'Phải coi nâng cao chất lượng dân số là vấn đề cấp bách'

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong nửa thế kỷ qua, Việt Nam thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Đây là thành tựu lớn, bảo đảm được mức sinh thay thế trong 10 năm gần đây.

Triển khai xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh tại xã Minh Quang, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Triển khai xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh tại xã Minh Quang, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam đã đạt ngưỡng 100 triệu dân, chất lượng dân số đã nâng lên rất nhiều trong nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, chất lượng dân số so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế xã hội khi hội nhập vẫn còn nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dân số phải được coi là vấn đề hết sức cấp bách.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới,” diễn ra ngày 18/11, tại Hà Nội.

Cơ cấu chất lượng dân số theo vùng miền có vấn đề

Nhằm nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Khóa XII nêu rõ: chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Theo Nghị quyết, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong nửa thế kỷ qua, Việt Nam thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Đây là thành tựu lớn, bảo đảm được mức sinh thay thế trong 10 năm gần đây.

“Tuy nhiên, tuổi thọ nâng lên, cuộc sống sức khỏe của người cao tuổi chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ thấp, còi của Việt Nam cũng đáng lưu ý. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, độ cao của người dân tăng nhanh trong mấy thập kỷ, trong khi đó chỉ số này ở Việt Nam thì rất chậm. Thể còi xương của các cháu dưới 5 tuổi cũng đáng lưu ý,” ông Lợi phân tích.

Đặc biệt, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện câu chuyện cơ cấu chất lượng dân số theo vùng miền rất có vấn đề. Có nhiều chính sách nhưng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, do điều kiện địa lý nên gặp rào cản lớn trong việc tiếp cận. Tình trạng người dân sinh con tại nhà, cô đỡ thôn bản không có khiến tỷ lệ trẻ tử vong sau sinh còn cao.

Thêm vào đó, tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh ở nhiều vùng vẫn còn rất lớn. Nếu như năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 112 bé trai/100 bé gái, nhưng năm 2018, tỷ số này tăng cao lên gần 115 bé trai /100 bé gái.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bàn về vấn đề này, ông Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chỉ rõ, thực tế, những thách thức đặt ra cho công tác dân số không hề mới mà đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được.

“Thách thức lớn nhất và khó giải quyết nhất là mất cân bằng giới tính khi sinh, càng ở đô thị thì càng khó khắc phục vì tâm lý của người dân luôn luôn muốn có con trai để 'nối dõi tông đường' hay làm 'trụ cột' trong gia đình vẫn tồn tại. Điều này đã khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên nặng nề. Bên cạnh đó, mất cân bằng dân số ở các vùng, những nơi càng phát triển dân di cư đông, còn vùng dân tộc thiểu số, khó khăn thì rất thưa người…,” ông Phương nhấn mạnh.

Cần có chính sách duy trì mức sinh hợp lý

Đánh giá bối cảnh công tác dân số hiện nay, ông Lợi chỉ rõ, công tác tổ chức bộ máy làm dân số đang có vấn đề. Vì vậy, công tác thông tin truyền thông phải đẩy lên, bộ máy phải được củng cố, không thu hẹp. Bởi nếu không chăm lo công tác dân số, Việt Nam sẽ chịu đựng “gánh nặng” về cơ cấu, chất lượng dân số trong tương lai.

Ông Phương cho rằng, cần có chính sách duy trì mức sinh hợp lý để có cơ cấu dân số đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần xây dựng và mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe gia đình và phúc lợi xã hội; kiểm soát tỉ lệ giới tính khi sinh…

“Phải coi nâng cao chất lượng dân số như vấn đề hết sức bức bách. Rất mong các nhà dân số học, Tổng cục Dân số phải quay lại nghiên cứu, đưa Luật Dân số trình lên Quốc hội. Nếu làm được luật, xây dựng được cơ chế chính sách phát triển dân số, không phải tăng dân số, cho phép sinh quá giới hạn mà là tăng chất lượng dân số,” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phai-coi-nang-cao-chat-luong-dan-so-la-van-de-cap-bach/608304.vnp