Phải cải thiện chế độ tiền lương cho nhà giáo

Chính sách lương và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo không phải là câu chuyện mới, nhưng chưa bao giờ hết 'nóng'. Nhiều ý kiến cho rằng, cải thiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là hoàn toàn chính đáng với vai trò của một nghề đặc thù trong xã hội, đồng thời cũng chính là thúc đẩy giáo dục phát triển.

Bậc lương cho nhà giáo phải có ưu đãi

Mới đây, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, đảm bảo nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội.

Thường trực ủy ban cũng đã đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội xung quanh vấn đề này. Phương án thứ nhất là Luật Giáo dục (sửa đổi) cần quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp. Phương án thứ hai, cần quy định phụ cấp ngành giáo dục có hệ số cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò đặc thù của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.

Tăng lương cho giáo viên chính là khiến giáo viên nhận được đúng sức lực và thời gian thực tế phải bỏ ra cho công việc. Ảnh: H.P

Tăng lương cho giáo viên chính là khiến giáo viên nhận được đúng sức lực và thời gian thực tế phải bỏ ra cho công việc. Ảnh: H.P

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, không nên quy định bảng lương riêng cho nhà giáo. Như vậy là trái với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW có 3 bảng lương. Ngoài ra, cũng không nên quy định nghề giáo là nghề có mức phụ cấp cao nhất. Chủ tịch quốc hội cho rằng, bậc lương cho nhà giáo nên có những ưu tiên phù hợp. Đại biểu Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình rằng, việc đề xuất nghề giáo có mức phụ cấp cao nhất là không ổn. Thực tế vẫn còn rất nhiều nghề khó khăn hơn. Do vậy, phương án nhà giáo được ưu tiên xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ là phù hợp hơn cả.

Lao động của người thầy xứng đáng được trân trọng bằng lương

Xung quanh vấn đề chế độ tiền lương cho giáo viên, góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), GS. Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đề xuất lương giáo viên phải được xếp ngang với lương của lực lượng vũ trang. Lý do GS. Trần Hồng Quân đưa ra là vì giáo dục có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng, là quốc sách hàng đầu.

Nếu đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn cho nghề giáo. Từ đó sẽ có được sự sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành sư phạm. Ngược lại, khi hưởng lương và đãi ngộ cao, nhà giáo buộc phải đạt được những tiêu chí cao hơn, phải luôn nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất…

GS. Trần Hồng Quân cho biết, có một thực tế đang xảy ra là rất nhiều người giỏi nhưng ra nước ngoài học tập, làm việc mà không trở về Việt Nam để cống hiến. Một trong những lý do “chảy máu chất xám” chính là lương, chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc không đủ khích lệ người giỏi phát triển. Các giáo viên lao động vất vả, không chỉ dạy học ở trường, mà hết giờ dạy, đến tối về nhà giáo viên lại tiếp tục lao động với các công việc tìm tòi để đổi mới phương pháp giảng dạy, soạn giáo án, công tác chủ nhiệm, chấm bài,… Tăng lương cho giáo viên chính là khiến giáo viên nhận được đúng sức lực và thời gian thực tế phải bỏ ra cho công việc. Cải thiện chế độ tiền lương cho giáo viên là mong mỏi của các nhà giáo, là phù hợp với tinh thần Nghi quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo.

Theo GS. Trần Hồng Quân, để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, không ai khác, chính đội ngũ nhà giáo là những người phải “đứng mũi chịu sào”. “Nhà giáo muốn tâm huyết với đổi mới giáo dục, phát huy hết năng lực cho đổi mới,… nhưng mỗi ngày đến trường, đứng trên bục giảng, nhà giáo vẫn không an lòng, vẫn đau đáu với cơm áo gạo tiền, vẫn nhẩm tính chi tiêu căn cơ đồng lương sao cho đủ sống.

Với đồng lương và chế độ đãi ngộ nghề không đủ khích lệ, các nhà giáo sẽ khó phát huy hết khả năng sáng tạo trong giảng dạy...”, GS. Trần Hồng Quân nói. Nếu đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn cho nghề giáo. Từ đó sẽ có được sự sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành sư phạm. Ngược lại, khi hưởng lương và đãi ngộ cao, nhà giáo buộc phải đạt được những tiêu chí cao hơn, phải luôn nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất.

GS. Trần Hồng Quân cũng cho rằng viển vông khi chỉ tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý, mà cần phải có thái độ của xã hội, cụ thể là phải có sự đãi ngộ đúng mức. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, với khả năng có hạn của ngân sách Nhà nước, sẽ nảy sinh khó khăn cho chính sách lương và đãi ngộ đối với nhà nhà giáo. Chính vì vậy, các cấp các ngành hữu quan, các chuyên gia đã và đang đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để tháo gỡ vấn đề này. Một trong những giải pháp được nhắc đến trong việc tăng thu nhập cho giáo viên chính là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với những chế tài cụ thể và thiết thực. Cải thiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, giúp tăng thu nhập cho nhà giáo chính là thúc đẩy giáo dục phát triển.

Cũng góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về chế độ tiền lương của giáo viên, NGƯT,TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) nhấn mạnh, trước hết phải giải quyết chế độ tiền lương thỏa đáng để người giáo viên sống thật bằng nghề và nhà giáo yên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp về nghề dạy học. TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu lên một số vấn đề như: Thứ nhất là quan niệm của chúng ta về lao động của nhà giáo như thế nào để trả lương cho thỏa đáng. Lương cao hơn tất cả thì chắc là khó vì cao nhất cũng chỉ bằng quân đội, công an, nhưng đó là lương xương máu. Thứ hai là nếu đã coi giáo dục là quốc sách, là điểm tựa để đi đến tương lai, để giải quyết vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết vấn đề nhân lực chất lượng cao,... thì phải ưu tiên giải quyết vấn đề lương giáo viên trước.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, phải làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ xứng đáng, phải đo đạc có tính chất khoa học chứ không thể chỉ nói chung chung. Bởi, sản phẩm của giáo dục là nhân cách của học trò, phải tạo cho học sinh nếp tư duy để họ tự phát triển nhân cách. Lao động của thầy giáo không chỉ là trí tuệ mà là lao động bằng chính nhân cách, bằng sự yêu thương, nhạy cảm của họ với con người.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, không phải ai cũng trở thành nhà sư phạm được. Người thầy giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng là họ dẫn dắt học sinh đi đến đâu, tạo cho học sinh động lực gì để học, để sống. Không có động lực thì chỉ là học hình thức, học qua quýt.

Chính người thầy đem ngọn lửa nhiệt tình của mình, đem hiểu biết của mình gieo vào tâm hồn trẻ.Tất cả những cái đó phải được huấn luyện, được đào tạo, chọn lọc. Như vậy, không có máy móc nào thay được người thầy. Người ta đã tổng kết rằng, một nền giáo dục không thể vượt được tầm của ông thầy. Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt. Lao động của người thầy xứng đáng được trân trọng bằng lương.

H. Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phai-cai-thien-che-do-tien-luong-cho-nha-giao-88114.html