Phá rừng lấy đất ở Ea Kar: 'Cò' xưng là đệ tử lãnh đạo Công ty lâm nghiệp Ea Kar để bán đất

Theo QĐ số 2211/QĐ-UBND ngày 13/9/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho công ty Công ty Lâm nghiệp Ea Kar 13.888 héc ta đất rừng và đất lâm nghiệp để quản lý nhưng đất đã bị người dân xâm lấn và sau đó giao về cho địa phương 2556,36 héc ta

Tự xưng “đệ tử" của Giám đốc công ty Lâm nghiệp

Ở kỳ 1 xuất bản ngày 20/7, Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) đã phản ánh tình trạng phá rừng nghiêm trọng tại thôn 11 và 13 thuộc xã Cư Yang, huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Nguyên nhân sau xa của việc phá rừng là lấy gỗ bán và lấy đất canh tác.

Từ việc buông lỏng quản lý rừng cho đến đất trống của các đối tượng ghép vào đất rừng liên kết với công ty để chuyển nhượng cho người khác trục lợi bất chính.

Tiếp tục loạt bài phản ánh về vấn đề này, liên tiếp trong các ngày đầu tháng 6/2019 đến nửa tháng 7/2019, PV đã về các xã có diện tích rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar. Trong vai các đại gia mua đất từ Sài Gòn lên chúng tôi đã tiếp cận được với rất nhiều “cò” người môi giới mua đất tại huyện Ea Kar.

Rừng bị buông lỏng quản lý bị phá, giờ là đất trồng cà phê tại thôn 13, xã Cư Yang.

Rừng bị buông lỏng quản lý bị phá, giờ là đất trồng cà phê tại thôn 13, xã Cư Yang.

Theo chân một số người dân địa phương thuộc xã Cư Elang chúng tôi gặp một người tên Trần Văn Q thuộc thôn 1 xã Cư Elang, mọi người hay gọi Trần Văn Q là chúa đất của vùng này. Lúc đầu Q có ý dò xét nhưng khi chúng tôi giới thiệu là mua đất với số lượng vài trăm héc ta để làm trang trại chăn nuôi bò Kobe chất lượng cao và sẵn sàng mua với giá cả hợp lý thì câu chuyện mới được cởi mở.

Lúc đầu, Q cũng chia sẻ cùng tất cả mọi người là ngày trước nhà mình đất rất nhiều cả 40-50 héc ta, nhưng nay đã bán bớt chỉ còn lại chừng hơn 30 héc.

Theo đề nghị của chúng tôi được đi xem đất rồi về phát giá thì Q đồng ý dẫn đi xem ngay. Trên chiếc xe thấy chúng tôi vui vẻ và dễ gần thì Q cũng chia sẻ luôn tại sao bán đất vì Q muốn đầu tư vào lĩnh vực khác.

Vừa lái xe Q vừa nói những ngày đầu quê ở Bình Dương lên 2 vợ chồng và con nhỏ rất khổ, nhờ nhanh nhẹn đi phát rừng lấy đất và cũng dựa vào sự bảo kê của “đại ca” to nhất ngoài công ty mới khai phá được nhiều đất.

Cộng với việc ghép vào đất có chủ là liên kết trồng rừng với công ty cho dễ qua mặt các cơ quan quản lý cao hơn. Thực ra Q cũng thú nhận là một số hộ người đồng bào sau khi nhận đất giao khoán theo diện 135, 187 của Chính phủ sau khi nhận đất cũng chuyển nhượng lại cho Q để Q chuyển nhượng cho người khác.

Lúc này chúng tôi như phân vân về việc đất không có giấy tờ dễ bị công ty thu hồi Q khẳng định mình như anh em ruột với anh Mạnh (Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) nên không ai dám thu. Khu đất Q đang giao bán là có một phần diện tích và cuối năm phải “cúng” cho đại ca Mạnh hết?.

Điều trên Q không chỉ khẳng định một lần mà nhiều lần nhắc đến quyền lợi của ông Mạnh giám đốc công ty trong câu chuyện nói với chúng tôi.

Khu đất rừng giáp đất của Trần Văn Q đã biến thành vườn cà phê

Sát khu đất nhà Q thì có khu đất khoãng hơn 2 héc ta được Q khẳng định của anh Ái nhân viên trong công ty, khu đất đó được phát giá bán là 250-300 triêu/1 héc ta. Ngoài khu đất của Q và Ái ra, còn có 2 khu mỗi khu hơn héc ta đã trồng Cam cho ra quả. Tại nơi sát khu trồng Cao Su của nhà Q thì có khoảng cả 100 héc ta của nhiều người dân trồng cao su nhưng không có giấy tờ gì và ai có nhu cầu mà trả giá cao từ 350 đến 400 đều được đồng ý chuyển nhượng.

Sau khi đi xem khu vực đất của Q chúng tôi thấy đây là một vườn Cao Su cây lớn, hiện tại nhà Q có 2 khu tổng diện tích khoãng 30 héc ta. Về nhà Q cùng vợ đưa cho chúng tôi 4 sổ liên kết trồng và chăm sóc với công ty Lâm nghiệp Ea Kar. Chị vợ còn đon đả mời nước và chia sẻ là có thể gom khu vực xung quanh cả trăm héc ta để bán.

Giấy tờ diện tích vợ chồng Q đưa ra là vậy, trong khi đất liên kết trong hợp đồng với công ty đưa ra chỉ 20 héc ta. Giá cho mỗi héc ta dao động từ 250 đến 300 triệu đồng. Khi mua hai bên sẽ ra công ty làm giấy chuyển nhượng bài bản. Lúc này chúng tôi hẹn sẽ liên lạc lại sau và sẽ quay trở lại sớm để hoàn thành thương vụ này.

Để tìm hiểu thêm về sự việc PV (trong vai đại gia mua đất) đã được người dân hướng dẫn vào Thôn 6, xã Cư Elang gặp Nguyễn Văn Đ. Khi chúng tôi được giới thiệu là những người mua đất số lượng lớn thì Đ đồng ý dẫn đi xem đất ngay. Khu đất Đ dẫn tới thuộc Thôn Vân Kiều, xã Cư Elang có diện tích 60 héc ta, thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Văn Đợi - có diện tích 20 héc ta thôn Vân Kiều và Nguyễn Văn Minh- có diện tích 40 héc ta thuộc thôn 6B xã Cư ELang. Điều đáng chú ý là cả hai nhà giấy tờ liên kết với công ty lâm nghiệp chỉ là 20 héc ta, 40 héc ta là do xâm lấn rừng.

Theo như lời của Đ thì khu đất 20 héc ta của ông Đợi bán 3 tỉ 800 triệu có thương lượng. Còn đất 40 héc ta của ông Minh bán 180 triệu/1 héc ta. Khi thấy chúng tôi phân vân, lo lắng vì không có giấy, sợ công ty lâm nghiệp thu đất thì Đ nói thẳng luôn là đã có sự đồng ý của công ty, và trước sau gì thì đất cũng trả về cho địa phương để làm sổ đỏ cho dân.

Ông Đào Văn S - Thôn 5 xã Cư Yang một "trùm" nhiều đất rừng và môi giới bán đất rừng.

Ở các xã mà có diện tích rừng của công ty lâm nghiệp Ea Kar tồn tại đều có đặc điểm chung là có các “cò” đất lớn. Ai cũng nhận mình có mối quan hệ khăng khít với quyền lợi của anh Mạnh giám đốc công ty lâm nghiệp Ea Kar.

Không tuân thủ quy định của nhà nước về quản lý đất rừng, giao rừng

Khi PV đi thực tế cùng cán bộ công ty Lâm nghiệp Ea Kar một số nơi, điển hình là thôn 6C, xã Cư Elang, khu đất lớn khoãng 3 héc ta nằm sát mặt đường dân sinh là đất của Công ty quản lý. Không hiểu sao lãnh đạo công ty không có văn bản, phương án nào xin UBND tỉnh (Công ty trực thuộc UBND tỉnh quản lý) được phép trồng cây ăn quả trên đất rừng.

Theo một số người dân ở đây thì khu đất này đã được chuyển nhượng cho ông T làm ở Đội QLTT số 3 tỉnh Đắk Lắk đóng tại huyện Ea Kar và hiện ông T đang có ý định chuyển qua tay người khác để mai này khu đất này chuyển về địa phương với giá nhiều tỉ đồng?.

Nhận thấy trong vấn đề quản lý bảo vệ rừng, liên kết với dân và giao đất theo Nghị định 135 của Chính phủ với công ty Lâm nghiệp Ea Kar có vấn đề, chúng tôi đã đăng ký làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Ea Kar và Công ty Lâm nghiệp Ea Kar.

Trụ sở Công ty lâm nghiệp Ea Kar nơi để xảy ra nhiều diện tích rừng bị mất

Sau nhiều lần đến công ty và có ý kiến của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk thì Công ty Ea Kar mới cử ông Phạm Văn Đức - Phó Giám đốc công ty làm việc với PV.

Ông Đức cho biết: “Công ty liên danh, liên kết với người dân khoãng 1.400 héc ta, chủ yếu là trồng rừng, trong đó được trồng cây Cao su. Một số hộ dân trồng Cam, Quýt là một số hộ đồng bào trồng vì cho năng suất cao, biết là chưa có phương án, tỉnh chưa có văn bản nào cho phép nhưng vì tuyên truyền nhiều nhưng họ cứ cố trồng nên công ty không ngăn cản được. Tình trạng này công ty cũng không báo cáo tỉnh. Còn khu đất trồng Cam là của người xin liên kết chứ không phải của ông T. Tình trạng gỗ bị triệt hạ nhiều chưa nghe anh em các trạm báo về nên tôi không biết”.

Từ việc từ lãnh đạo, đến các nhân viên quản lý bảo vệ rừng của công ty Lâm nghiệp Ea Kar buông lỏng quản lý để cho các đối tượng “lâm tặc” cưa hạ nhiều cây gỗ lớn và những cánh rừng bị cạo trọc để lấy đất sản xuất, mua bán đất rừng đang xảy ra tràn lan ở khu vực này. Đây là một thực tế rất bức xúc mà những người dân phản ánh, tố cáo và họ rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ các hành vi trên.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/pha-rung-lay-dat-o-ea-kar-co-xung-la-de-tu-lanh-dao-cong-ty-lam-nghiep-ea-kar-de-ban-dat-d102946.html