Phải có quy định xử phạt người khiếu nại, quy chụp sai cho báo chí

'Nói thật, chính các cơ quan BC, không chỉ PV khi tác nghiệp tại những điểm nóng vẫn đang thiếu 'điểm tựa' vì các cơ quan QLNN đang vận dụng luật theo hướng xử lý báo chí vi phạm luật trong quan hệ với đương sự nhưng chưa bảo vệ báo chí khi báo chí bị vu cáo, bị khiếu nại không đúng. Điều này dẫn đến tình trạng những đối tượng bị báo chí phản ánh lạm dụng việc khiếu nại, tố cáo sai sự thật để vô hiệu hóa và làm khó báo chí. Đôi khi những người làm báo thật sự nản lòng vì thực trạng này'.

Ông Nguyễn Tiến Thanh – Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật đã thẳng thắn chia sẻ trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận xung quanh câu chuyện “điểm tựa” cho nhà báo.

Phóng viên vừa đi tác nghiệp, tôi phải tắt điện thoại, đóng cửa không tiếp khách...

PV: Bàn tới câu chuyện: nhà báo tác nghiệp tại điểm nóng - “lá chắn” và những “điểm tựa”, với tờ báo chuyên sâu về pháp luật như Đời sống & Pháp luật hẳn có rất nhiều điều có thể chia sẻ, thưa ông?

- Quan điểm của chúng tôi là luôn có ý thức bảo vệ phóng viên nếu phóng viên đúng, bởi bảo vệ phóng viên chính là bảo vệ tòa soạn. Nhưng nói thật là bản thân người đứng đầu, bản thân cơ quan báo chí cũng đang chịu rất nhiều sức ép. Tòa soạn cũng phải đương đầu với nhiều áp lực khi đồng ý hoặc giao việc cho phóng viên tác nghiệp tại điểm nóng, các vụ việc có tính chất điều tra. Đôi khi phóng viên tác nghiệp tại điểm nóngcòn không chịu sức ép bằng Tổng biên tập ở nhà. Có những vụ việc, khi phóng viên vừa đi tác nghiệp thì thậm chí tôi đã phải tắt máy điện thoại, đóng cửa không tiếp khách... Không chỉ có vậy, chúng tôi còn bị áp lực từ nhiều phía, trong đó có từ phía các đương sự mặc dù phóng viên tác nghiệp hoàn toàn đúng.

PV: Phóng viên tác nghiệp đúng thì lý do gì mà lại khiến Tổng biên tập phải phiền lòng như vậy?

- Tôi nghĩ đó có thể cũng là câu chuyện của nhiều tòa soạn chứ không riêng gì chúng tôi. Đó là chuyện phóng viên tác nghiệp hoàn toàn đúng nhưng lại bị đương sự viết đơn khiếu nại, kiện cáo yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quản chủ quản phải xử lý, thậm chí có trường hợp còn yêu cầu tước thẻ nhà báo của phóng viên, xử lý tòa soạn với những lời lẽ mạt sát, thiếu văn hóa. Trên thực tế chúng tôi nhận được rất nhiều lá đơn với nội dung vu cáo, bịa đặt hoàn toàn. Tôi khẳng định có 100 đơn khiếu nại thì tới 98 đơn là sai, bịa đặt...

Nhưng theo trình tự, đơn gửi đến các cơ quan quản lý về báo chí thì chúng tôi phải giải trình. Do đó phải tìm lại hồ sơ, họp, làm văn bản, theo bám các quá trình xử lý vụ việc... Thậm chí có những vụ việc sau nhiều năm mới khiếu nại, nếu không lưu lại hồ sơ, chứng cứ thì cơ quan báo chí rất mệt và mất thời gian xử lý. Nhưng cho đến khi làm rõ được vấn đề, kết luận cơ quan báo chí đúng thì người kiện sai lại không bị xử lý dưới bất cứ hình thức nào.

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh – Tổng Biên tập báo Đời sống & Pháp luật.

Đôi khi Tòa soạn phải… “ngậm bồ hòn làm ngọt”

PV: Ông có thể chia sẻ về một vài vụ việc như thế?

- Tôi nhớ một vụ việc phóng viên của tôi tác nghiệp tại một Chi cục thi hành án ở một thành phố trực thuộc Trung ương của phía Bắc về chuyện cơ quan đó làm sai rất nhiều trong một vụ thi hành án. Phóng viên về phản ánh, đăng ý kiến của ông Chi Cục trưởng về vấn đề này. Ngay lập tức chúng tôi nhận được đơn tố cáo của cá nhân ông Chi Cục trưởng, của Chi cục thi hành án, của công đoàn đơn vị này nói rằng phóng viên viết sai sự thật, ông kia không hề nói, không hành xử như trong bài báo viết. Sau khi chúng tôi nghiên cứu, đã trả lời rằng phóng viên viết hoàn toàn đúng. Nhưng họ lại tiếp tục gửi đơn lên các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí kiện tờ báo.

Theo đúng quy trình, chúng tôi lại tiếp tục phải giải trình 3 lần nữa. Mặc dù văn bản trả lời của tòa soạn đã nêu rõ mọi việc, nhưng vì đương sự tiếp tục có đơn khiếu nại, tố cáo tờ báo và phóng viên, cuối cùng cơ quan quản lý Nhà nước gửi giấy mời yêu cầu Tổng biên tập báo lên làm việc để đối chất với đương sự. Ngay trước khi diễn ra cuộc họp đối chất, báo buộc phải đăng tải chứng cứ và băng ghi âm, clip lên báo thì họ mới nhận sai và xin cơ quan quản lý hủy cuộc họp đối chất.

Tuy nhiên, sau đó người khiếu nại sai không bị xử lý gì cả. Trong khi chúng tôi đã phải mất 6 tháng giải quyết sự việc này, vừa mất thời gian, vừa là uy tín của cả tòa soạn, vì đơn khiếu nại sai sự thật của họ gửi đến rất nhiều cơ quan với những lời lẽ quy chụp, thậm chí mạt sát không tiếc lời đối với phóng viên và tờ báo. Thậm chí còn có những trường hợp rất vô lý mà tòa soạn không biết kêu ai, cứ “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Hay như trường hợp gần đây nhất, phóng viên của tôi có viết bài về một phiên tòa xử một vụ việc chia thừa kế giữa ông bố và con gái kéo dài 4 năm ròng, có liên quan đến thương hiệu một loại kẹo nổi tiếng miền Trung. Vì thời gian khiếu kiện kéo dài ông bố buộc phải đưa ra tòa kiện con gái. Phóng viên của tôi chỉ phản ánh về phiên tòa với nội dung phiên tòa “câu giờ” vì xử án thừa kế kéo dài tận 4 năm.

Nhưng ngay sau đó, người con gái của ông này gửi đơn kiện ra các cơ quan quản lý với nội dung là tờ báo đã làm ảnh hưởng đến uy tín của hai bố con họ. Người này còn yêu cầu phải rút thẻ phóng viên viết bài, xử lý tòa soạn báo. Trong khi đó, ông bố cũng có viết đơn phản bác lại toàn bộ nội dung đơn của người con gái và khẳng định phiên tòa “câu giờ”, báo viết hoàn toàn đúng sự thật... Sau khi nhận đơn, chúng tôi đã giải trình, báo cáo, chứng minh tờ báo phản ánh đúng sự thật và khách quan.

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại, mới đây, Chánh thanh tra Sở TT-TT tỉnh miền Trung này gửi giấy mời yêu cầu “bị đơn là tòa soạn báo và phóng viên” đến đối chất với các thành phần là tòa án nhân dân tỉnh, PA83, Chánh Thanh tra Sở, nguyên đơn tố cáo (nhưng lại không có ông bố - người trong cuộc có quan điểm khác với nguyên đơn)...

Tôi không hiểu, Sở TT-TT lấy chức năng gì để mở “phiên tòa” có một không hai như thế, trong khi Sở này hoàn toàn có thể yêu cầu báo có công văn trả lời đơn khiếu nại. Và nếu trường hợp nhận đơn khiếu nại nào Sở cũng yêu cầu báo phải đối chất với một thành phần dự họp “hùng hậu” thế thì báo và các cơ quan lấy đâu thời gian? Sự việc này có dấu hiệu bất bình thường và tôi đã gọi điện trao đổi với ông Giám đốc Sở, sau đó cuộc họp đã được hủy bỏ.

Có một vụ việc khác, phóng viên phản ánh một phiên tòa, sau đó nhận được đơn khiếu nại về ba nội dung của bài báo rồi quy chụp đủ thứ cho phóng viên mà chúng tôi rà soát bài viết thì không hề có ba nội dung đó. Sau khi chúng tôi giải trình, tất cả những điều đó được đưa ra ánh sáng thì người vu cáo không hề bị xử lý.

PV: Vậy chúng ta cần phải làm gì trước thực trạng này, thưa ông?

- Với tư cách là một người làm báo, tôi mong muốn các cơ quan quản lý khi vận dụng luật báo chí không chỉ đứng trên góc độ quản lý báo chí, xử phạt báo chí. Trên thực tế, báo chí cũng cần phải được bảo vệ. Các cơ quan báo chí, không chỉ phóng viên khi tác nghiệp tại những điểm nóng vẫn đang thiếu “điểm tựa” vì các cơ quan quản lý nhà nước đang vận dụng luật theo hướng xử lý báo chí vi phạm luật trong quan hệ với đương sự, nhưng chưa bảo vệ báo chí khi báo chí bị vu cáo, bị khiếu nại oan.

Điều này dẫn đến tình trạng người ta cứ lạm dụng việc đó để vô hiệu hóa và làm khó báo chí, vì sai họ không sao hết, còn bản thân, tòa soạn, Tổng biên tập, phóng viên rất mất thời gian giải quyết, thậm chí ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của tòa soạn. Phải có quy định xử phạt những người khiếu nại báo chí, quy chụp báo chí sai sự thật. Người ta có quyền khiếu nại nhưng nếu vu cáo, bịa đặt thì phải bị xử lý, như thế mới công bằng. Luật Báo chí vẫn có những điều khoản có thể áp dụng xử lý các trường hợp này, chỉ có điều chúng ta chưa lưu tâm áp dụng mà thôi.

PV: Vâng, trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Minh (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/phai-co-quy-dinh-xu-phat-nguoi-khieu-nai-quy-chup-sai-cho-bao-chi-39075