Phá vỡ kênh tăng giá, giá vàng sẽ đi về đâu?

Đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh đã khiến giá vàng lao dốc mạnh trong những phiên giao dịch vừa qua.

Tuần này, giá vàng miếng SJC đã giảm từ mức 36,69- 36,86 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,60- 36,70 triệu đồng/lượng.

Sau khi mở cửa tuần này ở mức 1.333USD/oz, giá vàng quốc tế đã dao động trong biên độ 1.315- 1.335USD/oz, giảm gần 1,5% tính đến phiên giao dịch ngày 27/4. Sở dĩ giá vàng giảm mạnh là do đồng USD đã tăng khá mạnh trong thời gian qua. Chỉ số USD-Index đã tăng khoảng 2,5% trong hơn 1 tuần qua, hiện đang ở mức 91,34 điểm. Trong khi đó, những lo ngại về nợ chính phủ liên bang Mỹ gia tăng (hiện đã vượt ngưỡng 21 nghìn tỷ USD) và áp lực lạm phát đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát do giá dầu tăng liên tục trong thời gian qua, đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mức 3% trong phiên giao dịch hôm qua.

Áp lực lạm phát gia tăng sẽ buộc Fed phải đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất trong thời gian tới, không ngoại trừ cơ quan này sẽ tăng thêm khoảng 3 lần lãi suất nữa trong năm nay. Theo khảo sát của CME FedWatch, hiện khả năng Fed tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 5 sắp tới đang ở mức 93,3%, tăng khá mạnh so với mức kỳ vọng ở tuần trước.

Trong khi đó, tình hình địa chính trị ở một số điểm nóng, như Syria, bán đảo Triều Tiên,… đã lắng xuống. Trong đó, sáng sớm nay Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức tham dự Hội nghị thưởng đỉnh liên Triều cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Hội nghị này, cộng với tuyên bố của ông Kim Jong-un về việc ngừng thử vũ khí hạt nhân và đóng cửa các địa điểm thử hạt nhân, đang được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và có thể thống nhất 2 miền Triều Tiên trong tương lai. Những diễn biến tích cực này đã làm giảm đáng kể nhu cầu mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư.

Ông Rob Haworth, chuyên gia phân tích cao cấp của Công ty quản lý quỹ ngân hàng Mỹ, cho rằng, lãi suất thực có xu hướng tăng và USD mạnh hơn đang khiến giá vàng chịu áp lực mạnh trong ngắn hạn. “Nếu xu hướng này tiếp diễn, thì giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong tháng 5 sắp tới”, ông Rob Haworth dự báo.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng giá vàng cũng khó giảm sâu, bởi nhu cầu vàng vật chất ở vùng giá xoay quanh mức 1.300USD/oz hiện vẫn còn khá lớn. “Nếu giá vàng giảm xuống vùng 1.310- 1.315USD/oz, sẽ làm gia tăng đáng kể nhu cầu vàng vật chất, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Peter Fung, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Wing Fung Precious Metals tại Hồng Kông nhận định.

Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang tiếp tục điều chỉnh. Điều đáng bi quan đối với xu hướng giá vàng ngắn hạn là hiện giá kim loại quý này đã bị đẩy xuống dưới kênh tăng giá trên biểu đồ ngày và dưới cả đường trung bình động 100 ngày. Theo đó, nếu giá vàng xuống dưới mức 1.315USD/oz, thì có thể sẽ tiếp tục xuống tới 1.301USD/oz. Dưới mức này sẽ là vùng 1.376- 1.385USD/oz. Trong khi đó, vùng kháng cự mạnh vẫn đang ở 1.336- 1.357USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã lao đốc khá mạnh trong tuần này theo đà giảm của giá vàng quốc tế. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã giảm từ mức 36,69- 36,86 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,60- 36,70 triệu đồng/lượng, giảm 90.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 160.000đ/lượng ở chiều bán ra. Sáng nay, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 36,64- 36,73 triệu đồng/lượng.

Đáng lưu ý, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã tăng lên đáng kể, hiện ở mức 520.000đ/lượng, do đà giảm của giá vàng quốc tế khá chậm so với giá vàng quốc tế. Do đó, mặc dù giá vàng miếng SJC đã giảm khá mạnh thời gian qua, nhưng nhu cầu vàng vật khá trầm lắng, chưa có sự tăng đột biến nào.

Ngọc Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/pha-vo-kenh-tang-gia-gia-vang-se-di-ve-dau-128343.html