Phác họa bức tranh ICT Việt năm 2018

Dưới con mắt của các CEO, người đứng đầu các doanh nghiệp ICT tại Việt Nam, năm 2018 hứa hẹn có sự tăng trưởng, phát triển khá mạnh, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở giai đoạn đầu với sự tiên phong của các yếu tố công nghệ, kỹ thuật. Tuy nhiên, những vấn đề về an ninh mạng cũng rất cần sự quan tâm thích đáng…

“Doanh nghiệp thương mại điện tử sẵn sàng tiếp cần xu thế công nghệ 4.0”

Theo ông Trần Trọng Tuyến - CEO Bizweb, bỏ qua những gì đao to búa lớn, năm 2018, xu hướng trong lĩnh vực kinh doanh sẽ có 4 điểm chính: Facebook - Website - Cửa hàng tiếp tục là top 3 kênh bán hàng; Bán hàng trên sàn Thương mại điện tử sẽ tăng trưởng mạnh. Và còn chờ xem, cuộc chơi giữa các ông lớn sàn sẽ rất thú vị; Coi trọng việc đầu tư cho tiếp thị (dự kiến tăng 60% ngân sách so với 2017); Người bán hàng có xu thế chi nhiều hơn cho hệ thống để kiểm soát việc bán hàng đa kênh.

Việt Nam đang có khoảng 2.5 triệu doanh nghiệp và cửa hàng đang kinh doanh bán lẻ, dịch vụ online hoặc offline. Thị trường này chia làm 4 nhóm: Bán Offline - Bán trên Website - Bán trên Mạng xã hội - Bán trên Sàn giao dịch. Người bán hàng trong 4 nhóm này có xu thế dịch chuyển chéo và bán trên nhiều kênh (đa kênh) ngày càng nhiều.

CEO Bizweb Trần Trọng Tuyến.

Thời gian vừa qua chúng ta nghe rất nhiều về khái niệm Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), Dữ liệu lớn (Big data), công nghệ Blockchain (Chuỗi khối), tiền ảo (Bitcoin, Ethereum..)… Một số người tìm hiểu kĩ, một số khác nghe và cũng không quan tâm lắm. Nhưng một điều ai cũng nhận ra rằng năm 2017 là năm mà những khái niệm mới như vậy xuất hiện dày đặc, được nhắc đến rất nhiều. Lý do bởi vì chúng ta đang trong giai đoạn đầu của “Cách mạng công nghiệp 4.0” - CMCN 4.0 và những khái niệm này là những yếu tố, công nghệ, ứng dụng tiên phong đang được xem là cốt lõi của lĩnh vực Kỹ thuật số trong CMCN 4.0. Ngoài Kỹ thuật số, CMCN 4.0 còn diễn ra ở 2 lĩnh vực quan trọng Sinh học (Tạo ra những nhảy vọt trong Nông nghiệp, Y học, bảo vệ môi trường…), Vật lý (Robot, xe tự lái, vật liệu mới….).

Nếu các doanh nghiệp TMĐT không sẵn sàng, đứng ngoài xu thế hoặc chậm chân sẽ có thể chịu những hậu quả nặng nề. Doanh nghiệp bị đối thủ vượt qua, phá sản, quốc gia sẽ chậm phát triển, tụt hậu. Nếu biết đón cơ hội do CMCN 4.0 mang lại, tiềm năng sẽ vô cùng lớn. Với định hướng của DKT, trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big data) sẽ là những mảng mà DKT sẽ đầu tư và phát triển trong năm tới.

Với riêng lĩnh vực bán hàng online, bên cạnh những shop nhanh nhạy trong thời cuộc, biết tận dụng công nghệ để kinh doanh hiệu quả hơn thì cũng sẽ có những shop thiếu may mắn hơn có kết quả dậm chân tại chỗ hoặc thâm chí còn đi lùi. Đó là điều đương nhiên vì thương trường cũng như chiến trường vậy, có kẻ thắng thì cũng ắt sẽ có người thua. Tuy nhiên, bán hàng online năm 2018 chắc chắn sẽ có khởi sắc hơn so với 2017. Người dùng sẽ thanh toán online nhiều hơn, người bán sẽ tận dụng bán hàng đa kênh để tăng tối đa hiệu quả.

“Thị trường bán lẻ điện máy, điện thoại sẽ tiếp tục sôi động”

Theo ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, trong năm 2018 này, chắc chắn thị trường bán lẻ điện máy, điện tử, di động vẫn sẽ tiếp tục sôi động. Những người hăm hở gia tăng thị phần nếu có cơ hội mua lại một chuỗi khác với một giá trị phù hợp. “Với riêng Thế giới di động, việc mua bán sáp nhập vẫn sẽ là một hướng đi lớn trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ làm việc đó nếu có cơ hội” - ông Trần Kinh Doanh cho hay.

Ông Trần Kinh Doanh - CEO công ty Cổ phần Thế giới di động.

Được biết, mục tiêu “kỷ lục” đã được HĐQT của Thế Giới Di Động thông qua cho năm 2018 là 86.390 tỷ đồng, theo đó trở thành một trong những công ty bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam.

An toàn thông tin mạng tiếp tục nóng

Năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng, tương đương 540 triệu USD, vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm ngoái. Kết quả này được đưa ra từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện vào tháng 12/2017. Mức thiệt hại tại Việt Nam đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ở các nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, tội phạm mạng gây ra tổng thiệt hại lên tới 200 tỷ USD mỗi năm. Bức tranh toàn cảnh về an ninh mạng tại Việt Nam trong năm qua còn có các điểm nóng: gia tăng tấn công trên thiết bị IoT, các công nghệ sinh trắc học mới nhất liên tục bị qua mặt, bùng nổ tin tức giả mạo, mã độc đào tiền ảo.

Chuyên gia an ninh mạng của BKAV nhận định, năm 2018 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ các cuộc tấn công phát tán mã độc nhằm thu lợi bất chính như mã độc mã hóa tống tiền ransomware, mã độc đào tiền ảo… Chuyên gia Bkav dự đoán, bên cạnh việc phát tán mã độc để tạo ra mạng lưới botnet đào tiền ảo, hacker cũng sẽ nhắm mục tiêu tấn công trực tiếp vào các sàn giao dịch tiền ảo. Hiện nay hầu hết các sàn giao dịch tiền ảo đều không có sự đảm bảo từ các chính phủ, do vậy nếu xảy ra tấn công, người tham gia sàn giao dịch sẽ chịu mọi rủi ro, mất tiền.

Facebook tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi lừa đảo và tin tức giả mạo. Tấn công vào thiết bị IoT sẽ có xu hướng cài đặt phần mềm gián điệp nằm vùng, thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT mang màu sắc chính trị.

Hiền Mai

Nguồn Nhân Dân: http://vnmedia.vn/cong-nghe/201802/phac-hoa-buc-tranh-ict-viet-nam-2018-595008/