Phải chăng 'Tia chớp' F-35 là máy bay chiến đấu chưa hoàn thiện?

Theo báo cáo từ Lầu Năm góc, hàng loạt vấn đề kỹ thuật tiếp tục được phát hiện trên các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II đã đưa vào trang bị.

Những vấn đề kỹ thuật của khung thân máy bay, hệ thống phần mềm điều khiển không ổn định và gần đây nhất là hệ thống quản lý tình trạng thiết bị trên máy bay đang có thể khiến quân đội Mỹ và hãng chế tạo Lockheed Martin cần thêm hàng tỷ USD để khắc phục.

Cái giá của việc đặt quá nhiều kỳ vọng

Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Lockheed Martin bồi thường 70 triệu USD do phần mềm Nhật ký Thiết bị Điện tử (EEL) của máy bay F-35 hoạt động không ổn định khiến quá trình bảo trì, bảo dưỡng phức tạp và tốn kém hơn dự kiến.

Theo đó, EEL không hoạt động đúng như lời giới thiệu Lockheed Martin giúp quá trình duy trì, bảo dưỡng máy bay F-35 tiết kiệm cả về thời gian và tiền bạc. Trái lại, những dự đoán sai lầm của EEL đã khiến đội ngũ kỹ thuật hàng không Mỹ không thể thực hiện công việc của mình khi vừa phải đối chiếu thiết bị trong thực tế với bản kê khai điện tử. Chính vì sự phức tạp này, Không quân Mỹ gần đây đã buộc phải chuyển chế độ bảo trì điện tử của F-35 sang phương pháp truyền thống.

 F-35 sẽ là xương sống của Không quân Mỹ và đồng minh trong nhiều thập niên tới.

F-35 sẽ là xương sống của Không quân Mỹ và đồng minh trong nhiều thập niên tới.

Không chỉ EEL, ALIS (Hệ thống thông tin hậu cần tự động) trên máy bay F-35 cũng đã gặp vấn đề nghiêm trọng chưa được thể khắc phục. Theo đánh giá của giới chức Không quân Mỹ, sự sai sót về phần mềm trên F-35 đang khiến quân đội Mỹ thiệt hại hàng chục triệu USD mỗi năm, cũng như làm đội ngũ kỹ thuật viên hàng không bị quá tải.

Những lỗi kỹ thuật không chỉ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của máy bay, trong bản báo cáo vấn đề kỹ thuật của F-35 năm 2019, có tới 13 lỗi nghiêm trọng gây nguy hiểm cho phi công. Trong số đó, nguy hiểm nhất là lỗi thay đổi áp suất đột ngột trong khoang lái khiến phi công có thể bị đau tai vào xoang, thậm chí đã có trường hợp gây mất nhận thức. Cùng với đó, hệ thống ghế phóng thoát hiểm bị lỗi thiết kế khiến phi công có nguy cơ gẫy cổ khi thoát ly khỏi máy bay.

Chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này cũng được đánh giá là dễ rơi vào tình trạng bất ổn định khi bay, đặc biệt là sau các thao tác tránh tên lửa. Phi công Mỹ cho rằng, vấn đề này do lỗi của phần mềm hỗ trợ điều khiển bay. Tuy nhiên, đội ngũ kỹ thuật của Lockheed Martin chưa thể khắc phục.

Máy bay chiến đấu cần điều kiện hoạt động “đặc biệt”

Trong quá trình sử dụng, Thủy quân lục chiến Mỹ phát hiện một vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng khác đối với máy bay F-35B (phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng). Ở ngưỡng 30 độ C, động cơ của F-35B không cung cấp đủ lực đẩy cho máy bay hạ cánh an toàn. Phi công buộc phải thả máy bay rơi tự do ở độ cao thấp xuống đường băng. Vấn đề nằm ở chỗ những va đập mạnh khi hạ cánh như vậy khiến phát sinh các vấn đề kỹ thuật ở thân máy bay, thậm chí là cháy nổ do ma sát.

Sự phức tạp và thiếu hoàn thiện kỹ thuật đã khiến máy bay F-35 phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật trong quá trình hoạt động.

Đối với máy bay chiến đấu, yêu cầu hoạt động tốt ở nhiều dải tốc độ khác nhau rất quan trọng. Tuy nhiên, vì lỗi thiết kế khung thân yếu, máy bay F-35 không thể hoạt động liên tục ở dải vận tốc siêu thanh. Trong một số bài bay diễn tập, máy bay F-35 đã bị bong lớp phủ tàng hình và một số bộ phận thu nhận tín hiệu trên thân khi bay ở dải vận tốc cao.

Tuy nhiên, cả Lockheed Martin và Lầu Năm Góc đang cố gắng che giấu vấn đề này. Khi máy bay đã đưa vào trang bị, việc thay đổi thiết kế lõi của khung thân F-35 gần như không thể vì cần nguồn tài chính tới hàng tỷ USD, cũng như phải dừng hoạt động của các đơn vị máy bay F-35 đã bàn giao. Để khắc phục, Không quân Mỹ đã phải hy sinh tính năng chiến đấu quan trọng của máy bay F-35 là khả năng đánh chặn ở dải vận tốc siêu âm.

Các vấn đề về khung thân máy bay khiến F-35 không hoạt động tốt ở dải vận tốc siêu âm.

Tất cả những vấn đề kỹ thuật trên chỉ là một phần nhỏ của chương trình phát triển vũ khí đắt nhất hành tinh. Tổng chi phí phát triển của F-35, chưa bao gồm quá trình bảo trì, bảo dưỡng tới thời điểm hiện tại đã lên tới 1.500 tỷ USD. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới, vì máy bay F-35 sẽ cần nhiều gói nâng cấp lớn nữa trước khi được coi là sản phẩm hàng không quân sự hoàn thiện. Bất chấp các vấn đề kỹ thuật, dự kiến sẽ có tới 2.500 máy bay F-35 các phiên bản được chuyển giao cho quân đội Mỹ và đồng minh. Chúng sẽ tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà thầu quân sự Mỹ trong nhiều thập niên tới.

Theo Tuấn Sơn/Quân đội Nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/phai-chang-tia-chop-f-35-la-may-bay-chien-dau-chua-hoan-thien/20201115083413446