'Phá sâu' kỷ lục vượt trung tuyến giả định, Bắc Kinh khẳng định quyết tâm rắn trước Washington và Đài Bắc

CNN đăng tải, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn mới đây đã cáo buộc Bắc Kinh cố tình làm bùng lên căng thẳng tại Đông Á.

Tuyên bố được đưa ra sau khi các phi cơ chiến đấu của Trung Quốc cuối tuần trước đã bay qua đường trung tuyến giả định trên eo biển phân tách giữa đại lục và hòn đảo - gần 40 lần.

Những lần xâm nhập đến từ nhiều hướng khác nhau và có sự tham gia của máy bay chiến đấu và máy bay thả bom tối tân của quân đội Trung Quốc. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ những năm gần đây và đánh dấu một cột mốc mới trong leo thang căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến không chỉ là một tình huống tại Eo biển Đài Loan mà còn là một tình huống mang tính khu vực. Các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc, đặc biệt trong những ngày qua rõ ràng là một sự đe dọa vũ lực, đồng thời là một phần trong những cuộc công kích bằng lời lẽ cũng như những dọa dẫm quân sự của họ (chống lại Đài Loan)", bà Thái cho biết trong một cuộc họp báo.

Cơ quan phòng thủ Đài Loan cung cấp hình ảnh máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc (ảnh: CNN)

Cơ quan phòng thủ Đài Loan cung cấp hình ảnh máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc (ảnh: CNN)

Động thái gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc diễn ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế, năng lượng và các vấn đề môi trường của Mỹ Keith Krach có chuyến công du tới Đài Bắc. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Mỹ và Đài Loan "ngay lập tức chấm dứt" các trao đổi chính thức.

Không chỉ công khai thể hiện thái độ tức giận trước quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Đài Bắc và Washington, Bắc Kinh còn tăng cường tập trận trên các vùng biển xung quanh Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và thề sẽ sử dụng vũ lực để khẳng định điều đó nếu cần thiết.

Mặc dù không mang tính chính thức nhưng đường trung tuyến giả định vẫn được Bắc Kinh và Đài Bắc coi như đường biên giới kiểm soát giữa đại lục và hòn đảo. Theo các thông tin từ chính quyền Đài Loan và Mỹ, trước dịp cuối tuần vừa qua, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc mới chỉ 3 lần vượt đường trung tuyến một cách có chủ đích kể từ năm 1999: một lần vào tháng 3/2019, một lần vào tháng 2 và một lần trong chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ Alex Azar hồi tháng 8 – cùng trong năm nay.

Theo một thông cáo của cơ quan phòng thủ Đài Loan, hôm thứ Sáu và thứ Bảy, tổng cộng 37 máy bay Trung Quốc gồm các máy bay ném bom H-6, phi cơ chiến đấu J-10, J-11, J-16 và máy bay chống tàu ngầm Y-8 đã bay qua đường trung tuyến.

Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế, năng lượng và các vấn đề môi trường của Mỹ Keith Krach mới có chuyến công du tới Đài Bắc (ảnh: CNN)

Phía Đài Loan đã "phát đi các cảnh báo radio, máy bay đánh chặn và triển khai hê thống tên lửa phòng không để giám sát các hoạt động [của phi cơ Trung Quốc]". Trong bài phát biểu của mình, bà Thái cho hay, động thái trên khiến các nước khác trong khu vực "nhận thức rõ hơn" về thái độ và lập trường của Bắc Kinh.

Ngày 21/9, Trung Quốc tuyên bố các lực lượng của họ đang hoạt động một cách hợp pháp. "Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc vì vậy không có cái gọi là đường trung tuyến", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói.

"Mối đe dọa vũ lực"

Kể từ năm 1949, Mỹ luôn duy trì mối quan hệ gần gũi với Đài Loan. Tuy nhiên, năm sau khi Washington và Bắc Kinh chính thức đặt quan hệ ngoại giao vào năm 1979, Mỹ đều cố gắng tránh cử các quan chức cấp cao tới Đài Bắc để không làm chính quyền Bắc Kinh "phật ý".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tỏ rõ tham vọng và quyết tâm "tái thống nhất" Đài Loan với đại lục, đồng thời từ chối loại bỏ khả năng sử dụng vũ lực.

Trong một thông cáo ngày 18/9, Chiến khu Đông bộ của Giải phỏng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định, các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc là cần thiết trong "bối cảnh hiện tại dọc Eo biển Đài Loan".

Còn tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu cũng đăng tải một bài viết trong đó cáo buộc Mỹ đã "sử dụng con bài Đài Loan" và leo thang "các hoạt động khiêu chiến trên cả lĩnh vực quân sự và ngoại giao". Bài viết dẫn lời một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc chỉ ra, việc PLA triển khai kết hợp các máy bay chiến đấu tương tự như một tình huống giao tranh thực sự và bao gồm các kịch bản đa dạng khác nhau".

"Cuộc tập trận lần này của PLA không phải là một lời cảnh báo mà là một lần tập dượt việc chiếm lấy Đài Loan", một nhà phân tích nhấn mạnh.

Để đáp trả lại những đe dọa ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh, Washington cũng đã tăng cường hợp tác với Đài Bắc như thông qua hợp đồng bán vũ khí (bao gồm các phi cơ F-16 và xe tăng chiến trường M1A1) cũng như cử Bộ trưởng Azar tới hòn đảo vào tháng trước…

Cũng trong ngày 18/9, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, Bắc Kinh đang khiến căng thẳng trong khu vực leo thang. "Các phản ứng gây bất ổn và hiếu chiến của PLA cho thấy một nỗ lực tiếp diễn nhằm thay đổi tình trạng hiện tại và viết lại lịch sử", người phát ngôn John Supple của Lầu Năm góc nêu rõ.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/pha-sau-ky-luc-vuot-trung-tuyen-gia-dinh-bac-kinh-khang-dinh-quyet-tam-ran-truoc-washington-va-dai-bac-20200922094413175.htm