Phải bảo đảm đủ điện trong mọi tình huống

Bộ Công Thương đang gấp rút triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trong quý IV-2020.

Bảo đảm đủ điện trong mọi tình huống, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), hạn chế nhiệt điện than, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực... là những định hướng quan trọng của quy hoạch này.

Quy hoạch mở

Bám sát nội dung Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Công Thương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII để trình Chính phủ ngay trong quý IV-2020. Quy hoạch điện VIII được thiết kế với các nội dung chính, như: Dự báo nhu cầu điện; nguồn năng lượng sơ cấp trong đó có NLTT cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; cơ chế và giải pháp thực hiện quy hoạch... Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Quy hoạch điện VIII được xây dựng dựa trên các quan điểm lớn: Phải bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trong mọi hoàn cảnh; phát triển mạnh mẽ nguồn NLTT (điện mặt trời, điện gió) mà Việt Nam đang có thế mạnh; hạn chế phát triển nhiệt điện than (vốn được đưa rất nhiều vào Quy hoạch điện VII); phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, tham gia ngành điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh.

 Điện mặt trời áp mái được kỳ vọng phát triển mạnh trong thời gian tới. Ảnh: ĐỨC PHONG

Điện mặt trời áp mái được kỳ vọng phát triển mạnh trong thời gian tới. Ảnh: ĐỨC PHONG

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, Quy hoạch điện VIII đang được thiết kế có tính mở hơn, khắc phục những hạn chế của Quy hoạch điện VII. Trước đây, Quy hoạch điện VII được lập với ít nhiều quan điểm khá cứng, xác định rõ từ quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án, thậm chí cả nhà đầu tư phát triển các dự án... Nên khi xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cần rất nhiều thời gian, dẫn tới chậm tiến độ dự án điện. Do vậy, đến nay mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Quy hoạch điện VII được thực hiện, khoảng 72% khối lượng lưới điện 500kV và khoảng 80% khối lượng lưới điện 220kV được triển khai, thực hiện. Rút kinh nghiệm từ việc này, Quy hoạch điện VIII vẫn quy định một số nguồn điện quan trọng ưu tiên phát triển, để bảo đảm cung ứng điện, còn lại sẽ chỉ đưa ra công suất tổng, không quy định danh mục chi tiết, đặc tính kỹ thuật của công trình điện. Cùng với đó, trong Quy hoạch điện VIII lần này, cơ cấu nguồn phát điện sẽ được phân bổ hợp lý hơn trong từng khu vực, vùng, miền và trên toàn quốc.

Riêng đối với nguồn điện NLTT, về điểm khác biệt trong Quy hoạch điện VIII so với Quy hoạch điện VII, Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng nêu rõ: "Đối với nguồn NLTT thì sẽ không quá chú trọng về cơ chế giá điện cố định nữa. Bởi lẽ, các nhà đầu tư không chỉ cần khuyến khích về giá mà cần có những cơ chế rõ ràng hơn, minh bạch hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, thời gian tới sẽ thực hiện cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án NLTT".

Tính toán hợp lý về cơ cấu nguồn điện

Quy hoạch phát triển điện lực là một trong những công tác quan trọng, định hướng tương lai phát triển ngành điện, định lượng mục tiêu cung cấp điện, xác định quy mô, tiến độ của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, việc lập Quy hoạch điện VIII có những khó khăn nhất định và rất phức tạp. Đầu tiên, phải tính toán dự báo phụ tải, các dự báo về tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, theo đại diện đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch điện VIII (ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng): Quy hoạch điện VIII được lập trong điều kiện một số chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu có được lập thì cũng chưa được phê duyệt, như: Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030; quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Riêng quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được triển khai song song với Quy hoạch điện VIII. Đây là khó khăn nhất định đang hiện hữu trong ngắn hạn.

Cùng với đó, có ý kiến cho rằng, Quy hoạch điện VIII sẽ là quy hoạch điện của thời kỳ NLTT phát triển bùng nổ. Song cần lưu ý, điện mặt trời và điện gió phần nhiều do thời tiết quyết định, trong khi đó không được để quá trình cung ứng điện bị gián đoạn. Vì vậy, dù đẩy mạnh phát triển NLTT, song cách thiết kế trong Quy hoạch điện VIII cũng cần tính toán cơ cấu nguồn điện hợp lý để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện. Liên quan tới vấn đề này, từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (một trong những nhà đầu tư NLTT hàng đầu Việt Nam) đề nghị: "Trong việc lập Quy hoạch điện VIII, đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời nên trải đều tại các vị trí, đồng thời có thêm các nhà máy tích điện. Khi NLTT bùng nổ thì những nhà máy tích điện rất có ích".

Đề xuất các giải pháp phát triển nguồn năng lượng quốc gia một cách bền vững, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng: "Để tránh rơi vào tình trạng bị “phá vỡ” quy hoạch như Quy hoạch điện VII, trong Quy hoạch điện VIII cần đặc biệt chú ý về tính đồng bộ với các quy hoạch khác về nguồn sơ cấp, như: Than, khí... Bởi, nếu không có quy hoạch định hướng của các ngành này thì ngành điện lấy gì ra để làm đầu vào phát điện. Cùng với đó, cần lưu ý về vấn đề tài chính, như: Huy động vốn ở đâu, với cơ chế ra sao... Riêng với NLTT, cần xem xét cơ chế đặc thù cho các dự án lưới điện đồng bộ với nguồn NLTT nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án lưới này...".

Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm lập quy hoạch phát triển điện lực: Điện lực phải phát triển trước một bước để bảo đảm cung ứng điện phục vụ cho phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng của đất nước; bảo đảm sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển điện lực, đặc biệt là các thành phần kinh tế tư nhân; quy hoạch có tính mở, xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp từ 220kV trở lên và các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030; định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất các nguồn điện trong giai đoạn 2031-2045, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên trong giai đoạn 2031-2045.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phai-bao-dam-du-dien-trong-moi-tinh-huong-632495