Phải công khai mức thu học phí cho từng năm học

Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Nhiều đại biểu cho rằng, việc thông qua Luật GDĐH tại kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ, nâng cao chất lượng một cách thực chất.

Tháo gỡ nút thắt thực hiện tự chủ đại học

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nhìn nhận, xuyên suốt dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục đại học là tháo gỡ nút thắt thực hiện tự chủ đại học. Để thực hiện được, theo đại biểu Tuấn Anh phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống cơ sở giáo dục đại học.

Phân tích những vướng mắc trong tổ chức bộ máy đại học hiện nay, trong đó nhấn vào mô hình Đại học quốc gian và đại học vùng, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, vấn đề cần quan tâm là sửa đổi tổ chức bộ máy đại học. Chủ trương này phải được thể chế hóa trong Luật. Nếu giải quyết được sẽ tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) đồng tình với rất nhiều nội dung trong sửa đổi này và cho rằng những nội dung đó sẽ tạo điều kiện để có nền giáo dục hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của đất nước và nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bổ sung khái niệm “chủ sở hữu” vào quy định cơ sở giáo dục đại học bởi đây là vấn đề rất quan trọng. “Chủ sở hữu có 4 quyền: quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật. Nếu không làm rõ vấn đề này sẽ thấy đại học như không có chủ, cái đó rất nguy hiểm; không thể có đại học vô chủ”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân ( đoàn TP. HCM)

Về hội đồng trường, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần xác định ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để tiện cho việc quản lý, giám sát. Ngoài ra, dự thảo luật quy định hội đồng trường là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu. Vì vậy, chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan tới hội đồng trường. Ví dụ, hội đồng trường họp bầu ra ban lãnh đạo và các thành viên song về nguyên tắc, các nhân sự này phải đảm bảo yêu cầu của chủ sở hữu.

Về hành viên Hội đồng trường, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Hội đồng trường là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu, nên chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan đến Hội đồng trường. Ví dụ: Danh sách dự kiến hội đồng trường phải được chủ sở hữu duyệt trước. Danh sách dự kiến Chủ tịch Hội đồng trường cũng phải được chủ sở hữu duyệt trước, sau đó bầu Chủ tịch Hội đồng trường chỉ trong danh sách được duyệt đó.

Công khai mức thu học phí

Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày cho biết, việc thông qua Luật GDĐH tại kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐH một cách thực chất.

Có ý kiến băn khoăn về mô hình tổ chức của đại học quốc gia (ĐHQG), đại học vùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy việc thành lập các ĐHQG, đại học vùng được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Trên thế giới, mô hình này không phải là mới và cũng đang là xu hướng phát triển nhằm hình thành các hệ thống đại học liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những nhiệm vụ, yêu cầu mới về phát triển khoa học và công nghệ và cạnh tranh thế giới.

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, mô hình hai ĐHQG đã ổn định và mang lại kết quả nhất định cả về chuyên môn, khoa học lẫn quản lý, đi đầu trong hệ thống giáo dục đào tạo với việc có mặt trong danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới.

Những vấn đề tồn tại của các đại học vùng hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách và cơ chế quản lý chưa phù hợp, dự thảo Luật quy định hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở này tự chủ, tự quyết định cơ chế quản lý, phát huy thế mạnh của tổ hợp các trường đại học mạnh.

Trên cơ sở kế thừa thực tiễn, bảo đảm giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, UBTVQH đề nghị các đại biểu cho giữ quy định như Dự thảo.

Về tự chủ đại học, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ; cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ; quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.

Về học phí, Dự thảo Luật quy định đây là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở GDĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Mức thu học phí được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật. Cơ sở GDĐH phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khóa học cùng với thông báo tuyển sinh; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí vào quỹ hỗ trợ sinh viên để hỗ trợ người học có khó khăn về tài chính.

Theo kế hoạch, ngày 20/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Lam Dương

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/phai-cong-khai-muc-thu-hoc-phi-cho-tung-nam-hoc-d2057913.html