Phá thai: Chữ 'A' màu đỏ

Vera Drake là một người phụ nữ lớn tuổi nhân hậu. Bà chăm sóc chồng con, chăm sóc mẹ già, chăm sóc cả một cậu hàng xóm ốm yếu không gia đình. Ngôi nhà của bà nghèo nhưng hạnh phúc...

Bà kiếm tiền bằng cách đi lau dọn cho một gia đình giàu có. Những khi có thời gian, bà thu xếp tới giúp những phụ nữ trót mang thai ngoài ý muốn. Nói theo đúng ngôn ngữ luật pháp, bà thực hiện việc phá thai bất hợp pháp. Nhưng, khi bị cảnh sát bắt, người phụ nữ ấy nói trong nước mắt rằng bà chỉ đang “giúp các cô gái khi họ cần”. Bà không lấy một xu nào trong hai mươi năm hành nghề ấy. Bộ phim “Vera Drake” của Mike Leigh giành giải Sư tử vàng ở Liên hoan Phim Venice năm 2004.

Mặc dù “Vera Drake” lấy bối cảnh ở London năm 1950 khi phá thai còn bị coi là tội hình sự, nhưng có lẽ nó vẫn đúng ở mọi nơi, vào mọi thời điểm. Trong tiểu thuyết “Chữ A màu đỏ” của Nathaniel Hawthornes, thiếu phụ Hester vì sinh ra một đứa con ngoài giá thú và bị trừng phạt bằng cách thêu một chữ A đỏ thắm trên ngực áo, như dấu hiệu của kẻ có tội. Giờ đây, người ta đã dần bình thường hóa những người mẹ đơn thân như nàng Hester, nhưng việc một phụ nữ phá thai vẫn bị coi là điều cấm kỵ. Ta đơn giản là tránh nhắc tới chuyện này, bất kể phá thai vì nguyên nhân gì.

Bác sĩ và y tá ở cơ sở phá thai lớn nhất nước Mỹ tại thành phố Houston trong ngày phán quyết Roe v. Wade bị lật ngược. Ảnh: The New Yorker

Bác sĩ và y tá ở cơ sở phá thai lớn nhất nước Mỹ tại thành phố Houston trong ngày phán quyết Roe v. Wade bị lật ngược. Ảnh: The New Yorker

Khi phán quyết lật ngược án lệ Roe v. Wade ở Mỹ được đưa ra vào tháng 6-2022, qua đó quyền phá thai của phụ nữ không còn được coi là quyền hợp hiến, ở một cơ sở phá thai lớn bậc nhất ở Mỹ đặt tại thành phố Houston, các phóng viên chụp được ảnh những y tá và bác sĩ ôm đầu choáng váng và đau khổ. Không hẳn vì họ có thể mất đi công việc nuôi sống gia đình mình, mà vì hơn ai hết, họ hiểu tại sao những người phụ nữ tới đây.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày trên thế giới có 125.000 vụ phá thai. Nghĩa là, khi tôi viết xong câu này, ước chừng một phút, thì ở những góc vừa gần mà cũng vừa xa nào đó, đang có khoảng 86 người phụ nữ bước vào bệnh viện hay một cơ sở y tế chui nào đó, làm thủ thuật lấy bào thai trong bụng mình ra. Nói riêng ở Mỹ thì cứ 4 phụ nữ lại có 1 phụ nữ từng phá thai. Con số này trên thế giới chưa thật rõ ràng, nhưng giả sử như tỷ lệ ấy có ít đi 5 lần, thì nó vẫn rất đáng kể. Bạn thử đếm xem, hằng ngày bạn gặp bao nhiêu người phụ nữ trên đường?

Bất chấp nhu cầu phá thai lớn tới vậy, phá thai vẫn là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong triết học đạo đức sinh học (bioethics). Có 2 trường phái quan điểm chính về phá thai: Một bên là những người đấu tranh cho quyền sống (những người chống phá thai), và một bên là những người đấu tranh cho quyền lựa chọn (những người ủng hộ cho phép phá thai). Quan điểm về phá thai không chỉ là quan điểm về một vấn đề xã hội, nó là quan điểm về việc làm một con người có nghĩa là thế nào, một bào thai có phải là con người hay không, hoặc tới thời điểm nào thì nó là một con người.

Với những người đấu tranh cho sự sống, một luận điểm mà họ đưa ra là: Khi ta giết một người là ta lấy đi tất cả tương lai và những gì đáng lẽ đã có thể diễn ra trong đời sống của người ấy. Vậy thì nạo phá thai cũng là lấy đi tương lai, những cơ hội và những khả thể của bào thai đó. Nạo phá thai, vì vậy, trầm trọng ngang tội giết người. Những người đấu tranh cho quyền được lựa chọn lại đặt ra câu hỏi: Vậy tương lai của người mẹ thì sao? Chẳng lẽ tương lai của cô ấy không quan trọng? Trong phần lớn trường hợp, những phụ nữ buộc phải phá thai là vì cuộc đời sẽ đóng sập lại trước mắt cô khi đứa trẻ không mong muốn ra đời.

Những người đấu tranh cho quyền lựa chọn cũng vin vào một trong những phạm trù quan trọng của đạo đức sinh học: Quyền tự chủ (autonomy). Khi ông tôi phẫu thuật một khối u trong dạ dày, người ta yêu cầu ông tôi và gia đình phải ký vào biên bản chấp nhận đồng ý phẫu thuật và cả những rủi ro của nó. Phần lớn chúng ta sẽ nghĩ bệnh viện đang muốn đổ trách nhiệm lên đầu bệnh nhân, vì chúng ta là bệnh nhân, chúng ta chỉ có thể tin vào lời khuyên của bác sĩ chứ chúng ta biết làm gì được. Nhưng, tờ biên bản đó thực chất là dấu hiệu của văn minh đạo đức sinh học, nó tin rằng chỉ chính mỗi người mới có quyền ra quyết định cho cơ thể mình. Ngay cả những lời khuyên của một chuyên gia cũng không thể thấu đáo những cảm nhận, trực giác mà bạn có đối với bản thân, không ai có quyền ép buộc bạn làm bất cứ điều gì. Bạn có toàn quyền với con người mình. Vậy thì một phụ nữ phá thai, có lẽ cô cũng nên có quyền với chính cô?

Triết gia Judith Jarvis Thomson từng đưa ra một thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng. Cô tưởng tượng về một thế giới song song, khi đó bạn tỉnh dậy và bỗng nhiên thấy trong cơ thể mình có một tay nghệ sĩ violin đang cư trú ở đó, người này chỉ có thể tồn tại khi gắn liền với cơ thể của bạn, nếu tách anh ta ra, anh ta sẽ chết. Triết gia Thomson lập luận rằng, mặc dù tay nghệ sĩ có quyền được sống nhưng không có nghĩa anh ta có quyền được nhận sự hỗ trợ để sống từ một người khác. Điều đó cũng gần giống với việc hiến tạng. Hiến tạng là một hành động nhân ái nhưng không ai có nghĩa vụ phải hiến tạng, dù là hiến tạng cho người thân yêu. Sự toàn vẹn cơ thể của bạn được tôn trọng hoàn toàn nếu bạn muốn.

Dẫu vậy, những người ủng hộ quyền được sống của các bào thai vẫn chưa hài lòng với lập luận này, bởi ta không có quyền quyết định được việc bỗng nhiên có một người thân cần hiến tạng, nhưng nhìn chung ta có quyền quyết định được việc mang thai. Những người này cho rằng, khi đã đồng ý quan hệ tình dục thì có nghĩa là người phụ nữ đã ngầm hiểu rằng mình có thể mang thai. Song, điều này dẫn tới một mâu thuẫn khác: giả sử cô A mang thai ngoài ý muốn dù đã dùng biện pháp tránh thai, còn cô B mang thai vì không sử dụng phương pháp tránh thai. Liệu hoàn cảnh của cô A có thể khiến việc phá thai của cô “được biện minh” hơn cô B hay không, khi hai bào thai về mặt sinh học chẳng có gì khác nhau? Và làm thế nào để ta biết đâu là người đã dùng phương pháp tránh thai nhưng vẫn có thai?

Hình ảnh gây sốt về bào thai voi trong bụng mẹ.

Một vấn đề nữa mà quyền tự chủ gặp phải là nếu phụ nữ có thể quyết định việc mình có muốn làm mẹ hay không thì người cha có được quyền quyết định anh có muốn làm cha hay không? Vai trò của người cha ở đâu? Hay ta phải chấp nhận rằng không thể có sự bình đẳng này?

Những tranh luận về phá thai càng trở nên phức tạp hơn khi bào thai lớn dần lên trong bụng. Gần đây, những nhà khoa của tạp chí National Geography đã thực hiện một bộ ảnh siêu âm của những loài sinh vật như voi, sư tử, cá heo, ngựa,... khi còn trong bụng mẹ. Bộ ảnh được chia sẻ rộng khắp trên internet vì độ dễ thương của chúng. Các bào thai khi còn nằm trong tử cung cũng gần như một phiên bản mini của bố mẹ chúng vậy. Những người ủng hộ quyền được sống cũng thường lấy hình ảnh các em bé gần như đã phát triển thành hình trong dạ con để khẳng định phá thai là một tội ác. Vậy từ thời điểm nào một bào thai trở thành một con người thực thụ?

Một trong những nhà trí thức lớn nhất của Australia, triết gia đạo đức Peter Singer, cho rằng ông có quan điểm trung lập với việc nạo những bào thai trước khoảng 22-24 tuần tuổi. Nhưng, sau đó thì không. Bởi từ thời điểm này, bào thai bắt đầu phát triển những cơ quan thụ cảm có thể cảm nhận nỗi đau và điều này đánh dấu việc phát sinh những nghĩa vụ đạo đức của chúng ta đối với bào thai ấy. Nó bắt đầu biết đau, nó bắt đầu cảm nhận được nỗi đau, gây đau đớn cho một sinh vật, dù có thể chưa phải người hoàn chỉnh, là sai trái.

Triết gia David Boonin lại tin rằng điểm mốc quan trọng là từ tuần 25-32, khi bào thai bắt đầu có synapse thần kinh và nếu dùng điện não đồ, ta sẽ thấy nó xuất hiện những sóng não như chúng ta, tức là nó đã có khả năng suy nghĩ, tri nhận và hẳn nó phải có khao khát muốn sống - như mọi sự sống trên thế gian này đều có bản năng ấy.

Nhưng, cũng có người cho rằng, ngay khi trái tim của bào thai bắt đầu thành hình từ rất sớm (khoảng 4-6 tuần tuổi), khi nó chuyển từ phôi sang bào thai (khoảng 9-10 tuần tuổi), hay khi nó bắt đầu cử động (khoảng 16-18 tuần tuổi), đã là điểm mốc xác nhận chúng có quyền của một con người rồi. Cứ cho rằng quyền được sống của phôi hay bào thai là quyền chính đáng, nhưng chính xác là từ lúc nào? Liệu có cần phải đợi tới khi bào thai biết cảm nhận cơn đau mới nên cấm nạo thai, hay chỉ cần có tim thai là đã đủ để cấm? Một trong những bảng hiệu chống phá thai ở Mỹ đã viết thế này: “Một ca nạo phá thai khiến một trái tim ngừng đập”, nhưng trái tim ấy đã đủ được gọi là một con người chưa? Nó đâu đã biết nghĩ. Không ai trả lời đoan chắc được cả.

Trong “Vera Drake”, khi Vera ra tòa, tất cả những phụ nữ từng được bà giúp đỡ phá thai đều từ chối ra làm chứng nhân cách cho bà, dù họ đều gửi lời cảm ơn chân thành và chúc may mắn tới bà. Không ai muốn đứng trước công luận và nói rằng họ đã từng phá thai. Đó sẽ là một vết nhơ. Điều tuyệt vời nhất của bộ phim ấy nằm ở chỗ, Vera Drake quá tử tế, ai cũng nói bà có một trái tim vàng. Nhưng, vì có một trái tim vàng, bà mới giúp phụ nữ phá thai. Bà là kẻ giết người ư? Hay bà đã cứu người?

Trong mắt những bệnh nhân, bà đã cứu cả đời họ. Trong mắt pháp luật và công luận, bà phạm phải tội ác tày đình suốt 20 năm. Chỉ dịch đi một chút góc nhìn, nhưng đã thành hai câu chuyện khác. Có lẽ người ta sẽ không bao giờ đạt được sự đồng thuận hoàn toàn về việc phá thai là đúng hay không đúng, chỉ xin nhớ rằng, ngay cả khi một ai đó đứng về phía quyền lựa chọn, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc người đó ủng hộ phá thai, người đó vẫn có thể cho rằng việc bạn mình phá thai ở tuần thứ 9 vì cô nghĩ phải tuần thứ 22 nó mới thành một con người là sai trái, nhưng người đó chấp nhận rằng người bạn ấy cũng là một người có năng lực nghĩ suy về đạo đức, y như mình. Nếu như chúng ta thật sự tin rằng đến một bào thai cũng biết nghĩ suy, vậy thì tại sao lại phủ nhận quyền được nghĩ suy của một người phụ nữ?

Hiền Trang

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/pha-thai-chu-a-mau-do-i660332/