Phái đoàn cấp cao của Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam: 'Mục tiêu là mở rộng đầu tư'

'Tổng thống Mỹ muốn gửi thông điệp quan hệ thân tình đến Thủ tướng Việt Nam'.

Phái đoàn Hoa Kỳ làm việc cùng với Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ cung cấp

Từ ngày 23/10 đến ngày 27/10, một phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ do Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) Adam Boehler dẫn đầu đã đến thăm Indonesia, Việt Nam và Myanmar để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Cùng đi với ông Boehler có Giám đốc kiêm Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ Kimberly Reed và các quan chức chính phủ cấp cao khác thuộc Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

Nhân dịp này, Nhịp sống Doanh nghiệp - BizLIVE đã có cuộc phỏng vấn với ông Adam Boehler - Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ, ông Adam Boehler và ông Josh Cartin - Giám đốc điều hành DFC tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kiêm Cố vấn cấp cao của DFC, để nhìn lại kết quả mà đoàn công tác của ông đã có được trong chuyến thăm đến Việt Nam.

Thưa ông, đoàn công tác đã có được những thành quả gì sau chuyến đến Việt Nam lần này?

Ông Adam Boehler: Chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp tích cực. Trước tiên chúng tôi có cuộc gặp với Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Chúng tôi cũng đã vinh dự có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Và chúng tôi cũng gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chúng tôi đã bàn thảo về định hướng làm sao củng cố cho mối quan hệ Hoa Kỳ- Việt Nam và cách thức để gia tăng đầu tư trong khu vực.

Chúng tôi cũng có nhiều dự án sắp tiến hành, cụ thể phải kể đến các dự án năng lượng quy mô hàng tỷ USD mà chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư trong vài tháng tới. Chúng tôi cũng bàn thảo về nhiều dự án hạ tầng, trong đó có cao tốc Bắc Nam, sân bay lớn, lĩnh vực năng lượng.

Chuyến thăm này đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, chúng tôi đã trao đổi chủ yếu về mở rộng đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam.

Đoàn công tác của chúng tôi lần này có đại diện của Ngân hàng Phát triển Hoa Kỳ (DFC), ngoài ra có sự tham gia của đại diện 5 cơ quan chính phủ khác trong đó có Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EIB), ngân hàng quy mô 150 tỷ USD tập trung chủ yếu vào xuất khẩu và mới được Quốc hội Hoa Kỳ tái chấp thuận. Cho đến nay họ chưa tham gia dự án nào tại Việt Nam thế nhưng thực sự họ muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Trong đoàn của chúng tôi cũng có đại diện của Bộ Năng lượng, Tài chính và Ngoại giao.

Việc Hoa Kỳ gửi một phái đoàn công tác đông đảo đại diện đến Việt Nam như vậy minh chứng cho tầm quan trọng của Việt Nam với phía Hoa Kỳ cũng như thể hiện cho mối quan tâm của phía Hoa Kỳ với mục tiêu mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Vậy lộ trình hợp tác của DFC với Việt Nam như thế nào? Hoạt động hợp tác sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?

Ông Josh Cartin: Tôi là Josh Cartin, tôi hiện đang đảm nhiệm cố vấn cấp cao cho DFC. Nếu nói về lộ trình, tôi có thể kể cả một số dự án mà chúng tôi đang làm.

Trước tiên, chúng tôi đang có một nhóm làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thông qua nhóm làm việc này chúng tôi có thể biết được những ưu tiên của chính phủ Việt Nam và cố gắng tập trung vào những ưu tiên này. Thông qua đối thoại, chúng tôi tái cấu trúc thành xây dựng những dự án phù hợp không chỉ cho DFC mà cho cả lĩnh vực tư nhân hoặc các doanh nghiệp trong lĩnh vực công. DFC cũng đang muốn tăng cường hiện diện tại châu Á.

Trong năm ngoái, chúng tôi chỉ có một giao dịch chính thức tại châu Á, tuy nhiên đến năm nay chúng tôi đã có ba và rồi sẽ có đến bốn giao dịch. Một trong những dự án chính thức là thực hiện các dự án tại khu vực Mê Kông và Việt Nam sẽ là trọng tâm.

Chúng tôi cũng đang tăng cường làm việc với các đối tác. Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với Ngân hàng JBIC của Nhật đồng thời chúng tôi cũng hợp tác với một số đối tác khác ví như đối tác Australia để có thể có được dự án đồng tài trợ vốn hoặc gói tài chính kết hợp cho cả Việt Nam và một số nước khác trong khu vực.

Chúng tôi cũng có ưu tiên đến lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi cũng có dự án trong các lĩnh vực thủy sản và giáo dục. Chúng tôi rất quan tâm đến đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như một số nước khác để có thể cùng đi đến được những dự án hợp tác trong các lĩnh vực kể trên.

Theo ông, môi trường kinh doanh tại Việt Nam gần đây đã có những cải thiện gì, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ thấy những chuyển biến tích cực nào và còn những điều gì cần làm để môi trường kinh doanh hoàn thiện hơn nữa?

Ông Josh Cartin: So với các nước láng giềng,Việt Nam có một lợi thế rõ ràng, đó là Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt và khu vực tư nhân của Hoa Kỳ rất năng động trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, nhờ vậy giảm thiểu được rủi ro.

Ngoài ra, các yếu tố nhân khẩu học cũng có lợi, dân số có tỷ lệ có chuyên môn kỹ thuật cao vì vậy tăng trưởng kinh tế có chất lượng. Lĩnh vực tư nhân tại Hoa Kỳ quan tâm đến Việt Nam.

Tôi cũng rất quan tâm đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ngoài ra phải kể đến quan hệ thân tình giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ. Tổng thống Mỹ muốn tôi gửi thông điệp đó đến Thủ tướng. Hai nhà lãnh đạo có mối quan hệ rất tốt. Tôi muốn thể hiện sự kính trọng của tôi với Thủ tướng, ông ấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời.

Với các dự án hạ tầng, đây thường là các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn. Tôi cho rằng thách thức lớn nhất đối với các dự án này là làm sao thu hút hay thu xếp được nguồn vốn.

Cám ơn các ông vì những chia sẻ.

NGỌC DIỆP

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/phai-doan-cap-cao-cua-hoa-ky-lam-viec-tai-viet-nam-muc-tieu-la-mo-rong-dau-tu-3554047.html