'Phải chấm dứt ngay việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài'

Phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản. Đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài...

 Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14.

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề nông nghiệp chiều 6/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ tiếp thu tất cả những vấn đề các vị đại biểu quốc hội quan tâm đến trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có các giải pháp khắc phục.

Việt Nam trở thành nhóm nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới

Đánh giá kết quả ngành thủy sản, Phó thủ tướng khẳng định: Năm qua ngành thủy sản Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 9 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD. Với kết quả đó, Việt Nam đã trở thành nhóm nước có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, và góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý, hệ thống hạ tầng thủy sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn. Tổ chức sản xuất của ngành thủy sản chưa hiệu quả.

Chất lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản còn thấp; từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, tiêu thụ của thủy sản. Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được chú trọng. Đặc biệt là tình trạng đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa được dứt điểm.

Để phát triển ngành thủy sản Việt Nam trong giai đoạn tới, theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu đặt ra là: Phát triển ngành thủy sản Việt Nam thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương.

Khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người lao động.

Chấm dứt đánh bắt cá trái phép vùng biển nước ngoài

Từ mục tiêu đó, Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Trước hết, phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản. Gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa ngành thủy sản, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, hiện đại hóa đội tàu, trang thiết bị, đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản.

Tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển - coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản trong giai đoạn tới nhầm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Trên cơ sở tái cơ cấu ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật quy hoạch.

Trong đó, phải đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch sử dụng biển Quốc gia để báo cáo Quốc hội. Xác định đầy đủ các khu vực biển, đảo có tiềm năng lợi thế để phát triển ngành thủy sản (khai thác và nuôi biển). Từ đó làm cơ sở cho việc đầu tư khai thác và nuôi biển.

Thứ ba, trên cơ sở quy hoạch, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch cho từng năm và 5 năm. Xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để đầu tư thực hiện các quy hoạch.

Thứ tư, rà soát lại các cơ chế chính sách hiện có để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách để hỗ trợ phát triển ngành thủy sản.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm soát quá trình đầu tư phát triển, khai thác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Và cuối cùng, phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản. Đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Theo Phó thủ tướng, sau khi Ủy ban Châu Âu EC cảnh báo "thẻ vàng" với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo với các Bộ, ngành, và 28 địa phương ven biển để triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn chưa chấm dứt. Hiện tại, còn 7 địa phương có tàu cá của ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Tuần sau, đoàn công tác của Ủy ban Châu Âu EC sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra, xem xét có gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam hoặc nâng mức cảnh báo "thẻ đỏ".

Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo "thẻ đỏ" sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân.

Phó thủ tướng cũng đề nghị các vị Đại biểu Quốc hội tại các địa phương đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố ven biển hỗ trợ giúp đỡ trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát ngư dân, cùng với lãnh đạo các địa phương triển khai tốt các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, sớm gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam, để từ đó góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho thủy sản Việt Nam.

KIỀU TRANG

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/phai-cham-dut-ngay-viec-danh-bat-ca-trai-phep-tai-vung-bien-nuoc-ngoai-20191106162201276.htm