Pha tạp ngôn ngữ Việt

'Ok (đồng ý) hay không thì mày nhớ confirm (xác nhận) cho người ta nha'; 'giao đứa nào set up (sắp xếp) vụ này ngay và luôn đi chứ hứa rồi bỏ đó không hà'; 'go now (đi ngay), mà free (miễn phí) thiệt hả?'; 'nay được ở nhà full (cả) ngày'… Đó là vài trong số những câu Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta mà giới trẻ Việt đang sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Những câu từ nửa Tây nửa ta đầy rẫy trên mạng xã hội và trong cuộc sống

Nửa Tây nửa ta

Vừa bước vào khu vui chơi trẻ em trong một trung tâm thương mại tại quận 11 (TPHCM), mẹ con chị Nguyễn Thanh Mai (quê Vĩnh Long) được nhóm nhân viên niềm nở giới thiệu: “T.N. xin chào! Để các bé có một mùa hè thật bổ ích, ngoài các chương trình training kỹ năng sống, hiện T.N. còn có thêm chương trình Hello Summer với nhiều trò chơi hấp dẫn. Các bé có nhu cầu tham dự Hello Summer, mời phụ huynh đưa cháu qua bên kia check in…”. Nhân viên liên tục sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với phụ huynh khiến chị Mai vô cùng lúng túng.

Chị Mai tâm sự: “Tui lên thành phố có việc nên tiện thể đưa tụi nhỏ vào khu vui chơi cho biết. Thiệt tình, tìm được khu vui chơi đã khó mà mấy cô cậu nhân viên trẻ hướng dẫn ưa dùng tiếng nước ngoài làm tui đổ mồ hôi hột. Tính hỏi lại mà mắc cỡ nên má con tui đi tới đi lui hoài, mãi hồi sau có người thấy vậy nên kêu tui ra cổng phía trước đóng tiền rồi chỉ chỗ này chỗ kia. Giá mà nhân viên hướng dẫn bằng tiếng Việt thì tui đâu phải lúng túng đến vậy”. Trường hợp của chị Mai không hiếm, bởi ngày nay, sự pha tạp giữa tiếng nước ngoài với tiếng Việt được sử dụng ở nhiều nơi, trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên hoặc giới trẻ làm văn phòng.

Nếu để ý sẽ thấy, trên các trang mạng xã hội và trong đời sống thường nhật, giới trẻ sử dụng ngôn ngữ nửa Anh nửa Việt trong mọi tình huống. Từ các cuộc trò chuyện phiếm, bình luận vô thưởng vô phạt đến những cuộc trao đổi mang tính chất công việc, người trẻ đều sử dụng ngôn ngữ xen cài một cách rất tự phát. Đặc biệt, trong những năm gần đây, mỗi khi có dòng trạng thái đăng tin buồn về sự ra đi của ai đó, ngay bên dưới phần bình luận xuất hiện các dòng chữ R.I.P mà người trẻ dùng để chia buồn. Với văn hóa người Việt, không ít người cho rằng, dòng chữ gọn lỏn ấy như một sự chia buồn gượng ép, vô cảm. “Không ai ép ai phải chia buồn và nếu có tâm thì hãy chia buồn một cách thiện chí, đừng vì trào lưu mà buông từ “R.I.P”. Nó hoàn toàn không phù hợp với văn hóa người Việt”, chị Thu Hương (ngụ quận 2) bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, ngôn ngữ pha tạp cũng rất phổ biến trong cộng đồng người trẻ khởi nghiệp. Vẫn biết trong quá trình khởi nghiệp, các bạn trẻ phải tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn, nên họ “cài” ngôn ngữ nước ngoài vào trong câu chuyện như một thói quen. Thế nhưng, chính sự pha tạp ngôn ngữ đang làm tiếng Việt dần bị méo mó, biến dạng và chức năng truyền đạt thông tin thiếu tính chuẩn xác.

Tiên trách kỷ hậu trách nhân

Pha tạp ngôn ngữ một phần vì quen miệng nhưng cũng không ít người cố tình xen cài tiếng nước ngoài vào ngôn ngữ mẹ đẻ để “ra oai” về trình độ ngoại ngữ của mình. Không ít diễn đàn từng lên tiếng phản đối tình trạng pha tạp ngôn ngữ và nhận được những phản ứng gay gắt hơn từ phía trẻ. Trương Thị Hà My (21 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè), phản ứng: “Nhiều người cho rằng người trẻ chúng tôi nói tiếng mẹ đẻ chưa rành rẽ nhưng học đòi nói nửa tiếng Tây nửa tiếng ta, nghe chẳng giống ai. Vậy sao trên đài truyền hình, trên báo, trong sách, người ta cũng sử dụng đầy đó thôi, sao không ai phản đối?”.

Quả thực, ngôn ngữ pha tạp không mới, từ hàng chục năm trước đã trở thành trào lưu mà có lẽ khởi xướng từ những bài hát trên thị trường nhạc trẻ Việt. Thời điểm khởi đầu, giới trẻ ngây ngất với ca từ nửa Tây nửa ta ở Nụ hôn bất ngờ của Mỹ Tâm, Tình bạn của Phương Uyên, Please tell me why của Bảo Thi hay mới đây, bài hát Chạm đáy nỗi đau của Mr Siro còn có tận 3 ngôn ngữ, trong đó gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc. Thậm chí, không ít nghệ sĩ chạy theo trào lưu ấy mà pha tạp ngay cả nghệ danh của mình, nào là Noo Phước Thịnh, Angela Phương Trinh, Elly Trần, Only C… Kiểu câu từ “nửa nạc nửa mỡ” ấy được giới trẻ tiếp nhận và ngày càng phát triển, lan rộng nên không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà hiện trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Cũng không phải nói đâu xa, pha tạp ngôn ngữ còn xuất hiện đầy rẫy trên truyền thông ở nước nhà. Trên đài truyền hình, báo, người ta mặc nhiên sử dụng từ MC (Master of Ceremonies) thay cho từ người dẫn chương trình; idol thay cho thần tượng; những hot boy, hot girl, hot mom… Hay chỉ cần bước ra đường phố, đập vào mắt người nhìn là những bảng hiệu nửa chữ nước ngoài, nửa chữ Việt, những hotline thay vì đường dây nóng, nhưng vẫn yên vị bao năm nay…

Đặc tính của giới trẻ là sự tiếp thu và bắt chước bất kể điều gì, dù có thể hay, có thể không, họ cũng không mấy quan tâm đến việc đúng, sai, có nghĩa hay vô nghĩa, chỉ cần vui vui, lạ lạ là được. Trong khi đó, nước ta đang hội nhập nên cũng khó tránh khỏi việc giới trẻ sử dụng nhiều ngoại ngữ trong cuộc sống. Tuy nhiên, để ngôn ngữ trở thành phương tiện giao tiếp hiệu quả nhất, tránh gây hiểu lầm, người dùng nên xác định rõ khi nào nói tiếng Việt thì nên nói trọn vẹn, khi nào sử dụng tiếng nước ngoài thì cũng cố gắng cho lưu loát, tránh việc pha tạp các ngôn ngữ, nghe không lọt tai và làm mất bản sắc tiếng Việt.

KHÁNH LY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/pha-tap-ngon-ngu-viet-532223.html