Phải giải quyết được lao động bất hợp pháp

Bộ LĐTBXH vừa thông báo 40 địa phương của nhiều tỉnh trong cả nước bị phía Hàn Quốc cấm Xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc năm 2019 theo chương trình EPS, trong đó có tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với số huyện, thị vi phạm cao. Về vấn đề lao động hết hạn hợp đồng nhưng khó 'triệu hồi' về nước, hãy nghe chia sẻ của người thân cũng như cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.

 Vợ chồng Dương Xuân Lộc chia sẻ về việc có con lao động ở Hàn Quốc chưa về nước. Ảnh: TRẦN TUẤN

Vợ chồng Dương Xuân Lộc chia sẻ về việc có con lao động ở Hàn Quốc chưa về nước. Ảnh: TRẦN TUẤN

Vì “lòng tham vô đáy”

Ngày 9.5, ông Dương Xuân Lộc (78 tuổi, trú thôn Tân Hòa, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có con trai là Dương Xuân Nghĩa (SN 1983) đang lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc cho biết, Nghĩa đi XKLĐ Hàn Quốc từ năm 2013. Sau khi hết hợp đồng chính thức 3 năm, Xuân Nghĩa có về nước một lần. Sau đó, Xuân Nghĩa trở lại Hàn Quốc làm việc theo diện được gia hạn hợp đồng thêm gần 2 năm nữa. Tuy nhiên, cho đến nay đã hết hạn hợp đồng gia hạn gần 2 năm nhưng Xuân Nghĩa vẫn chưa về nước.

“Gia đình có vận động cháu về nước sau khi hết hợp đồng nhưng quyết định là ở nó” - ông Lộc nói và cho biết, lý do vận động con về là do nắm được những tiềm ẩn, rủi ro khi ở lại lao động bất hợp pháp, dù thu nhập khá cao. Ông Lộc cho rằng, nguyên nhân mà rất nhiều con em đi XKLĐ ở Hàn Quốc hết hợp đồng nhưng vẫn trốn ở lại là vì thu nhập cao, trong khi về nước khó tìm việc và đồng lương trong nước cũng quá bèo bọt. “Con người ta lòng tham vô đáy mà” - ông Lộc thẳng thắn.

Cũng theo lời ông Lộc, rất có thể nhiều người thân khác khi biết con đã hết hợp đồng nhưng vẫn không vận động, khuyên bảo con về nước. Bởi, tự đặt so sánh giữa thu nhập bên đó với thu nhập khi về nước là sẽ hiểu nên thế nào.

Ông Hồ Công Khoán - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu, Nghệ An) - cho biết, khi cán bộ xã đến gia đình có một lao động đã hết hợp đồng hơn 2 năm ở Hàn Quốc nhưng chưa về nước để tuyên truyền, vận động thì được người thân cho rằng, lâu nay họ cũng không liên lạc được với chồng, con của mình?

Chưa có chế tài đủ mạnh

Ngày 9.5, ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh có 5 huyện bị cấm XKLĐ theo chương trình EPS sang Hàn Quốc do có số lao động bất hợp pháp chưa về nước cao. Thời gian qua, ngành LĐTBXH và chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhưng số lao động bất hợp pháp vẫn còn cao. Về nguyên nhân, ông Dũng thẳng thắn cho rằng, với mức thu nhập ở Hàn Quốc từ 40 - 50 triệu đồng/tháng từ sau năm thứ 3, thứ 4 trở đi thì rõ ràng nhiều người dù đã hết hợp đồng vẫn còn tham nên tiếp tục ở lại làm để kiếm thêm thu nhập.

“Hiện nay chế tài chưa đủ mạnh để xử lý người lao động vi phạm. Các văn bản luật đều chưa xử lý được người lao động bất hợp pháp, kể cả vấn đề xử phạt hành chính cũng còn khó thực hiện và xử lý trách nhiệm công dân khi đi XKLĐ ở nước ngoài vi phạm cũng chưa có” - ông Dũng nói.

Bà Lê Thị Sáu - công chức phụ trách về lao động việc làm xã Cương Gián - xã có số lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc nhiều nhất của tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay xã có 122 lao động bất hợp pháp theo chương trình EPS ở Hàn Quốc. Thời gian qua, xã đã trực tiếp đến từng gia đình có lao động bất hợp pháp yêu cầu ký cam kết đưa con em về nước. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn còn thấp, chỉ được 17 người về nước.

“Việc yêu cầu người thân ký cam kết vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vấn đề là cần xử lý được trực tiếp thế nào với người lao động vi phạm. Việc giữ lại 100 triệu đồng tiền chống trốn như quy định hiện nay vẫn còn quá thấp so với mức thu nhập mà họ làm ra sau khi ở lại lao động bất hợp pháp” - bà Sáu nhìn nhận về các nguyên nhân khó “triệu hồi” lao động bất hợp pháp về nước.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An - cũng cho rằng, do chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý nên số lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc theo chương trình EPS của tỉnh này vẫn còn cao, nếu chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động là chủ yếu thì sẽ còn rất khó khăn để đạt hiệu quả.

TRẦN TUẤN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/phai-giai-quyet-duoc-lao-dong-bat-hop-phap-732516.ldo