Phải cấm dịch vụ đòi nợ thuê do biến tướng, gây bất ổn xã hội

Đòi nợ thuê là một ngành nghề kinh doanh nhưng nếu không kiểm soát, ngăn chặn được những hành vi phạm pháp, bạo lực của các công ty đòi nợ thuê thì e rằng đó như một sự 'cho phép', 'hợp thức hóa' cho các hành vi bị lên án

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật Đầu tư sửa đổi trình bày tại Quốc hội ngày 26/5, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1 là quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Phương án 2 là không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.

LS cho rằng cần cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì biến tướng, gây bất ổn xã hội

LS cho rằng cần cấm dịch vụ đòi nợ thuê vì biến tướng, gây bất ổn xã hội

Các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ và giúp chủ nợ thu hồi khoản nợ và tiền lãi đó là kiện ra tòa, tiến hành thu hồi nợ bằng con đường tố tụng bằng một bản án có hiệu lực của tòa án.

Đây là cách thu hồi nợ "sạch" nhất tính đến thời điểm này.

Tuy nhiên, để thực hiện đòi nợ theo con đường tố tụng này thì người cho vay phải chờ đợi thời gian khá dài. Tính trung bình khi giải quyết một vụ án dân sự khoảng từ 4-6 tháng ở giai đoạn sơ thẩm, nếu có phúc thẩm sẽ lại kéo dài hơn.

Đến được bước thi hành án và thi hành xong bản án, thu hồi nợ cho chủ nợ thì cũng là cả một khoảng thời gian nữa.

Luật sư Hoàng Tùng trao đổi với phóng viên.

Cách thức đòi nợ này cũng tốn kém các chi phí nhưng chưa chắc đã đảm bảo thu hồi được toàn bộ số tiền cho vay và lãi.

Do vậy, nhiều chủ nợ đành tìm đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ "đòi nợ thuê" để giải quyết.

Mặc dù dịch vụ đòi nợ thuê là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nhà nước cho phép kinh doanh, tuy nhiên, thực tế dịch vụ đòi nợ thuê này lại biến tấu, lệch định hướng so với quy định của pháp luậ, gây bất ổn xã hội.

Thực tế diễn ra rất nhiều vụ việc các công ty đòi nợ thuê thường sử dụng “chân tay” của mình thực hiện các biện pháp đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự nhân phẩm. Những thủ đoạn thường thấy như: ném chất bẩn, xăng dầu; đe dọa tính mạng, nhắn tin, gọi điện quấy rối; nặng hơn là cho người đến đập phá, uy hiếp tại nhà, gây thương tích đối với người thân... Những người làm dịch vụ đòi nợ thuê thì không "từ" một ai, người thân của con nợ thường xuyên bị đe dọa, quấy rối. Các đối tượng đòi nợ dùng mọi thủ đoạn để ép buộc người thân trả nợ thay cho con nợ. Hành vi này có dấu hiệu của việc cưỡng đoạt tài sản, nhưng để xử lý thì gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, số tiền phải trả chi phí đòi nợ thuê thường rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với chi phí tố tụng tại tòa án, hòa giải tại trọng tài.

Là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng hoạt động dịch vụ đòi nợ của đa số các công ty đòi nợ lại đang biến tướng, bất chấp quy định của pháp luật, khiến dư luận bất an.

Không ít "con nợ" vì sức ép phải cấn nợ bằng nhà, đất; hoặc bỏ trốn biệt xứ để được bình yên. Tuy nhiên, lực lượng công an không thể can thiệp tranh chấp dân sự, chỉ có thể đến đảm bảo an ninh trật tự và can thiệp khi có hành vi gây rối an ninh trật tự....

Việc để dịch vụ đòi nợ thuê là một ngành nghề kinh doanh mà không kiểm soát, ngăn chặn được những hành vi vi phạm pháp luật gây ra sẽ giống như một sự "cho phép" , "hợp thức hóa" hay giúp đỡ, che giấu cho việc sử dụng bạo lực và phạm pháp của lực lượng đòi nợ thuê.

Thực tế rất khó để xác định và xử lý những biến tướng của đòi nợ thuê, việc lập nên doanh nghiệp đòi nợ thuê nhiều khi chỉ là tấm bia để che giấu các hành vi phạm pháp.

Do đó, dịch vụ đòi nợ thuê không thật sự cần thiết bởi việc vay mượn là hợp đồng dân sự, đã có thiết chế xử lý khi có tranh chấp như trọng tài, tòa án, hòa giải… Cơ chế thi hành án đã có. Việc thực hiện theo các quy định này đảm bảo được trật tự xã hội, an toàn và không vi phạm pháp luật; còn hậu quả thực tế của đòi nợ thuê rất nghiêm trọng. Vì thế, nên cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê!

Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/doi-thuong/dich-vu-doi-no-thue-co-nen-cho-ton-tai-hop-phap-62249.html