Phái đoàn Mỹ - Trung Quốc chính thức đối thoại về thỏa thuận thương mại

Hai bên đã đồng ý tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện thỏa thuận, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng ngày thứ Ba tại Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Bloomberg

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán về thỏa thuận thương mại lần thứ nhất, phía Mỹ nói rằng hai bên đều thấy có tiến triển và cam kết sẽ thành công, theo tin từ Bloomberg.

Đại diện phái đoàn đàm phán thương mại của hai nước đã nói về cái mà Trung Quốc đã làm được trong thỏa thuận thương mại này, trong đó có việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, loại bỏ rào cản của các công ty Mỹ trong ngành dịch vụ tài chính và nông nghiệp, theo khẳng định của Đại diện Thương mại Mỹ.

Hai bên đã đồng ý tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện thỏa thuận, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng ngày thứ Ba tại Bắc Kinh.

Thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bỗng nhiên nổi lên trong vai trò một lĩnh vực hiếm hoi mà hai nước có thể hợp tác. Trước đó, hai nước vốn đối đầu nhau trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh công nghệ cho đến Hồng Kông hay cách ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, Bắc kinh hiện vẫn chưa thực hiện đầy đủ những cam kết mua hàng hóa nông sản, năng lượng và sản phẩm từ Mỹ.

Trung Quốc sẽ cần mua 130 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong nửa sau năm nay nhằm tuân thủ với điều khoản của thỏa thuận được ký kết vào tháng 1/2020, theo đó, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ so với ngưỡng của năm 2017 trước thời điểm năm 2021.

Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, ông Raymond Yeung, nói: “Tuyên bố ít nhất cho chúng ta thấy rằng chính quyền Tổng thống Trump vẫn còn đánh giá cao thỏa thuận thương mại. Việc Trung Quốc mua nông sản và sản phẩm năng lượng Mỹ vẫn mang đến cho Tổng thống nhiều vị thế trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Rõ ràng chúng ta thấy hai nền kinh tế không tách rời nhau”.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã có cuộc đối thoại với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào tối ngày thứ Hai theo giờ Washington.

“Hai bên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ cũng như những hành động tương lai cần thực hiện để có thể thực thi được thỏa thuận”, tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh. Hai bên cũng bàn đến việc phối hợp chính sách vĩ mô, theo khẳng định của phía Trung Quốc.

Cuộc đối thoại giữa phái đoàn thương mại Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong buổi tối ngày đầu tiên của Đại hội Đảng Cộng hòa.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã đẩy mạnh mua dầu thô của Mỹ khi mà khoảng thời gian xem xét lại thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đến gần.

Theo Bloomberg, ước tính khoảng 14 triệu thùng dầu Mỹ sẽ được chuyển đến Trung Quốc vào tháng sau, tính toán của công ty phân tích thị trường Vortexa dựa trên số lượng các đơn đặt hàng cho hay. Nếu tất cả các đơn đặt hàng trên được thực hiện, khối lượng dầu bán như vậy sẽ cao hơn khối lượng của tháng 8/2020.

Số lượng các đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc tăng mạnh trước khoảng thời gian xem xét lại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trước đó Trung Quốc cam kết tăng cường mua sản phẩm năng lượng Mỹ. Các cuộc đối thoại về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ban đầu được lên kế hoạch vào cuối tuần qua, đã bị trì hoãn vô thời hạn trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước xấu đi.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ ước tính chỉ bằng 23% tổng giá trị mục tiêu của cả năm 2020. Gần đây, các nhà máy năng lượng của Trung Quốc đang hoạt động trở lại nhiều hơn khi mà nền kinh tế dần phục hồi trở lại sau khoảng thời gian suy giảm mạnh vì đại dịch Covid-19, điều này cũng có thể phần nào lý giải cho việc Trung Quốc mua mạnh sản phẩm năng lượng trở lại.

“Việc Trung Quốc tăng cường mua dầu thô của Mỹ chủ yếu có động lực chính trị. Trung Quốc hiện vốn đang thừa dầu và hiện tại giá dầu Mỹ cũng không hấp dẫn hơn so với giá dầu Trung Đông”, chuyên gia phân tích cao cấp tại Vortexa, bà Serena Huang, nhấn mạnh.

Trung Quốc mua trung bình 568.500 tấn tương đương 4,2 triệu thùng dầu/tháng trong tháng 5 và tháng 6/2020, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Trong vòng 5 tháng trước, Trung Quốc không hề nhập khẩu dầu của Trung Quốc bởi quan hệ giữa hai nước căng thẳng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 căng thẳng.

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã hồi phục cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại IHS Markit, ông Rajiv Biswas. “Việc Trung Quốc đặt mua thêm nhiều sản phẩm năng lượng từ Mỹ sẽ giúp cải thiện tiến trình thực hiện các mục tiêu của đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc”, ông Rajiv Biswas nhấn mạnh.

Việc các ngành của Trung Quốc phục hồi đang giúp kéo Trung Quốc ra khỏi khoảng thời gian kinh tế suy giảm kéo dài, đồng thời Trung Quốc tiến gần hơn đến khả năng là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2%.

Để có thể làm được điều này, Trung Quốc đã giải quyết được rất nhiều ổ dịch nhỏ, đương đầu được với sự suy giảm của nhu cầu toàn cầu, đồng thời giữ được nhu cầu tiêu dùng của thị trường ở mức cao dù rằng nhiều người lo sợ về khả năng Chiến tranh Lạnh công nghệ với Mỹ.

Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt có nhiều nguyên nhân, trước tiên, phía Trung Quốc chấp nhận các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngặt nghèo, thế giới cũng vẫn rất cần hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc. Doanh số bán hàng hóa trong tháng 7/2020 cũng tăng khi mà các nhà máy mở cửa trở lại và nhiều cửa hàng bán lẻ hoạt động sau khi nghỉ trong thời gian dài.

Tuy nhiên, số liệu chính thức vẫn chưa nói lên hết tình hình thất nghiệp thực sự sau khoảng thời gian doanh nghiệp phải đóng cửa. Ngoài ra, chừng nào mà tâm lý người tiêu dùng còn chưa cải thiện, quá trình phục hồi kinh tế khó có thể nhanh hơn. Một yếu tố bất thường kiểu như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại có thể đồng nghĩa với chính sách hỗ trợ kinh tế hiện tại, sẽ vẫn phải thay đổi.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//the-gioi/phai-doan-my-trung-quoc-chinh-thuc-doi-thoai-ve-thoa-thuan-thuong-mai-3550697.html