Phá rừng dự án trồng keo- Kỳ 1: 'Nuôi' rừng rồi phá rừng

Ngay sau khi dự án 'Khôi phục và quản lý rừng bền vững' (KFW6) kết thúc, nhiều diện tích rừng đã thành rừng keo nguyên liệu, vì chủ rừng nắm trong tay sổ đỏ.

Video: Người dân mất kiên nhẫn với dự án rừng KFW6

Vừa sinh đã khai tử

Chúng tôi men theo con đường mòn lên diện tích rừng tự nhiên có trồng bổ sung cây bản địa để giữ chức năng phòng hộ thuộc dự án KFW6 trên đỉnh núi Hóc Cài thuộc xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) thì chứng kiến một khoảng lớn rừng dự án đã bị người từng nhận “nuôi” chặt hạ, đốt, phá để trồng keo.

Hàng trăm cây gỗ tự nhiên lớn, nhỏ nằm la liệt dọc ngang sườn núi. Cây lim xanh, sao đen cao hơn đầu người, cành nhánh khẳng khiu cháy trơ trọi lá. Hơn 2,5ha diện tích rừng keo sản xuất lân cận của người dân cũng bị cháy lan.

Người dân phát, đốt trên diện tích rừng thuộc dự án KFW6

Diện tích rừng KFW6 bị chặt đốt la liệt.

Chỉ tay lên phía đỉnh núi, ông Nguyễn Văn Mười nói: “Gia đình tôi có 13ha rừng thuộc dự án. Cây gỗ lớn trồng bổ sung trong rừng tự nhiên muốn thu lợi phải chờ trên 30 năm. Sau 13 năm trồng, mặc dù chưa thu được nguồn lợi về kinh tế, nhưng chúng tôi ý thức giữ rừng tự nhiên là bảo vệ môi trường, giữ nước. Việc phá rừng dự án nên xử lý nghiêm, yêu cầu chủ rừng tái tạo lại, không để tình trạng này tiếp diễn”.

Lãnh đạo xã Hành Thiện xác nhận: “Cây lim, sao đen trồng thuộc dự án chậm lớn nên chủ rừng đốt, phát dọn với mục đích xin trồng cây keo nhưng xã không đồng ý vì đây là rừng đầu nguồn. Địa phương đã yêu cầu chủ rừng tái tạo lại diện tích rừng này.

Cùng với Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Đức Phổ là những địa phương được chọn để thực hiện dự án KFW6 tại tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi về xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ. Chúng tôi trực tiếp thực địa vùng rừng đầu nguồn. Đây là khu vực rừng tự nhiên có trồng bổ sung cây bản địa thuộc dự án KFW6.

Những cây gỗ tự nhiên bị chặt hạ có đường kinh lớn.

Vết cưa còn mới tinh.

Bằng mắt thường đã không đếm xuể những khoản rừng dự án bị chặt hạ để trồng keo. Bao quanh diện tích rừng dự án đang bị những khu rừng keo bạt ngàn xâm lấn. Vào sâu trong rừng, rất khó tìm ra những cây sao đen, lim xanh của dự án được trồng cả hơn chục năm trước.

Ông Đào Tấn Ngã thừa nhận: “Tôi đang sở hữu 35ha rừng dự án. Hồi còn dự án được hỗ trợ tiền phát dọn thực bì, giờ dự án không còn nữa. Cây thì còi cọc nên tôi phá 8ha chuyển sang trồng keo”.

Không có chế tài xử lý

Tại xã Phổ Cường, dự án KFW6 triển khai trên 420ha đất rừng tự nhiên tái phục hồi để giữ chức năng phòng hộ tại 5 thôn là Mỹ Trang, Thủy Thạch, Thanh Sơn, Xuân Thành và Bàn Thạch. Đến cuối năm 2019, theo thống kê chưa đầy đủ của địa phương, hơn 100ha rừng của dự án đã biến mất.

Ngay sau khi dự án kết thúc, người dân đã có ý định phá rừng dự án để trồng keo. Một cán bộ kiểm lâm tiết lộ: “Diện tích rừng bị phá nhiều hơn con số thống kê rất nhiều. Có nhiều khu rừng, hôm nay mình tuần tra thì còn xanh nhưng bữa sau trở lại đã bị chặt phá”.

Phát hiện các vụ phá rừng dự án, xã và lực lượng kiểm lâm đến lập biên bản đình chỉ, báo cấp trên để tìm ra nhiều hướng xử lý, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

Những cây keo hơn một năm tuổi trên đất dự án KFW6

“Mục tiêu ban đầu của dự án là rất tốt, nhưng quá trình thực hiện còn bất cập. Không còn được nhận tiền hỗ trợ chăm sóc, cây dự án không phát triển tốt nên họ tiếp tục lén phá rừng để tìm đến nguồn kinh tế khác khá hơn. Người dân có sổ đỏ trong tay lại không có chế tài nên rất khó xử lý. Nếu không có chính sách hỗ trợ để giữ diện tích rừng này thì rất khó khăn về nguồn nước”, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Võ Cương lo lắng.

Trên địa bàn huyện Đức Phổ có 4 xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thạnh và Phổ Châu tham gia vào dự án hơn 1.300 ha, trong đó có 630 ha rừng khoanh nuôi trồng bổ sung giao cho dân quản lý thì khi kết thúc dự án, nhiều người đã tự ý phát, chặt bỏ cây khoanh nuôi.

Lý giải về việc này, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ Võ Văn Trình cho biết, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với địa phương ngăn chặn, tuyên truyền, bắt viết cam kết, nhưng một số chủ rừng không phối hợp. Địa bàn rộng, lực lượng lại mỏng rất khó giám sát. Bên cạnh đó, đất rừng này giao cho dân, chế tài xử lý không rõ nên rất khó xử lý.

Bài, ảnh: A.KIỀU

Kỳ 2: Cần tạo sinh kế để giữ rừng bền vững

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202103/pha-rung-du-an-trong-keo-ky-1-nuoi-rung-roi-pha-rung-3049674/