Phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao

Chiều 5-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra vào tối cùng ngày.

Không để bị động bất ngờ

Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực. Tuy nhiên, nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế như dịch tả heo châu Phi có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2019; đồng thời nhiều mặt hàng nông sản giá xuống thấp; xuất khẩu nông sản tăng về sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm. Mặc dù xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, nhưng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 21,8% của năm 2017 và 15,3% của năm 2018. Tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm giảm 15,2% so với cùng kỳ.Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh bị đánh giá là chậm được cải thiện, sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có 26.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 34.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 34,8% và 13.500 doanh nghiệp giải thể…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: Viết Chung

Về nhiệm vụ thời gian tới, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao (dự kiến có 5 chỉ tiêu vượt). Theo Thủ tướng, quan trọng là phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn nữa; điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới; tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải được vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt.

Về vụ 9 người đi nhờ chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn ở lại, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết cơ quan điều tra đang phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc để điều tra vụ việc. Hiện đã có 3 công dân về nước, còn 6 công dân vẫn đang ở Hàn Quốc. Quá trình điều tra nếu hành vi sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định và thông tin cho báo chí.

Đồng thời, cần sớm xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của kinh tế thế giới có thể xảy ra, không để bị động bất ngờ; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. Do đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu.

Quốc hội, Chính phủ chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong tại Anh

Trước đó, mở đầu phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến vụ việc 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Anh. Thủ tướng bày tỏ đây là sự việc đau lòng, gây bàng hoàng cho gia đình các nạn nhân, cho cộng đồng, từng trái tim người Việt. Đến nay, công tác xác định danh tính đang diễn ra. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn đến thân nhân, gia đình các nạn nhân. Thủ tướng cũng hoan nghênh, đánh giá cao các cơ quan của Anh trong việc phối hợp với phía Việt Nam trong quá trình xử lý vụ việc.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xử lý, trước hết là động viên thân nhân của nạn nhân, hỗ trợ trong khả năng. Trong thời gian sớm nhất, đoàn công tác Việt Nam phối hợp với phía Anh sẽ công bố danh tính các nạn nhân. “Tại phiên họp Chính phủ này, một lần nữa chúng ta chia sẻ mất mát này đến từng gia đình nạn nhân. Chính phủ cố gắng làm hết sức mình trong công tác bảo hộ công dân. Công an các địa phương đã khởi tố một số đối tượng và đang truy tìm các đối tượng liên quan để xử lý đến cùng vụ việc”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại phiên hop báo Chính phủ thường kỳ tối 5-11, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh: Đây là bài học kinh nghiệm cần thiết trong công tác quản lý bởi chúng ta khẳng định đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ tội phạm loại này, kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời rất mong người dân nâng cao nhận thức để không bị dụ dỗ tham gia.

Trước đó, sáng 5-11, trước phiên làm việc, Quốc hội đã nghe Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về vụ 39 nạn nhân tử vong tại Anh. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện phía Anh đã chuyển cho phía Việt Nam hồ sơ vân tay của toàn bộ 39 nạn nhân để đối chiếu chéo nhằm xác định danh tính, quốc tịch của nạn nhân. Tuy nhiên, do thủ tục rất phức tạp, sau khi đối chiếu danh tính, lập hồ sơ báo cáo lên Tòa án nước Anh và được đoàn thẩm phán phê duyệt mới được công bố danh tính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu nhấn mạnh, những ngày qua, vụ 39 nạn nhân tử vong ở Anh đã gây xúc động mạnh trên toàn thế giới. Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phối hợp với các nước liên quan để xác minh làm rõ các vi phạm bảo hộ công dân; đề nghị Bộ Công an chỉ đạo tập trung triển khai làm rõ các đường dây đưa người sang nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đồng thời có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.

Tại buổi họp báo tối 5-11, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc thông tin thêm, đến nay 35 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình phản ánh “dấu hiệu có thể người thân là nạn nhân trong số 39 người gặp nạn”. Sau đây, việc thông báo danh tính nạn nhân sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Anh. Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Anh, sau khi xác định được danh tính, tùy theo quy định của pháp luật và phong tục tập quán để thông báo với địa phương và gia đình.

Với tư cách cơ quan quản lý lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Nhưng theo ông, việc di cư bất hợp pháp, buôn bán người hoàn toàn khác với công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà chúng ta đang triển khai. XKLĐ hợp pháp được luật pháp bảo hộ, đi đến những quốc gia mà Việt Nam có ký hiệp định lao động. “Có nhiều hình thức đi XKLĐ, nhưng XKLĐ hợp pháp thì người lao động đều được quản lý, bảo vệ. Hiện có khoảng 400 doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ, mỗi năm đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Với châu Âu, Việt Nam ký với Rumani đưa được 3.000 người; ký với Đức đưa được 1.066 điều dưỡng viên. Bộ trưởng khuyến cáo người có nhu cầu đi XKLĐ cần thông qua các doanh nghiệp được cấp phép, những thị trường mà Việt Nam ký kết hợp tác lao động để được bảo hộ, tuyệt đối không đi XKLĐ trái phép.

Cảnh giác để không lọt “đường lưỡi bò” vào Việt Nam

Trả lời câu hỏi những ấn phẩm có bản đồ hình lưỡi bò lọt vào Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, vừa qua, bộ đã khiển trách bà Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh và bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia do liên quan đến việc phim hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ” xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò”. Bộ cũng đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, du lịch, kiện toàn nhân sự, tăng cường rà soát để tránh xảy ra sự việc tương tự; nghiên cứu xây dựng phần mềm rà soát hình ảnh, âm thanh, lời thoại giúp quản lý tốt hơn. Bộ cũng đã kiện toàn hội đồng duyệt phim quốc gia; mời chuyên gia hỗ trợ việc rà soát nội dung; đề nghị các công ty nhập khẩu văn hóa, điện ảnh không tùy tiện nhập ấn phẩm về rồi “phó thác trách nhiệm cho cơ quan thẩm định.

Về vụ ôtô Volkswagen Touareg có bản đồ “đường lưỡi bò” được trưng bày tại triển lãm Vietnam Motor Show 2019, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng thông tin, đó là xe nhập từ Trung Quốc. Ngay khi phát hiện, bộ đã làm việc với đơn vị nhập khẩu ôtô để nắm vụ việc. Theo tờ trình của công ty này, màn hình ô tô có định vị bản đồ Trung Quốc. Trước khi mang đi triển lãm, doanh nghiệp không phát hiện vấn đề này. Bộ Công thương yêu cầu thu hồi và khắc phục vi phạm, hàng tuần, doanh nghiệp phải báo cáo hoạt động khắc phục, nếu không sẽ bị rút giấy phép nhập khẩu ô tô. Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các nhà nhập khẩu ôtô từ nước ngoài không nhập xe cài cắm hình ảnh nào vi phạm pháp luật Việt Nam.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/phai-giu-vung-toc-do-tang-truong-kinh-te-cao-73864.html