Phải đánh giá khách quan, nhiều chiều về hiệu quả và tác động của thủy điện

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 5-11, câu chuyện quản lý thủy điện, nhất là các thủy điện nhỏ; việc xử lý các dự án thủy điện, điện mặt trời đã hết vòng đời dự án... là vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận và tranh luận sôi nổi.

Các dự án thủy điện phải công khai đánh giá tác động về môi trường

Trước đó, trong phiên họp chiều qua (4-11), hai đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) và Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, các dự án thủy điện có hai mặt tích cực và hạn chế; băn khoăn rằng khoảng 40-50 năm nữa khi đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả các công trình thủy điện xây ở nơi “rừng sâu, núi thẳm” sẽ là một “quả bom nổ chậm”.

Tranh luận với hai đại biểu trên về vấn đề này, trong phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (đoàn Quảng Ngãi) khẳng định, hiện đã có những cơ sở pháp lý quan trọng, bài bản để quản lý các dự án đầu tư, bảo đảm hiệu quả của các dự án thủy điện. Cụ thể, Luật Đầu tư quy định các dự án phải có các báo cáo về kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường – Đây là cơ sở để các cấp có thẩm quyền đầu tư đánh giá xem dự án có hiệu quả hay không, tác động tiêu cực là gì; đồng thời, các dự án này phải bảo đảm được cả những giải pháp khắc phục, giảm bớt tiêu cực, tận dụng ưu thế và lợi ích từ các dự án.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: VPQH

Liên quan đến việc sử dụng đất, nhất là đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng cho biết, thực tế, khi có chủ trương đầu tư một dự án thủy điện, trước hết các dự án này đều phải được bổ sung vào quy hoạch, trong đó bao gồm các tiêu chí về sử dụng đất thực hiện dự án. Nếu dự án nào sử dụng quá 10ha đất/1MW thì không được xem xét. Khi bố trí, bổ sung vào quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành liên quan để bảo đảm phù hợp với các quy hoạch khác nhau.

Về quản lý các dự án thì căn cứ trên các cơ sở pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và nhiều luật khác; các cơ quan hữu quan và địa phương đều có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các báo cáo khả thi và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

“Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là một báo cáo rất quan trọng để giúp các các cấp có thẩm quyền xem xét thông qua. Vì vậy, các dự án thủy điện phải đăng công khai đánh giá tác động về môi trường, làm cơ sở đánh giá dự án thủy điện đó có đủ điều kiện hay không”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đối với các dự án thủy điện hết vòng đời dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, luật và các văn bản dưới luật đã quy định: Chủ đầu tư phải đánh giá lại an toàn hồ đập, hướng sử dụng, có phương án tháo dỡ cụ thể. Chủ đầu tư dự án phải có trách nhiệm tháo dỡ và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) nêu nhận xét rằng: Ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt; khi làm đập thủy điện thì không vỡ chỗ này sẽ vỡ chỗ khác, gây ra hậu quả...

Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhắc lại câu chuyện xây dựng thủy điện sông Đà, với mục tiêu ban đầu là trị thủy đối với một con sông hung dữ, sau đó mới đến mục tiêu phát điện.

"Nhờ việc sử dụng để điều tiết lũ của công trình thủy điện này mà Hà Nội đã tránh được các trận lụt lịch sử, còn trước đó, như năm 1971, chúng ta phải phá đê, xả lũ để “cứu” Hà Nội. Từ ngày có Thủy điện sông Đà đã điều tiết nước rất tốt, lũ ở vùng Đồng bằng sông Hồng đã cơ bản được khắc phục – Đó là mặt tốt của thủy điện”, đại biểu nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, mặt trái của thủy điện cũng tồn tại, theo đại biểu, đó là sự lạm dụng trong xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm hay vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật. Nói đến thủy điện là nói đến “thủy công, thủy lực, tổ chức dòng chảy, phân nước" để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng đáng tiếc là, một số chủ nhà máy thủy điện đã lạm dụng quy trình để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên.

“Do đó phải đánh giá khách quan, nhiều chiều về hiệu quả và tác động của thủy điện. Cần xử lý nghiêm, lên án các chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, nhưng không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến một số đại biểu cho rằng các dự án thủy điện luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực song đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị nên ủng hộ “các mặt tiêu cực đã và đang được Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ”. Đại biểu đồng tình các giải pháp Bộ Công Thương đang thực hiện, với quan điểm nhận thức được tiêu cực, hạn chế thì sẽ có giải pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị phía Bộ Công Thương cần kiểm soát những mặt tiêu cực hiệu quả hơn.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/phai-danh-gia-khach-quan-nhieu-chieu-ve-hieu-qua-va-tac-dong-cua-thuy-dien-642994