Phải có cái đầu không 'méo'

Các cụ có câu 'Y phục xứng kỳ đức' được hiểu là y phục thế nào con người như vậy. Cách ăn mặc cho thấy toàn bộ gu thẩm mỹ cũng như tính cách ứng xử của nhân vật.

Cũng có người cho rằng nhìn hình thức mà đánh giá sẽ bị cái hình thức đánh lừa bản chất. Nói vậy thôi, thực ra cái bản chất không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển hóa cách thể hiện từ hình thức này sang hình thức khác. Thế gọi là “nội ngoại tương ứng”.

Thời bao cấp, khi chúng ta là vương quốc của xe đạp thì người ta nhìn người theo kiểu “đầu, mình, tứ chi và xe đạp”. Xe đạp thể hiện tính cách của chủ nhân rất rõ. Cái xe đạp được ứng xử ra sao cho thấy chủ nhân của nó là người chỉn chu hay cẩu thả. Thời nay thì nên đổi thành “Đầu mình, tứ chi và mũ bảo hiểm”.

Cái mũ bảo hiểm đã trải qua một quá trình gian nan để được trang bị đại trà cho dân ta. Gọi là gian nan vì ngay quá trình tuyên truyền chuẩn bị đã vấp phải sự phản đối khá rộng. Ơn giơiâ! việc yêu cầu đội mũ bảo hiểm đã thực hiện xong cùng chế tài phạt đâu ra đấy.

Minh họa của Tả Từ.

Thực tế chứng kiến không ít vụ va chạm giao thông, chủ của xe máy đã sống sót là nhờ tác dụng giảm chấn của chiếc mũ này. Có một đoạn video clip chia sẻ trên Facebook khá ấn tượng, đến mức sau khi xem, thật không tin vào mắt mình.

Trong một đoạn đường hẹp, người đàn ông cố gắng vượt bên phải xe tải, khi gặp sự cố thì ngã nhào sang gầm xe tải, đầu anh này ở vị trí bánh sau xe.

Sau khi bánh sau xe tải lăn qua thì anh này đứng dậy không thấy có biểu hiện gì nguy hiểm. Mũ bảo hiểm lệch nên phải xoáy lại thôi. Người viết bài đoán rằng anh này đã gặp may thần kỳ khi cái mũ không phải chịu lực trực tiếp mà bánh ô-tô đã trượt trên bề mặt cong và bóng của mũ.

Hãy tưởng tượng không có cái mũ bảo hiểm đó thì đầu anh này chắc chắn không thể tạo được độ trượt nào của bánh, kết cục không khó đoán.

Vậy mà ngoài đường phố Thủ đô, thấy ngày càng nhiều người không đội mũ bảo hiểm đi lại hiên ngang. Thanh niên xăm trổ có, ông bà cao niên có, cán bộ đang tuổi đầy sức bật có… Họ không sợ tai nạn. Họ cho rằng việc đội mũ bảo hiểm chỉ liên quan đến mức phạt của Cảnh sát giao thông.

Hãy cho tôi biết anh rú ga, bấm còi như thế nào, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào.

Thực tế, khi nghe phía sau có tiếng bấm còi và rú ga thì ta sẽ biết ngay, không phải đợi lâu, sẽ thấy một “tay đua” vọt lên. Tuổi của “tay đua” này trải từ thanh niên tới tuổi cổ lai hy. Phần khá lớn thì xăm trổ rồng phượng trần trùng trục, bây giờ người ta gọi là body có nhiều tranh.

“Tay đua” có thể không đội mũ bảo hiểm và có thể có đội loại mũ bảo hiểm rởm để đối phó với cảnh sát. Loại này mỏng như bìa carton, không chống được bất kỳ va đập nào. Sẵn sàng tiễn chủ nhân của nó về thế giới bên kia, nhưng được chọn vì nó rẻ.

Một dạng khá đông nữa là đội mũ bảo hiểm xõa quai. Đôi khi mũ bị văng ra đường rất nguy hiểm cho những người khác. Cho dù là mũ bảo hiểm tốt nhất thì khi xõa quai, nó chẳng còn chút năng lực bảo vệ nào. Công việc của đội xõa quai chỉ là che tạm lên một cái “đầu đất” không hơn không kém.

Có cái đầu là quan trọng nhất thì coi thường. Đừng sợ ai phạt! Hãy yêu cái đầu và tính mạng của mình. Phải có cái đầu không méo thì hãy nói chuyện làm lớn nghĩ lớn.

Còn bạn, bạn đội mũ bảo hiểm nghiêm túc, xõa quai hay hiên ngang đầu trần?

Lê Tâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/phai-co-cai-dau-khong-meo-506258/