Phải có trách nhiệm với người lao động

Trần Phương Quyên (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) hỏi: 'Tôi làm việc nhiều năm cho một công ty gia công giày và đã được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, giám đốc công ty đưa cho người lao động (NLĐ) một HĐLĐ thời hạn 12 tháng với một tên công ty mới, người đại diện pháp luật mới và vẫn giữ nguyên mức lương đang có. Do thấy công ty mới vẫn có cùng chủ cũ, nơi làm việc cũ và không thay đổi mức thu nhập nên chúng tôi đồng ý ký HĐLĐ với công ty mới. Tuy nhiên khi chỉ mới làm việc được 6 tháng, công ty mới đột ngột ra thông báo cho chúng tôi nghỉ việc vì lý do tái cơ cấu và chỉ trả thêm 1 tháng lương. Như vậy, công ty mới cho nghỉ việc có đúng không? Công ty cũ có còn trách nhiệm với chúng tôi hay không?

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM, trả lời: Theo trình bày của NLĐ, ở đây, bỏ qua việc chủ sở hữu công ty là ai, NLĐ đã ký 2 HĐLĐ với 2 công ty khác nhau. Theo quy định của Bộ Luật Lao động, NLĐ được quyền làm việc cùng lúc nhiều công việc cũng như được giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều người sử dụng lao động. Ở đây, nếu công ty cũ không ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, NLĐ không xin nghỉ việc thì trên nguyên tắc giữa công ty cũ và NLĐ vẫn còn quan hệ lao động. Công ty cũ vẫn có trách nhiệm trả lương cho NLĐ theo HĐLĐ đã giao kết cho đến khi chấm dứt HĐLĐ. Công ty mới cho NLĐ nghỉ việc với lý do tái cơ cấu phải có phương án sử dụng lao động và phải thông báo cho cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh theo đúng thời hạn, thủ tục được pháp luật quy định. Nếu công ty không thực hiện các bước này, xem như công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật với NLĐ.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/phai-co-trach-nhiem-voi-nguoi-lao-dong-20180618190910551.htm