Phải có chiến lược FDI cho mỗi thời kỳ

Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thập kỷ qua đã tăng gấp 10 lần, vượt mặt các đối thủ cạnh tranh trong khu vực nhưng hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng mang lại còn nhiều hạn chế. Điều này đặt ra vấn đề cần có sự thay đổi trong chiến lược thu hút FDI để phù hợp với bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) đang phát triển rầm rộ hiện nay.

Sự thay đổi này sẽ như thế nào? Làm thế nào để cho FDI theo được “thời cuộc”? Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) xung quanh những vấn đề này.

+ Thế giới đã bước vào một thời kỳ kinh tế, xã hội mới - kinh tế, xã hội của CMCN4.0 và Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Trong kinh tế, FDI luôn có một vai trò hết sức quan trọng, ông có đánh giá gì về FDI trong giai đoạn này?

- GS. TSKH Nguyễn Mại: Trong 30 năm nguồn vốn FDI vào nước ta, đã tạo ra một động lực thực sự cho phát triển kinh tế, xã hội. Tính đến thời gian này, FDI đã chiếm từ khoảng 20% - 22% tổng đầu tư xã hội trong cả nhiệm kỳ. Nhờ FDI mà các dự án, công trình cũng như các doanh nghiệp đã phát triển mạnh, nhất là các tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, từ đó nâng tầm vị thế, hình ảnh của Việt Nam so với thế giới.

GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Tuy nhiên thế giới nói chung và Việt Nam ta nói riêng đang bước vào một giai đoạn phát triển mới mà vấn đề trọng tâm nhất là CMCN4.0. Nhiều lĩnh vực như hành chính, giáo dục, thương mại, công nghiệp… đều đã thay đổi để tiệm cận với cuộc CMCN này thì FDI hẳn nhiên không thể đứng ngoài cuộc. Nguồn vốn này cũng phải có sự tiệm cận và phát triển theo xu hướng chung của nó mà cụ thể ở đây là tiệm cận với “dòng chảy” CMCN4.0 như các ngành nghề khác.

+ Quan điểm cụ thể của ông về FDI trong thời kỳ CMCN4.0 như thế nào?

- GS. TSKH Nguyễn Mại: Tôi đã tham gia nhiều cuộc hội thảo, nhiều lĩnh vực có bàn luận về CMCN4.0. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chưa đủ sức để tiếp cận CMCN4.0, thậm chí còn có quan điểm đánh giá được đưa ra là nước ta mới đang ở vị trí của CMCN2.0, thậm chí là Cuộc CMCN3.0. Nhưng tôi và anh em trong Hiệp hội luôn giữ quan điểm không nên có suy nghĩ như vậy. Tuy do điều kiện địa lý và yếu tố lịch sử nên chúng ta không đi cùng nhân loại về các tiến bộ nhất là sự phát triển của công nghệ nhưng Việt Nam ta, dân tộc ta luôn có một tinh thần và nghị lực thích nghi và thích ứng rất nhanh. Lấy mọi lĩnh vực mà so sánh sẽ thấy. Riêng về lĩnh vực công nghệ thông tin thôi, tuy đi sau, phát triển sau nhưng hiện nay so với các nước trong khu vực ASEAN chúng ta chỉ đứng sau Singapore về lĩnh vực này.

Riêng với FDI trong thời kỳ mới này, theo tôi, chúng ta phải đẩy nó lên thêm một bước nữa, làm cho nó thực sự sống động hơn. Muốn như vậy nghĩa là chúng ta phải cải cách. Khi tất cả lĩnh vực được cải cách, đặc biệt là thủ tục hành chính, Việt Nam sẽ càng tạo ấn tượng tốt đối với bạn bè quốc tế, đồng nghĩa với việc FDI cũng được cải thiện. Tiếp xúc với nhiều chuyên gia, nhiều đối tác, tôi thấy họ đánh giá rất cao về vị thế của Việt Nam, như vậy họ mới an tâm đầu tư, rót vốn vào… Nghĩa là nguồn vốn FDI của chúng ta đang tiệm cận và bắt đầu đi cùng đường với CMCN4.0.

Trong 6 tháng qua, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã tới 20 tỷ USD, tăng hơn 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến giai đoạn này đã có trên 2.500 doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam. Đó là minh chứng cho sự vận hành của FDI cùng thời cuộc.

+ Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới theo ông nên thế nào? Làm thế nào để chiến lược ấy có hiệu quả thực tế hơn?

- GS. TSKH Nguyễn Mại: Như tôi đã trao đổi ở trên, cũng như tất cả các ngành nghề khác, lĩnh vực FDI cũng phải vận hành cùng thời đại và phải có chiến lược cho mỗi thời kỳ. Sau 25 năm tổng kết (năm 2013), sắp tới đây chúng ta sẽ tổng kết 30 năm FDI có mặt tại Việt Nam, chiến lược thu hút FDI của ta được đánh giá rất cao. Để FDI đi cùng thời đại, nghĩa là hợp với xu thế của CMCN4.0 có 4 vấn đề lớn được chúng tôi tổng kết đưa ra và rút kinh nghiệm làm lộ trình cho các năm tiếp theo. Đó là môi trường (môi trường sống và môi trường đầu tư), công nghệ, tranh chấp lao động và vấn đề chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế.

Phối cảnh Dự án Thành phố thông minh do liên doanh BRG và Sumitomo (Nhật Bản) phát triển - Ảnh: Đức Tuyền.

Về định hướng trong thời gian tới, chúng tôi cũng xác định sẽ dựa trên 3 trụ cột đó là: Lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo cho FDI, thu hút đầu tư FDI theo 3 cấp và hiện đại hóa công nghệ dịch vụ cho FDI. Hiện trên toàn quốc đã có 13 tỉnh thành có và thu hút được nguồn vốn FDI, theo định hướng này, về thu hút đầu tư theo cấp, chúng tôi chủ trương đầu tư cấp 1 là tập trung cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 11 tỉnh thành nữa đang có thu hút FDI thì định hướng chuyển dịch theo hướng từ thấp sang cao còn các tỉnh thành khác thì coi trọng hạ tầng, yếu tố con người và cơ sở.

+ Như vậy, qua trao đổi có thể thấy chủ trương thu hút FDI của chúng ta đã tiệm cận và sát với thực tế của CMCN4.0. Ông có dự báo gì về FDI trong thời gian tới?

- GS. TSKH Nguyễn Mại: Theo tôi trong năm nay và thời gian tiếp theo Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, có thể gọi là “cơ hội vàng” cho thu hút FDI. Giờ chúng ta không còn lo ngại về cạnh tranh thu hút FDI nữa mà điều quan trọng là phải tận dụng cơ hội thuận lợi đang có. Dự đoán vốn FDI thực hiện trong năm 2018 này sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD và hiện nay 25% vốn đầu tư xã hội là vốn FDI. Đây được coi là động lực tăng trưởng quan trọng và cùng với kinh tế tư nhân, FDI đóng vai trò là “2 chân của một cơ thể cường tráng”, giúp cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng hơn.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm tới nay, đã có 98 công ty liên doanh được cấp chứng nhận đầu tư. Cũng trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều khả năng, tháng 10 tới, Dự án Thành phố thông minh, quy mô vốn đầu tư 4,138 tỷ USD, sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội). Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn nhất được cấp chứng nhận đầu tư kể từ đầu năm tới nay. Và điều quan trọng, dự án này do Liên doanh BRG và Sumitomo phát triển, trước mắt, giai đoạn I có quy mô hơn 73ha, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.

Phương Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/phai-co-chien-luoc-fdi-cho-moi-thoi-ky-43660