Phá rừng Ea Súp (Đăk Lắk): Công ty Anh Quốc 'làm xiếc' trên dự án bảo vệ rừng

Công ty TNHH Anh Quốc (Công ty Anh Quốc) được UBND tỉnh Đắc Lắk cho thuê 1.165,2 ha đất tại tiểu khu 293, xã Cu M’lan, huyện Ea Súp để thực hiện trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, nhưng chỉ sau vài năm thì Dự án đổ bể hoàn toàn, rừng bị tàn phá, đất rừng bị xâm chiếm; Công ty vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

Tuy nhiên, trong lúc cơ quan chức năng đang thanh tra, kiến nghị thu hồi đất rừng thì bỗng nhiên Công ty phù phép một dự án “đẹp như mơ”, để Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cho liên kết đầu tư, khiến Sở TN&MT phải “đành lòng” cấp sổ đỏ (cấp lại) cho Công ty Anh Quốc. Và rồi 60 ngày sau, chính vị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định thu hồi diện tích gần 1.200ha đất của Dự án thất bát này…

“Làm xiếc” trên đất dự án?

Mục đích của tỉnh Đắc Lắk là thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển rừng để nhà nước, doanh nghiệp và xã hội cùng hưởng lợi ích từ rừng; người dân sống dựa vào rừng, gắn bó với rừng, bảo vệ rừng và rừng phục vụ lợi ích kinh tế, giữ môi trường trong sạch, chống biến đổi khí hậu. Với tinh thần thiện chí ấy, sau một thời gian thẩm định, hoàn tất thủ tục, năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký Quyết định cho Công ty Anh Quốc thuê 1.165,2 ha đất rừng tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty TNHH Anh Quốc, trụ sở B5, tổ dân số 10, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột; do ông Lê Thanh Tùng làm Giám đốc.

Rừng Ea Súp bị tàn phá, cạo trọc, đất rừng bị xâm chiếm.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc “Thu hồi đất Dự án tại tiểu khu 293” chúng tôi nhận thấy nhiều uẩn khúc, những con đường dích dắc của dự án thất bát này; biểu biểu hiện sự luẩn quẩn, chính quyền tỉnh bị doanh nghiệp “làm xiếc” từ sự việc này đến mưu kế kia.

Ngày 12/1/2011, Công ty Anh Quốc được UBND tỉnh ký QĐ 65/Q-UBND cho thuê 1.165,2ha đất tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp; ngày 14/3/2011, Sở TN&MT Đắk Lắk cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty.

Kết luận Thanh tra của Sở TN&MT kiến nghị thu hồi đất dự án tại tiểu khu 293 của Công ty Anh Quốc.

Ngày 04/4/2013, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Anh Quốc gửi đơn đến Công an phường Tân Lợi trình báo “mất sổ đỏ” BA674578, thửa số 68, tờ bản đồ số 08, DC 08, thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 14/3/2011 đến ngày 12/1/2061; tổng diện tích đất sử dụng là 1.165,2ha do Sở TN&MT Đắk Lắk cấp ngày 14/3/2011.

Ngày 17/5/2013, ông Tùng gửi đơn lên Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, qua gần 4 năm, việc cấp lại sổ đỏ cho Công ty Anh Quốc không được thực hiện. Ông Thuận, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Lắk cho biết: Tháng 10/2013, Tổng cục Quản lý đất đai có công văn 1072 về việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức quản lý sử dụng rừng, nêu rõ “Việc giao rừng và chứng nhận quyền sở hữu rừng vào giấy Chứng nhận đã cấp cho tổ chức kinh tế (nếu có nhu cầu) sẽ được thực hiện sau khi đã thực hiện rà soát, xác định các thông tin cần thiết về tài sản rừng theo quy định của pháp luật.

Công văn của UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Anh Quốc khảo sát đầu tư Dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời.

Sở TN&MT đã có văn bản gửi Công ty Anh Quốc hướng dẫn Công ty liên hệ với Chi cục Kiểm lâm để được hướng dẫn lập thủ tục thuê rừng gắn với thuê đất. Sau khi có quyết định cho thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp của UBND tỉnh đối với diện tích 1.165,2ha đất của dự án, Sở TN&MT sẽ xử lý hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 13/9/2017, Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk Bùi Thanh Lam ký kết luận thanh tra số 1683/KL-STNMT về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất của Công ty Anh Quốc tại huyện Ea Súp, nêu rõ: Công ty TNHH Anh Quốc được UBND tỉnh Đắk Lắk gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 1/7/2016 (tại QĐ 3443/QĐ-UBND, ngày 24/11/2015). Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, toàn bộ diện tích cây cao su (92ha) đã bị chết, diện tích cây keo lai còn khoảng 5ha (kế hoạch trồng 40ha), phân bố rải rác. Kết luận thanh tra: Công ty không tiếp tục triển khai thực hiện dự án đã phê duyệt sau khi được UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án tại QĐ 3443.

Hành trình "dự án cấp lại sổ đỏ" đã được Công ty Anh Quốc thực hiện rất bài bản và đã đạt được mục đích. Hiện nay cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk chưa thể thu hồi được Giấy CNQSDĐ do Công ty Anh Quốc không hợp tác.

Theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp, Công ty không thực hiện tốt việc phối hợp với chính quyền địa phương tromng công tác quản lý, bảo vệ rừng, tình trạng khai thác gỗ, củi trái phép vẫn xảy ra trong vùng dự án. Kết luận Thanh tra khẳng định, hiện nay trữ lượng rừng bị giảm so với thời điểm được giao đất do tình trạng khai thác rừng trái phép.

Từ việc phá rừng dẫn đến tình trạng xâm canh lấn chiếm 166,46 ha đất trong vùng dự án. Số hộ dân lấn chiếm Công ty Anh Quốc không quản lý được là bao nhiêu, chỉ biết rằng, người dân đang canh tác, trồng đậu, bắp giữa vùng lõi rừng.

Sau 6 năm triển khai dự án trồng cao su, bảo vệ rừng, Công ty Anh Đức đã thừa nhận “Dự án thất bại hoàn toàn”. Nhưng hiện nay, Công ty đang giữ "sổ đỏ" mà cơ quan chức năng chưa thể thu hồi được. Hệ luỵ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dấu hiệu bất ổn.

Cần sớm thu hồi “Sổ đỏ”

Điều đáng nói là, nhận thấy việc đầu tư làm ăn của Công ty có “vấn đề”, cơ quan chức năng đang nghiên cứu, ra soát, đánh giá để xác định việc cấp lại số hay không thì điều bất ngờ lại đến.

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk về việc chấm dứt chủ trương khảo sát nhà máy điện mặt trời cho 2 công ty Anh Quốc và Đại Khánh.

Với bản kế hoạch “đầu tư trên giấy” được thuyết trình với thông số “đẹp như mơ”, để rồi Công ty Anh Quốc có trong tay 1 văn bản “cẩm nang”, “bùa hộ mệnh” do Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị ký vào tháng 12/2016: Đồng ý để Công ty TNHH Đại Khánh hợp tác với Công ty TNHH Anh Quốc khảo sát, lập đề xuất dự án nhà máy Điện năng lượng mặt trời với công suất dự kiến 350 MW, quy mô 700 ha, tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (diện tích đất do Công ty TNHH Anh Quốc đang quản lý). Mặc dù, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã được Sở TN&MT báo cáo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất, trong đó kiến nghị thu hồi đất dự án tại tiểu khu 293 của Công ty Anh Quốc.

Có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong tay, ông Lê Thanh Tùng mang đến cơ quan chức năng để yêu cầu làm ngay “sổ đỏ” cho mảnh đất hàng nghìn héc ta nhưng… diện tích rừng đang bị tàn phá với tốc độ phi mã. Điều gì đến cũng phải đến, ngày 23/12/2016, sau gần 4 năm cân nhắc thì Giám đốc Sở TN&MT Bùi Thanh Lam cũng phải “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” đặt bút ký vào Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất CG 050306 cấp cho Công ty TNHH Anh Quốc.

Tròn 60 ngày sau, 23/2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành QĐ 404/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.165,2 ha đất tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp thuộc Dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Anh Quốc. Quyết định nêu rõ: Thu hồi giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CG050306 được UBND tỉnh uỷ quyền cho Sở TN&MT cấp ngày 23/12/2016.

Một vị lãnh đạo của Sở TN&MT Đăk Lắk cho biết: Hiện nay rất khó khăn để thu hồi sổ đỏ của Công ty Anh Quốc bởi Giám đốc không hợp tác. Đất nhà nước cho thuê; rừng là tài sản của nhà nước. Công ty không có quyền thế chấp đất, chỉ có quyền sử dụng đất. Nếu lấy sổ đỏ đi góp vốn làm ăn là lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần tỉnh táo với những chiêu "làm xiếc" mới

Mới đây, ngày 1/8/2017, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk phát đi thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh tại cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó nêu rõ: Đối với Dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Anh Quốc và Công ty TNHH Đại khánh: Chấm dứt chủ trương khảo sát cho 2 công ty; giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu thu hồi chủ trương khảo sát trước ngày 07/8/2017.

Biến cố mới lại xảy ra, ngày 28/4/2017, ông Lê Thanh Tùng lại thành lập Công ty Cổ phần Đại Khánh SoLar. Được biết, mới đây Công ty Đại Khánh lại xin đầu tư Dự án điện năng lượng mặt trời tại tiểu khu 293- nơi mà Dự án ông Tùng đã vẽ ra một nhà máy điện trên giấy “đẹp như mơ” và đã bị UBND tỉnh chấm dứt chủ trương cho khảo sát.

Dự luận đặt câu hỏi, tại sao trong một thời gian ngắn, ông Lê Thanh Tùng Giám đốc Công ty Anh Quốc (nay lại có thêm Công ty Đại Khánh) có thể "làm xiếc" trên “dự án phá rừng” một cách dễ dàng như vậy: Trong 6 năm, từ vụ “mất sổ đỏ”, đến hàng trăm ha cây keo, cao su chết sạch; rừng bị phá, đất bị xâm chiếm; UBND tỉnh cho gia hạn thời gian đầu tư và rồi Chủ tịch tỉnh cho phép khảo sát đầu tư dự án mới, để Công ty “ắm được sổ đỏ” rồi cao chạy xa bay khi bị thu hồi đất (!?).

Trong khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo chấm dứt khảo sát Dự án điện "trên giấy" thì Công ty lại đang lập kế hoạch mới, toan tính tiếp tục "làm xiếc", đưa lãnh đạo tỉnh vào thế kẹt trong bài toán thu hút đầu tư. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Đắk Lắk cần sáng suốt hơn đối với những doanh nghiệp, những doanh nhân mưu kế làm dự án trên giấy để trục lợi bất chính, tránh tình trạng "dự án giả, huy động vốn thật", làm phương hại các doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chân chính nhưng bị lừa vì thiếu thông tin.

Xuân Vũ – Đông Phong

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/201708/pha-rung-ea-sup-dak-lak-cong-ty-anh-quoc-lam-xiec-tren-du-an-bao-ve-rung-2832955/