc tiến đầu tư phải có khả năng làm việc hiệu quả và thoải mái với nhà quản lý cấp cao của các công ty trong địa bàn hoạt động của mình. Người này phải có kiến thức không chỉ giới hạn trong lĩnh vực đầu tư mình phụ trách và tình hình phát triển kinh tế của Singapore, còn phải có phong cách thân thiện và phẩm chất con người toàn diện, có khả năng tương tác và trao đổi những góc nhìn thông minh với các lãnh đạo doanh nghiệp trong nhiều vấn đề đa dạng. Nhưng trên hết vẫn là khả năng tạo dựng lòng tin bằng sự nghiêm túc, chân thành, kiên trì và nhẫn nại và đại diện cho hình ảnh của Singapore trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Singapore ngày 12-6-2020

Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/phai-hieu-nha-dau-tu-moi-thu-hut-ho-81279.html