Phải giữ được hồn cốt lễ hội!

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là mùa lễ hội Xuân 2018 chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, có thực tế là sau nhiều năm bị phản ánh vì tình trạng lộn xộn xảy ra ở nhiều lễ hội, đến nay việc quản lý hoạt động này vẫn là vấn đề thời sự của dư luận; bài toán về quản lý và tổ chức lễ hội như thế nào cho 'đẹp' chưa có đáp án cuối cùng.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 8.500 lễ hội được tổ chức ở các quy mô khác nhau và quy định quản lý lĩnh vực này cũng chẳng thiếu. Nhưng dường như trong câu chuyện này vẫn thiếu điều gì đó. Có không ít lễ hội đang phải uốn mình theo sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại và mai một bản chất truyền thống, nảy sinh những tiêu cực, phản cảm...

Vấn đề đặt ra là với ngần ấy lễ hội, cơ quan quản lý có đủ thời gian, con người và đủ điều kiện để thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh hay không?

Khó ai có thể trả lời chắc chắn khi mà công tác quản lý và thực tế lễ hội còn nhiều bất cập, mâu thuẫn. Trong đời sống vẫn phát sinh những lễ hội mới mà không phải lúc nào công tác quản lý cũng bao quát hết được. Hiện nay, theo dõi những tranh luận xung quanh dự thảo Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lấy ý kiến sẽ nhận thấy những bất cập, tư duy quản lý vẫn mang tư tưởng kiểm soát, mà chưa thể hiện tinh thần hỗ trợ, tạo điều kiện để thực hành lễ hội tốt nhất.

Có rất nhiều lễ hội dân gian tồn tại thậm chí hàng nghìn năm, thành khuôn mẫu và có vị trí vững bền trong tâm thức văn hóa của dân tộc. Nay đặt ra vấn đề quản lý khuôn mẫu (ví dụ như việc duyệt kịch bản) thì e rằng chính cơ quan quản lý tự làm khó mình. Khẳng định cần thiết tăng cường quản lý nhưng phải dựa trên nền tảng của sự tôn trọng, đồng hành để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị. Cơ quan chức năng cần kiểm soát những lễ hội mới, các festival có nguồn gốc nước ngoài… để tổ chức cho rõ màu sắc, tính chất; có giải pháp kiểm soát hiệu quả những biến tướng, tiêu cực.

Một thực tế khác là đa số các lễ hội truyền thống có nội dung thực hành tín ngưỡng dân tộc, gắn với văn hóa, lịch sử của địa phương hoặc quốc gia, rất nhân bản và thuần chất. Nhưng ở nhiều nơi chúng lại bị thương mại hóa mà nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ chính quyền địa phương, ban tổ chức lễ hội. Ví như gần đây, nhiều lễ hội truyền thống được kéo dài thời gian tổ chức: Lễ hội đền Hùng diễn ra trong mười ngày thay vì hai ngày (mùng 9 và 10 tháng Ba) như trước, hoặc Lễ hội Yên Tử, chùa Hương được kéo dài tới vài tháng. Vẫn biết, việc tăng thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, song bên cạnh đó cũng không khó nhận ra mục đích kinh tế xen lẫn, và đặc biệt là việc kéo dài thời gian tổ chức khi mà hạ tầng, năng lực tổ chức, quản lý không theo kịp. Ban Tổ chức các lễ hội cũng như các địa phương vì thế mà năm nào cũng mướt mải chạy theo lo “hậu cần” (giao thông, dịch vụ, vệ sinh môi trường…) hay điều chỉnh phần lễ nhằm ứng phó với tiêu cực phát sinh, điển hình như Lễ phát ấn đền Trần.

Lợi bất cập hại nếu lễ hội không giữ được hồn cốt; để biến dạng ngày càng khác xa truyền thống càng dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Năm nay, đến lúc này thông tin về công tác chuẩn bị tại mỗi địa phương có tổ chức lễ hội đều cho thấy những “tín hiệu khả quan”. Song kết quả có khác năm trước hay không có lẽ phải chờ, vì những bất cập trong hoạt động này nhiều năm qua vốn là chuyện “biết rồi, nói mãi”. Nhưng, dù thế nào thì nhiệm vụ quan trọng trước mắt vẫn là làm sao tổ chức một mùa lễ hội văn minh, an toàn, không có những hình ảnh phản cảm, bạo lực…

Nữ Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/889252/phai-giu-duoc-hon-cot-le-hoi