'Phải có kỷ luật sắt trong tổ chức thực hiện chính phủ điện tử'

Ngoài 'kỷ luật sắt' Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có một đầu mối, người chịu trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Ngày 20/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Phát biểu tại đây, Thủ tướng khẳng định việc thành lập ủy ban là quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ nhiệm kỳ này để xây dựng Chính phủ điện tử.

Về việc triển khai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý. Ông yêu cầu phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng.

Thủ tướng cũng biểu dương một số bộ, ngành, địa phương về xử lý hồ sơ công việc qua môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân, triển khai một cửa điện tử…. Tuy nhiên ông cho rằng kết quả còn khiêm tốn, chưa đạt kỳ vọng mong muốn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Qua đó, Thủ tướng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Trong tháng 10 tới, Bộ Thông tin và Truyền thông phải hoàn thành việc sửa đổi khung kiến trúc Chính phủ điện tử phù hợp với thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để Thủ tướng ban hành.

Văn phòng Chính phủ xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia làm nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương trong năm nay.

Thủ tướng cũng giao các bộ đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết là phải sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vì đây là gốc của Chính phủ điện tử.

Thủ tướng nhấn mạnh bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý.

"Không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin, làm các cơ sở dữ liệu khác nhau”, ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Cuối cùng Thủ tướng mong muốn các ngành, các cấp cùng "xắn tay áo" vào xây dựng thành công Chính phủ điện tử.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trước đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó chủ tịch Ủy ban. Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Mục tiêu lớn nhất là trong vòng 7 năm tới sẽ đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, thay vì vị trí thứ 6 trong ASEAN và vị trí thứ 88 trong 193 nước và vùng lãnh thổ như hiện nay.

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phai-co-ky-luat-sat-trong-to-chuc-thuc-hien-chinh-phu-dien-tu-post878455.html