Phải có một mô hình tăng trưởng kinh tế do các yếu tố nội tại dẫn dắt

Hôm nay (26/10), các ĐBQH dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về các vấn đề KT-XH. Trả lời báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá rằng kết quả thực hiện thời gian qua là tích cực song vẫn cần quan tâm về chất lượng của các chỉ tiêu, những thách thức trong dài hạn cũng như tính bền vững của phát triển kinh tế.

Ông Vũ Hồng Thanh trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Theo các báo cáo của Chính phủ, có thể gần như chắc chắn, năm 2018 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành đạt và vượt cả 12/12 chỉ tiêu về KT-XH mà Quốc hội giao. Kết quả này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Với những kết quả đã đạt được trong 3 quý đầu năm, tôi tin rằng sẽ hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao. Đã có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch với nhiều điểm nhấn quan trọng. Cá nhân tôi đánh giá cao việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP. Điều này sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.

Theo tôi, việc 2 năm liên tiếp hoàn thành tất cả chỉ tiêu được giao là một chỉ dấu tốt về năng lực điều hành của Chính phủ. Hơn nữa, năm 2018 là năm bản lề của Kế hoạch 2016 - 2020, do đó những thành quả đạt được trong năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân vào cuộc, đồng hành hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm theo Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội, cũng như tạo cơ sở cho việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch của 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, ở đây, tôi đặc biệt quan tâm về chất lượng của các chỉ tiêu, những thách thức trong dài hạn cũng như tính bền vững của phát triển kinh tế.

Những điều gì khiến ông vẫn chưa thực sự yên tâm, thưa ông?

Trước khi họp phiên toàn thể thẩm tra các báo cáo của Chính phủ phục vụ Kỳ họp thứ 6, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có một buổi tọa đàm với các chuyên gia với mong muốn lắng nghe những vấn đề cần quan tâm của nền kinh tế không chỉ trong ngắn hạn, mà còn cho trung và dài hạn. Qua buổi tọa đàm này và phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế, chúng tôi thấy rằng đang có những thách thức trong việc bảo đảm tính bền vững của phát triển kinh tế.

Đầu tiên phải kể đến chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động năm 2018 đều có xu hướng giảm so với năm 2017.

Lâu nay động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại, đóng góp cũng mới chỉ dừng ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp, nguyên liệu đa phần do doanh nghiệp FDI nhập khẩu nên không chủ động được cả nguồn cung và cầu. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn do đã khai thác trong một thời gian dài và ít dư địa phát triển.

Một động lực quan trọng khác là xuất khẩu dù tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây và năm nay là năm thứ ba liên tiếp xuất siêu, nhưng thống kê cho thấy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này có nghĩa mặc dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng giá trị tạo ra phần lớn thuộc về doanh nghiệp FDI và phần được giữ lại ở trong nước rất ít. Như vậy, đời sống người dân chậm cải thiện dù tăng trưởng vẫn cao. Hơn nữa, động lực tăng trưởng từ xuất khẩu của doanh nghiệp FDI cũng là hữu hạn và thường không bền vững, có thể thay đổi rất nhanh khi những ưu đãi của chính sách thay đổi hoặc nhà đầu tư chuyển hướng khi thị trường biến động.

Vậy những vấn đề nào Chính phủ cần lưu tâm để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững cho đất nước, thưa ông?

Ủy ban Kinh tế tán thành với quan điểm của Chính phủ xác định cơ cấu lại nền kinh tế là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành, cùng với đó là việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững cho giai đoạn sau năm 2020.

Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải có một mô hình tăng trưởng kinh tế do các yếu tố nội tại trong nước dẫn dắt và chi phối, thực hiện đúng định hướng của Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII về một nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Cụ thể hơn, đối với FDI cần thu hút có chọn lọc, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tôi kỳ vọng các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ dần thay thế vai trò của doanh nghiệp FDI thời gian tới, trở thành đầu tàu và đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Để có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh, rất cần một giải pháp tổng thể mang tính đột phá của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế thời gian tới. Tôi muốn nhấn mạnh việc tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt cần quyết liệt cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức để giảm thiểu chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và của tổng thể nền kinh tế; đồng thời tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực thi công vụ, trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

H.Vân (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phai-co-mot-mo-hinh-tang-truong-kinh-te-do-cac-yeu-to-noi-tai-dan-dat.aspx