Phá trạm phát sóng Bạch Mai: Buộc trả lại hiện trạng

Cơ quan chức năng yêu cầu Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa trả lại hiện trạng trạm phát sóng Bạch Mai.

Chiều ngày 14/2/2020, trao đổi với Đất Việt, ông Đinh Đức Hiếu - Phó Chủ tịch UBND P. Đồng Tâm, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho biết: "Theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo thành phố, chúng tôi đang làm văn bản gửi tới Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa - doanh nghiệp quản lý trạm phát sóng Bạch Mai phải hoàn trả lại hiện trạng như trước khi đơn vị tiến hành phá dỡ vào ngày 9/2".

Do văn bản này đang trong quá trình thực hiện, gửi tới Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa nên phía cơ quan chức năng chưa nhận được ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp này.

Khu nhà một tầng trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ nham nhở ngay trước ngày UBND TP. Hà Nội có quyết định lập hồ sơ xét duyệt công trình văn hóa cấp thành phố.

Khu nhà một tầng trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ nham nhở ngay trước ngày UBND TP. Hà Nội có quyết định lập hồ sơ xét duyệt công trình văn hóa cấp thành phố.

"Hiện chúng tôi vẫn đang túc trực, bảo vệ hiện trạng của công trình. Đồng thời yêu cầu Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa phải chịu trách nhiệm toàn bộ những thay đổi của trạm phát sóng Bạch Mai" - Phó Chủ tịch UBND P. Đồng Tâm nói.

Trước đó, theo thông tin từ UBND P. Đồng Tâm cung cấp cho báo Đất Việt, ban lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa đã tự ý cho công nhân phá dỡ trạm phá sóng Bạch Mai ngay trước hôm Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở VHTT&DL lập hồ sơ xét duyệt đây là công trình văn hóa cấp thành phố.

Trạm phát sóng Bạch Mai chính là nơi đầu tiên phát đi Bản tuyên ngôn độc (năm 1945) và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946). Một phần diện tích trạm phát sóng Bạch Mai phạm vào dự án xây dựng đường vành đai 2 trên cao.

Tuy nhiên, chủ trương của cơ quan chức năng TP. Hà Nội là giữ lại công trình này để bảo tồn văn hóa. Ý kiến đó đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà chuyên môn.

Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành đền bù cho Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa. Theo quy định thì sau khi nhận tiền đền bù, doanh nghiệp phải bàn giao lại công trình này cho UBND TP. Hà Nội.

Cảnh tan hoang của trạm phát sóng Bạch Mai sau ngày 9/2/2020.

Thế nhưng bất ngờ ngày 9/2, Công ty CP Xây dựng Thương mại dịch vụ văn hóa lại cho người phá dỡ một phần công trình mà không xin ý kiến chính quyền địa phương trước khi thực hiện.

Trao đổi với báo chí, một nhân viên của Công ty cổ phần Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa (đơn vị quản lý tòa nhà này) cho biết công ty không nhận được bất cứ văn bản chỉ đạo không đập bỏ tòa nhà này từ chính quyền địa phương mà chỉ có các văn bản trước đó giục phải đập một gian phạm vào dự án đường trên cao trước ngày 31/12/2019.

"Tiện lúc họ bắt phá một gian này thì mình phá luôn thể", người này nói.

Ông cho biết mảnh đất của công ty đã được quy hoạch cho xây nhà cao không quá 46m, hơn một năm qua công ty này đã nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng và "chỉ còn đợi giấy phép xây dựng là đập hết để xây, trước sau cũng đập bỏ".

Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu - bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam nói rằng, việc chủ công trình đập bỏ tòa nhà trạm phát sóng Bạch Mai cho thấy "họ đã đặt lợi ích của đơn vị cao hơn lợi ích cộng đồng", bởi nguồn lợi kinh tế thu được là quá lớn cho chủ công trình từ việc phá dỡ để xây nhà cao tầng.

Đã quan sát công trình bị phá dỡ, kiến trúc sư Lân cho rằng việc khôi phục hình dáng của tòa nhà này không khó nhưng vì giá trị nguyên gốc ở những vị trí bị phá dỡ đã không còn nên công trình cũng bị giảm giá trị tổng thể.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/pha-tram-phat-song-bach-mai-buoc-tra-lai-hien-trang-3396905/