Phải có những chiến lược dài hơi

Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng với ngành hàng bán lẻ. Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp lớn từ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng như làn sóng M&A (mua bán, sáp nhập) đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

M&A tạo sức hấp dẫn cho ngành bán lẻ Việt Nam

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, với tốc độ trung bình hàng năm tăng 10% trở lên (từ khoảng 95 tỷ USD vào năm 2016 lên 120 tỷ vào năm 2018) cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đã trở thành một trong những thị trường đầy tiềm năng ở khu vực châu Á và được các doanh nghiệp lớn trên thế giới: Pháp, Mỹ, Nhật, Thái Lan…nhòm ngó. Qua đó, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt cho ngành bán lẻ trong nước.

Doanh nghiệp Việt cần có chiến lược dài hơi để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong ngành bán lẻ.

Để tạo nên sức hút trên, theo các chuyên gia kinh tế, một phần là nhờ các thương vụ nổi tiếng M&A thời gian qua như: Thương vụ mua bán hệ thống BigC, hệ thống siêu thị Metror, Sabeco…Làn sóng M&A sôi động là vậy, song nó cũng mang lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, cũng như cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ nội địa thay đổi, tăng sức cạnh tranh. Qua đó, đưa ra những chiến lược đầu tư đúng đắn, nhất là khi thị trường bán lẻ đang là “miếng bánh” hấp dẫn với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hội, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống bán lẻ trong nước gặp nhiều khó khăn bởi kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh…) tăng nhanh, nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các tỉnh, thành phố, thị xã...Trong khi đó, ở nông thôn, miền núi mạng lưới chợ và hệ thống bán lẻ còn thưa thớt; siêu thị, trung tâm thương mại còn ít…

Vì thế, trong cuộc đua làn sóng M&A với các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơi, cũng như xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và tận dụng triệt để những lợi thế sân nhà như thói quen, tâm lý tiêu dùng của người Việt…nếu không xây dựng được mạng lưới này, chắc chắn doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó và đứng ngoài cuộc chơi.

Có thể thấy, không chỉ đối với lĩnh vực bán lẻ, mà ngay cả với các lĩnh vực kinh tế khác đang trong cuộc đua của làn sóng M&A, thì ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách, cơ chế…qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để môi trường kinh doanh hoạt động thông thoáng và chủ động hơn.

Trước sự đổ bộ ồ ạt của các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành bán lẻ vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là sau các sự việc M&A đình đám, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm tính cạnh tranh, mà muốn thay đổi thì cần phải có chiến lược cụ thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ bởi người tiêu dùng ngày càng có xu hướng dành nhiều ưu tiên cho mua sắm trực tuyến…

Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trước sự đổ bộ ồ ạt của các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, không vì thế mà doanh nghiệp trong nước tỏ ra lo sợ và né tránh sức cạnh tranh này, bởi thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt cũng có những thế mạnh riêng của mình.

Nêu như doanh nghiệp ngoại với thế mạnh là công nghệ, chiến lược kinh doanh bài bản, tầm nhìn dài hạn…thì ngược lại, các doanh nghiệp Việt lại có thế mạnh lớn trong việc nắm bắt được bản sắc văn hóa dân tộc, tâm lý, thói quen tiêu dùng, linh hoạt trong sản xuất…đây chính là lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ trong nước với các đối thủ từ nước ngoài.

Trước lợi thế trên, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, ở sân chơi quốc tế thì sự linh hoạt không còn là ưu điểm dù thế mạnh đó có thể áp dụng cho một số thị trường mới trong nước. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng trong việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” với các doanh nghiệp ngoại.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập giữa các nền kinh tế, doanh nghiệp cần phải xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh, không buôn bán hàng cấm, hàng giả…giữ gìn thương hiệu nhằm giữ chân khách hàng, tăng cường hình thức bán hàn kể cả trực tiếp hay online…Đồng thời, phải có sự gắn bó giữa sản xuất, phân phối và chia sẻ lợi nhuận giữa người sản xuất và người bán hàng.

“Để thị trường bán lẻ Việt Nam có thể phát triển và sánh vai với thị trường bán lẻ thế giới, thì không thể lơ là trong việc phát triển thị trường bán lẻ. Đặc biệt, xu hướng thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ do đó, Chính phủ cần khuyến khích các tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu”, ông Phú nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Phú, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, để ngành bán lẻ trong nước phát triển, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại.

Trong đó, khâu quan trọng nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đồng thời chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành. Qua đó, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp ngoại trong ngành bán lẻ, đặc biệt là trước sự “tấn công” mạnh mẽ của làn sóng M&A.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phai-co-nhung-chien-luoc-dai-hoi-80188.html