Phác thảo diện mạo kinh tế 2019

Những chỉ tiêu dự kiến về kinh tế - xã hội 2019 vừa được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội cho thấy một bức tranh kinh tế tương đối sáng màu; ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu và chất lượng tăng trưởng được đề cao.

Nội lực nền kinh tế khá vững chắc sau 3 năm 2016-2018 tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện. Ảnh: Nguyễn Hà

Tăng trưởng hợp lý

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, bên cạnh đánh giá phát triển kinh tế 2018, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, mục tiêu tổng quát trong 2019 là tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Việc cải thiện chất lượng tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn tới đòi hỏi đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo để tăng sức cạnh tranh, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ổn định kết hợp với những chuyển biến tích cực về đời sống văn hóa, xã hội, nâng cao thu nhập của người dân chính là mục tiêu lâu dài để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Đánh giá về những chỉ tiêu của 2019, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là khả thi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4% là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, về tăng trưởng GDP, TS Nguyễn Đức Độ lưu ý, mức tăng trưởng này phụ thuộc vào tình hình biến động của kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới tương đối ổn định như năm 2018 thì mục tiêu 6,6-6,8% có thể đạt được, nhưng nếu kinh tế thế giới kém đi thì việc đạt được kết quả này là khó khăn.

Các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế năm 2019 đã được Chính phủ đề xuất như sau: Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP và tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4% là tương đối phù hợp trong điều kiện sức ép về lạm phát gia tăng, đồng thời với mục tiêu tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp giảm dần lạm phát thông qua các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định lãi suất và điều chỉnh giá dịch vụ công để tiến tới đạt được mục tiêu Quốc hội đã giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng trưởng đề ra là hợp lý và khả thi. Đánh giá chung về xu hướng phát triển của kinh tế 2019, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng xu thế tích cực là chủ đạo. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ khả năng phục hồi của kinh tế thế giới. Nội lực nền kinh tế khá vững chắc sau 3 năm 2016-2018 tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện. Đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta có thể tiếp tục tranh thủ nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy XK, duy trì tăng trưởng hợp lý và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế 2019 cũng như 5 năm 2016-2020.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, kinh tế 2019 sẽ có động lực tích cực là việc Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO. Cùng với 10 hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã ký kết và đang được triển khai, đây sẽ là những cánh cửa quan trọng cho phép chúng ta tiếp cận ổn định và thuận lợi một loạt thị trường quan trọng của thế giới cũng như tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Vẫn băn khoăn về lạm phát

Mặc dù có nhiều ý kiến lạc quan về bức tranh kinh tế 2019 song vẫn có không ít những lo ngại cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra xuất phát từ những khó khăn và diễn biến khó lường của kinh tế thế giới.

Nhìn rộng ra tới cả 2020, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù giai đoạn 2016 - 2018 nền kinh tế tăng trưởng khả quan, với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% đến 7% cho cả giai đoạn 2016 - 2020 vẫn là thách thức rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi, khó lường, có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng XK, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong khi cả XK và đầu tư FDI đang là động lực chính của tăng trưởng. Do đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc xác định các mục tiêu khác, như thu, chi ngân sách, nợ công cần cẩn trọng và cân nhắc kỹ, không nên dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.

Về bức tranh lạm phát, giá cả, với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% thay cho dưới 4% trong năm 2019, việc chuyển từ mục tiêu cứng rõ ràng dưới 4% sang một mục tiêu mềm khoảng 4%, theo đại diện VCCI là một bước lùi trong hoạch định chính sách và hậu quả sẽ khó lường. “Khi Chính phủ không bị ràng buộc bằng một mục tiêu kiềm chế lạm phát cứng thì sự quyết liệt trong việc thực hiện sẽ giảm đi nhiều. Các bộ, ngành sẽ không còn phải cân nhắc nhiều khi đưa ra những đề xuất tăng giá, phá giá, điều chỉnh giá hay đưa ra các sắc thuế mới. Dưới góc độ khác, chuyên gia Lê Đình Ân cho rằng, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% nếu đề ra thì vẫn có thể thực hiện được, nhưng vô hình trung chúng ta chặn đứng kinh tế thị trường. Theo ông Ân, để có lợi cho nền kinh tế thì không nên khống chế ở mức 4% mà nên cân nhắc ở mức 4-4,5% để các mặt hàng được điều hành theo kinh tế thị trường, ví dụ như xăng dầu, học phí, dịch vụ y tế… “Với kinh tế Việt Nam, lạm phát dưới 5% chưa có vấn đề gì, không phải là không ổn định và mức lạm phát dưới 5% không gây đảo lộn gì về các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực tế diễn biến của nền kinh tế có nhiều thay đổi, vì thế không cần phải có chỉ tiêu cứng cho vấn đề này. Các mục tiêu đề ra vẫn có thể điều chỉnh. Trong điều kiện chúng ta vẫn cố gắng kiểm soát lạm phát, tạo ra sức nén lớn thì có thể sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, nền kinh tế sẽ không đuổi kịp theo cơ chế thị trường, trong khi chúng ta đang xây dựng cơ chế thị trường đầy đủ tiệm cần dần với kinh tế thế giới”, chuyên gia Lê Đình Ân nói.

Trước bối cảnh chứa đựng rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít nguy cơ, rủi ro, các chuyên gia nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế 2019 là vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thực chất hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của nền kinh tế cần được cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn, đưa kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng, trong đó, các DN phải cảm nhận được những tín hiệu tích cực thực sự từ môi trường kinh doanh thông qua những nỗ lực thay đổi của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ là những nỗ lực không mệt mỏi của người đứng đầu Chính phủ.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phac-thao-dien-mao-kinh-te-2019.aspx