Phải đào tạo được những cán bộ kiểm sát vừa có đức, vừa có tài, dũng cảm bảo vệ công lý

Sáng 25/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Nhà trường (25/4/1970-25/4/2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo buổi Lễ.

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Trần Công Phàn, Nguyễn Huy Tiến; đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Dự buổi Lễ còn có các đồng chí nguyên Lãnh đạo VKSND tối cao; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương; đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương; các cơ sở giáo dục đào tạo; VKSND các tỉnh, thành phố phía Bắc; lãnh đạo, cán bộ Nhà trường qua các thời kỳ cùng tập thể Ban giám hiệu, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên thuộc Nhà trường...

 Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.

Diễn văn tại Lễ kỷ niệm do đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã điểm lại quá trình hình thành, phát triển và những thành tựu nổi bật mà Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đạt được trong 50 năm qua.

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trình bày diễn văn tại buổi Lễ.

Đồng chí Trần Công Phàn nêu rõ, có thể nói, thời gian hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Nhà trường đã cố gắng phấn đấu vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để góp phần quan trọng hoàn thành những nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát nhân dân. Nhà trường đã trưởng thành từ những điều kiện còn hết sức khó khăn và vô cùng thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Các thế hệ học viên, sinh viên của Nhà trường góp phần bổ sung nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngày càng trưởng thành, có bản lĩnh chính trị, có năng lực và trách nhiệm để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho Ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, có rất nhiều cựu học viên, sinh viên hiện nay đang giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Với những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, Nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước và của Ngành.

Tại buổi Lễ, đồng chí Vũ Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao đã công bố Quyết định số 708 ngày 14/5/2020 của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về việc tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì cho Nhà trường. Đây là phần thưởng cao quý dành cho Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhân dịp 50 năm thành lập.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trao Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho Nhà trường.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và chúc mừng những kết quả, thành tựu đáng tự hào mà Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đạt được qua 50 năm xây dựng và trưởng thành.

Để có được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, học viên, sinh viên Nhà trường qua các thời kỳ, theo đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao, Nhà trường còn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, trong đó có cá nhân đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng.

Sự quan tâm này cùng với sự phối hợp, tạo điều kiện, ủng hộ và giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo VKSND tối cao qua các thời kỳ, sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, sự phối hợp của các VKSND địa phương, Viện kiểm sát quân sự các cấp, sự động viên, ủng hộ kịp thời của các cơ sở đào tạo, cơ quan, đơn vị hữu quan đã góp phần giúp Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội từng bước phát triển.

Kết quả là qua 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo, giảng viên của Nhà trường đã đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo – bồi dưỡng các thế hệ cán bộ trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân có năng lực, trình độ, phẩm chất và bản lĩnh, từng bước đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi Lễ.

Trước đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, với yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao mong rằng Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, bằng trí tuệ, tâm huyết và khát vọng vươn lên, các cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Nhà trường sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và ngành KSND giao phó, phấn đấu trở thành địa chỉ đào tạo có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát nhân dân.

Đồng chí Viện trưởng cũng lưu ý, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Nhà trường cần bám sát thực tiễn, gắn thực tiễn với công tác đào tạo. Nhà trường không chỉ quan tâm đào tạo trong lĩnh vực hình sự mà còn cần quan tâm đến các lĩnh vực dân sự, hành chính và phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, mời các giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy; xây dựng giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, đồng thời gắn đào tạo với phương châm hoạt động thực chất và hiệu quả của Ngành. Qua công tác giảng dạy của mình, Nhà trường phải làm sao giúp cho toàn Ngành hiểu sâu sắc, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư với tình cảm của một học viên trưởng thành từ mái trường Kiểm sát (Khóa 1) đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, học viên, sinh viên Nhà trường nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi Lễ.

Chúc mừng những thành tựu nổi bật mà Nhà trường đạt được qua 50 năm xây dựng và phát triển, đồng chí Thường trực Ban Bí thư cũng điểm lại những dấu mốc quan trọng của Nhà trường qua các thời kỳ, đồng thời khẳng định, từ mái trường Kiểm sát, nhiều thế hệ học viên đã trưởng thành và trở thành những người cán bộ Kiểm sát bản lĩnh, trung kiên, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ pháp chế XHCN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này càng góp phần khẳng định uy tín, năng lực và chất lượng đào tạo của Nhà trường trong những năm qua. Những thành tích của Nhà trường trong 50 năm qua góp phần quan trọng vào truyền thống vẻ vang 60 năm của ngành Kiểm sát nhân dân.

Theo đồng chí Thường trực Ban Bí thư, kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Nhà trường cũng chính là dịp để chúng ta bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ đến đồng chí Hoàng Quốc Việt, người Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân, người đặt nền móng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường từ những ngày đầu thành lập.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng tập thể lãnh đạo VKSND tối cao chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự buổi Lễ.

Với những thành tích nổi bật đạt được, đồng chí Thường trực Ban Bí thư tin tưởng rằng, thời gian tới dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với bản lĩnh, năng lực, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, học viên, sinh viên, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ tiếp tục vươn lên, trở thành một trường đại học có chất lượng, có uy tín, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát nhân dân và đất nước.

Để làm được điều đó, theo đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Nhà trường cần xác định rõ mục tiêu và phạm vi đào tạo; xây dựng lý tưởng cao đẹp đối với người học; xây dựng đội ngũ giảng viên có tâm huyết, đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chủ động, nâng cao chất lượng tài liệu, giáo trình, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp…

Mục tiêu là đào tạo được những con người khi ra trường phải dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, đào tạo được những cán bộ Kiểm sát vừa có đức, vừa có tài, theo đúng như lời Bác Hồ đã dạy cán bộ ngành Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát vững mạnh, vì một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Lại Viết Quang phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, của Viện trưởng VKSND tối cao và bế mạc buổi Lễ.

Đắc Thái

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/phai-dao-tao-duoc-nhung-can-bo-kiem-sat-vua-co-duc-vua-co-tai-dung-cam-bao-ve-cong-ly-88834.html