Phá thế 'hợp điểm' của địch

Trận đánh then chốt trong Chiến dịch Sa Thầy tại điểm C, D thuộc xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) diễn ra thắng lợi từ ngày 11 đến 22-11-1966 là một trong những trận đánh điển hình làm phá sản chiến thuật 'trực thăng vận', đổ quân 'nhảy cóc', đánh vào bên sườn, phía sau, hình thành thế 'hợp điểm', tiến tới tiêu diệt chủ lực ta của quân Mỹ.

Trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn, 8 đại đội Mỹ và 5 đại đội ngụy; loại khỏi vòng chiến đấu 2.410 tên (2.000 tên Mỹ); bắn rơi 20 máy bay, phá hủy 20 khẩu pháo, 12 xe quân sự; góp phần đánh bại cuộc hành quân Paule Rivere 4 của Sư đoàn 4 Mỹ.

Để có thắng lợi của trận đánh là do ta đã nghiên cứu kỹ địch và địa hình, vận dụng linh hoạt phương châm “đánh điểm, diệt viện”; chủ động tạo lập thế trận, khéo lừa dụ địch. Bộ tư lệnh Chiến dịch Sa Thầy đã lựa chọn khu C, C1 làm nơi để đánh trận then chốt. Bởi nơi đây nằm sâu trong hậu phương của ta. Địa hình đồi, núi cao xen kẽ rừng cây rậm rạp, kín đáo và nhiều khe suối đan xen, tạo thành những vật cản phức tạp; rất thuận lợi cho giữ được bí mật cơ động, bố trí lực lượng, xây dựng công sự, trận địa; giúp áp sát địch, phát huy sở trường đánh gần, đánh đêm. Ngoài ra còn có LLVT địa phương khá mạnh, tiện cho phối hợp, tạo lập thế trận rộng khắp, đánh địch cả trước mặt và sau lưng, tiến tới đẩy địch vào thế bị động. Đồng thời, ta dự kiến nhiều tình huống để vận dụng phù hợp chiến thuật đánh trận then chốt. Trong thực hành tác chiến, lực lượng của ta đã vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu để tiêu diệt địch, như: Đánh địch tạm dừng là chủ yếu, đánh địch liên tục, liên hoàn; tập kích địch có hỏa lực chuẩn bị trước, khi đội hình của địch chưa ổn định, công sự, vật cản còn sơ sài.

Sơ đồ tác chiến trong trận đánh then chốt Chiến dịch Sa Thầy (tháng 11-1966).

Trong trận đánh này, bộ đội ta liên tục chớp thời cơ, áp dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu: Bao vây, đánh gần, đánh đêm, thọc sâu, chia cắt… để tiêu diệt địch. Cụ thể, khi 1 tiểu đoàn bộ binh, 2 đại đội pháo cối (Sư đoàn 4 Mỹ) và 2 đại đội biệt kích ngụy đổ bộ xuống khu vực C1 và Điểm cao 289 thì đã bị các đơn vị của Trung đoàn 88 và Trung đoàn 66 của ta bao vây, đánh chặn liên tục, khiến chúng bị chia cắt, co cụm thành nhóm không “hợp điểm” được. Tiểu đoàn pháo cối 32 bất ngờ bắn tập trung vào các mục tiêu chủ yếu nên đã tiêu diệt ngay sở chỉ huy Tiểu đoàn 2 Mỹ, cùng với các cụm hỏa lực pháo của địch. Lợi dụng trời tối, địch lại đang hoang mang, bộ binh ta từ nhiều hướng, mũi nhanh chóng xung phong, chia cắt địch ra từng bộ phận, áp sát, đánh gần, kết hợp chặt chẽ với thọc sâu tiêu diệt. Chỉ trong vòng 9 giờ, lực lượng địch tại đây cơ bản đã bị ta tiêu diệt, chỉ còn số ít thoát thân bằng trực thăng.

Sau chiến thắng của trận Ia Đrăng (tháng 11-1965), trận đánh then chốt trong chiến dịch Sa Thầy một lần nữa khẳng định chủ lực của ta trên chiến trường Tây Nguyên hoàn toàn có khả năng đối chọi với quân Mỹ và làm thất bại chiến thuật “trực thăng vận” với thủ đoạn “nhảy cóc”, hình thành thế “hợp điểm” trên nền hỏa lực mạnh, sức cơ động nhanh mà chúng vẫn thường khoe khoang.

MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/pha-the-hop-diem-cua-dich-540455