Phá rừng – 'phá' luôn niềm tin

429 hộp gỗ thuộc nhóm 2 đến nhóm 6 với khối lượng gần 97m3 bị phát hiện khai thác trái phép tại khu vực rừng phòng hộ xung yếu ở Quảng Bình đã khiến chúng ta 'giật mình'. Liệu đây là con số cuối cùng và trách nhiệm thuộc về ai?

Lực lượng chức năng kiểm đếm số gỗ bị khai thác trái phép tại Quảng Bình.

Sự việc được phát hiện vào dịp giáp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 bởi Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tuyên Hóa tại khu vực khe Hà Vầy (xã Thanh Hóa) thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa quản lý.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang cho rằng, đây là vụ việc phức tạp, vi phạm nghiêm trọng về luật quản lý, bảo vệ rừng.

Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa đã quyết định khởi tố vụ án về tội “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Có một tình tiết đáng lưu ý, đó là trước khi sự việc được phát hiện thì ông Nguyễn Hữu Sơn – GĐ BQL rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa – đột nhiên “mất tích” khỏi nhiệm sở, tự ý bỏ việc. Trước sự việc trên, UBND huyện đã nhiều lần phát công văn và liên lạc với gia đình triệu tập ông Sơn đến làm việc nhưng không có kết quả. Sau đó, UBND huyện đã ra quyết định thi hành kỷ luật với hình thức “buộc thôi việc” đối với ông Sơn.

Dư luận địa phương cho rằng, nguyên nhân ông Sơn “mất tích” là do có tham gia chơi cờ bạc, lô đề nên dẫn đến nợ nần, mất khả năng chi trả nên bỏ trốn.

Xâu chuỗi lại sự việc, cần phải xem xét công tác quản lý và sử dụng cán bộ tại địa phương, trách nhiệm của lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đến đâu vì đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý rừng phòng hộ bị lỏng lẻo, khiến rừng bị phá nát.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành quy định về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Rõ ràng, đây là vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng và vì vậy phải xử lý nghiêm túc, trong đó tập trung kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong một cuộc họp liên quan đến vấn đề rừng bị tàn phá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù rừng đã được giao trách nhiệm quản lý cụ thể nhưng thực tế đang rơi vào tình trạng vô chủ, “cha chung không ai khóc” nên phải xây dựng cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức để xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, việc bảo kê “lâm tặc” của những người có nhiệm vụ cũng đang diễn ra phổ biến. “Gỗ rừng vận chuyển ngang nhiên chứ có phải cây kim bỏ trong túi đâu mà lực lượng chức năng không biết?” - Thủ tướng nêu rõ.

Vì vậy, với việc phát hiện vụ phá rừng số lượng lớn đang gây “nóng” dư luận tại Quảng Bình, cần sớm làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân; không bao che, dung túng cho sai phạm.

Đừng để lâm tặc phá rừng, rồi “phá” luôn niềm tin của người dân!

LÊ PHI LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/pha-rung--pha-luon-niem-tin-597544.ldo