Phải chăng VFF, Ban tổ chức... bất lực?

Khi mọi người vẫn còn đang vui vẻ nhớ về trận hòa giữa Việt Nam-Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022, chiến thắng 2-0 của U.22 Việt Nam trước U.22 Trung Quốc… thì xảy ra sự cố cổ động viên (CĐV) Nam Định bắn pháo sáng từ khán đài B sang khán đài A sân Hàng Đẫy, khiến CĐV nữ Huyền Anh bị bỏng nặng, phải đi cấp cứu hồi giữa tuần.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, nữ CĐV này bị bỏng vào xương và nhiều khả năng sẽ phải mổ không chỉ một lần. Quả pháo sáng mà CĐV Nam Định bắn sang khán đài A là một "cú tát" nữa vào V-League nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung. Sân Hàng Đẫy tối 11-9 mịt mù khói lửa pháo sáng. Qua chuyện này có thể thấy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Ban tổ chức V-League, Ban tổ chức sân Hàng Đẫy gần như vô phương trong việc ngăn chặn vấn nạn pháo sáng. Nếu như trước đây, pháo sáng được coi là “đặc sản” của fan quá khích Hải Phòng, thì nay bất kỳ CĐV nào cũng có thể sở hữu và sử dụng pháo sáng. Họ đốt bất kỳ lúc nào, không trừ sân nào, đốt từ trong sân, đốt ở ngoài sân và đốt trên đường phố, trung tâm. Đáng lẽ hành vi này phải bị ngăn chặn, lên án thật mạnh mẽ nhưng đáng tiếc nó lại được một nhóm người cổ vũ, ủng hộ, coi đó là chuyện bình thường. Khá khen Huyền Anh khi chị bị chấn thương nặng nhưng vẫn hết sức bình tĩnh. Có lẽ chính chị đã lường hết trước những vấn nạn nguy hiểm khi đến sân.

 Cầu thủ Hà Nội và Nam Định thi đấu trong khi pháo sáng vẫn ném xuống sân.

Cầu thủ Hà Nội và Nam Định thi đấu trong khi pháo sáng vẫn ném xuống sân.

CĐV Nam Định vốn rất cuồng nhiệt, phần đông là yêu bóng đẹp, cổ vũ fair-play, nhưng gần đây xuất hiện một nhóm CĐV quá khích đốt pháo sáng, kích động bạo lực. Và đến trận đấu với Hà Nội trên sân Hàng Đẫy hồi giữa tuần thì họ đã đẩy mọi việc đi quá giới hạn.

Hàng Đẫy là sân trung tâm của Thủ đô, không còn xa lạ với việc CĐV đốt pháo sáng, vậy mà lực lượng an ninh, bảo vệ sân vẫn phản ứng quá chậm khi có người đốt pháo sáng. Không thể kiểm soát được việc CĐV mang pháo sáng vào sân, Ban tổ chức V-League, VFF gần như không có bất kỳ biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn việc đốt pháo sáng. Ban Kỷ luật VFF lâu nay vẫn bị thiên hạ nói là ra án phạt đốt pháo sáng thì nhanh, còn chẳng tham mưu được cho trên biện pháp hiệu quả nào để ngăn chặn việc đốt pháo sáng.

Nhân đây xin nói kinh nghiệm của bóng đá Thanh Hóa trong việc ngăn chặn pháo sáng mỗi khi bầu Đệ nhận quyền lãnh đạo đội bóng xứ Thanh. Đầu tiên, CĐV đội khách đến sân Thanh Hóa được ngồi vào một khu vực riêng biệt, nói thì hơi kỳ nhưng có dây chăng ngăn cách để lực lượng an ninh dễ kiểm soát khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Thứ nữa, bao giờ bầu Đệ cũng cho bật loa thông báo nếu có CĐV nào đốt pháo sáng sẽ bị phạt 50 triệu đồng. CĐV nào phát hiện, tố giác đúng người đốt pháo sáng sẽ được thưởng 20 triệu đồng. Dù là “lệ làng” nhưng không ai nghi ngờ tính hiệu quả khi Ban tổ chức sân Thanh Hóa ra mức phạt-thưởng trên.

Trong khi đó, các ban tổ chức sân Hàng Đẫy, Hải Phòng, Nam Định… dẫu đã tăng cường lực lượng an ninh, dẫu đã nhận rất nhiều án phạt nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, và màn đốt pháo sáng coi thường luật pháp của CĐV Nam Định trên sân Hàng Đẫy đã nói lên tất cả. Dưới sân, đội khách thua đậm chủ nhà Hà Nội 1-6. Trên khán đài, CĐV Nam Định sau khi bắn pháo sáng khiến Huyền Anh bị chấn thương, họ vẫn đốt, ném pháo sáng xuống sân, ném sang khu vực khán đài khác. Khốn khổ cho trọng tài chính Ngô Duy Lân khi điều khiển một trận đấu quá căng thẳng. Nếu để ý sẽ thấy các phương tiện truyền thông châu Á, thế giới cũng không ít lần nói về vấn nạn đốt pháo sáng ở V-League. Khi chúng ta để cái xấu lộng hành mà không có biện pháp cương quyết xử lý, để cái xấu mặc nhiên kéo dài, phải chăng VFF, Ban tổ chức sân Hàng Đẫy và nhiều sân bóng ở nước ta đã bất lực trước nạn đốt pháo sáng?

Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/phai-chang-vff-ban-to-chuc-bat-luc-590997