Phải có biện pháp ngăn chặn nhập siêu từ Trung Quốc

Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018 do Bộ KH-ĐT công bố.

Ngăn chặn nhập siêu từ Trung Quốc

Nhiệm vụ vẫn nặng nề

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, kinh tế thế giới có nhiều biến động trong tháng 8.2018 bởi mối quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn trong việc xác định vị thế mới của các nước này trong bối cảnh mới, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh, giữa Mỹ và Nga… đã làm dấy lên những lo ngại đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Mặc dù vậy, kinh tế của Việt Nam được dự báo vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Moody’s đã đánh giá Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,4% trong giai đoạn 2018-2022, giúp ổn định tình hình nợ công của Việt Nam, năng lực cạnh tranh được cải thiện, dòng chảy thương mại lành mạnh và tiêu dùng trong nước ở mức cao.

Trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý 3 và cả năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ tiến trình xúc tiến đàm phán các FTA.

Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm vẫn còn hết sức nặng nề, đòi hỏi các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Trung - Mỹ và động thái của các đối tác thương mại và đầu tư chính; nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó của Việt Nam; có biện pháp ngăn chặn gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc.

Đối với lạm phát, để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm 2018 cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời, một số hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, nhất là giá dầu thô đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó là chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; thực hiện nghiêm kỷ luật chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm bội chi ngân sách, tăng thu ngân sách qua chống thất thu thuế; cải cách môi trường kinh doanh…

Bộ KH-ĐT cũng đề nghị rà soát tiến độ giải ngân của các dự án, nhất là các dự án ODA, thực hiện công tác điều hòa, điều chỉnh để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đã được giao kế hoạch.

Có thể đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu

Cũng theo Bộ KH-ĐT, thị trường tiền tệ, tín dụng trong tháng chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới tuy nhiên vẫn giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý ở mức 8,18%. Thị trường chứng khoán đã có tín hiệu phục hồi rõ rệt, VN-index ngày 24.8 đạt 987 điểm, tăng 3,2% so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 8, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 871,8 nghìn tỉ đồng, tăng 13,8%. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 873,5 nghìn tỉ đồng, tăng 10,2%.

Giải ngân vốn đầu tư phát triển đã được cải thiện rõ rệt, ước đạt 176,8 nghìn tỉ đồng; vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá, tính đến ngày 20.8 tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 24,35 tỉ USD.

Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 87.448 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỉ đồng nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng khoảng 45,9%. Nguyên nhân một phần là công tác rà soát số liệu đăng ký doanh nghiệp, nhưng một phần do doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, quá trình thanh lọc của thị trường diễn ra mạnh.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều bất lợi từ tình hình thời tiết thất thường, nắng hạn kéo dài gây khó khăn cho việc gieo trồng, tiếp đến là mưa lớn nhiều ngày kéo dài từ trung tuần tháng 7 và cơn bão số 3 làm ngập úng trên diện rộng một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung 8 tháng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,2%), trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2,86 triệu tỉ đồng; lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 22,8% so với cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng vẫn duy trì xuất siêu với 2,8 tỉ USD.

Về thể thao thành tích cao, tính đến ngày 29.8, đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) hiện xếp thứ 14 trên bảng tổng sắp huy chương với thành tích giành 4 HCV, 12 HCB và 13 HCĐ. Đặc biệt là thành tích của đội tuyển bóng đá Olympic quốc gia khi lần đầu tiên có mặt tại bán kết Asian Games.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sáng 30.8, qua phân tích, 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. GDP có khả năng đạt trên 6,7%, thu ngân sách vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Năng suất lao động tăng.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các chỉ tiêu, định hướng năm 2019, giai đoạn 2019-2021, “tăng trưởng ở mức nào” và cho rằng trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, quy mô nền kinh tế trong nước đã lớn hơn, nên việc tăng thêm 1% GDP rất khó khăn, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp, các ngành để đạt, vượt kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT về dự kiến kế hoạch năm 2019, GDP năm 2019 được đặt ra tăng khoảng 6,6-6,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4-5%....

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/phai-co-bien-phap-ngan-chan-nhap-sieu-tu-trung-quoc-95636.html