Phá nông sản, vật nuôi của nông dân: 'Ghen ăn tức ở...'

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, những vụ phá hoại nông sản, vật nuôi của người nông dân thuộc về nhận thức, thể hiện sự ghen ăn tức ở.

Thời gian gần đây, báo chí đưa nhiều những vụ việc người nông dân trồng sầu riêng bị phá hoại, hay như mới đây lại có nghi án 315 thùng ong nuôi lấy mật bị đầu độc.

Trước những vụ việc như thế này, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là sự cạnh tranh thị trường đang tồn tại trong nông nghiệp?

Một thùng ong bị chết hết, ong phủ đen mặt đất. Ảnh: VNN

Một thùng ong bị chết hết, ong phủ đen mặt đất. Ảnh: VNN

Bình luận về việc này, ngày 25/4, trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề hình sự. Những vụ việc như thế này sẽ bị khép vào tội hủy hoại tài sản và lúc đó không còn là cạnh tranh thị trường nữa.

"Những vụ việc mà báo chí đưa gần đây thể hiện sự ghen ăn tức ở và phá hoại, hủy hoại tài sản của người khác. Vấn đề này thuộc nhận thức của mỗi người, bởi vậy cần phải có giáo dục về nhận thức.

Ví dụ 2 cái nhà cạnh nhau, cái xây sau bao giờ cũng phải cao hơn cái xây trước một chút, hoặc nhô ra phía ngoài một chút. Nếu giáo dục được nhận thức của người dân thì sẽ hạn chế được những trò bẩn như trong những vụ việc mà báo chí đưa gần đây", PGS.TS Nguyễn Văn Bộ cho biết.

Theo ông Bộ, một phần nguyên nhân để xảy ra những vụ việc như này là do hệ thống giám sát chưa được chuẩn và chưa xử lý nghiêm đối với những tội danh như hủy hoại tài sản.

Ông Bộ lấy ví dụ như người ném đá vào ô tô cũng chỉ bị xử vào tội hủy hoại tài sản trong khi đối với những hành vi này có thể gây ra chết người. Bởi vậy, cần phải đưa những tội này vào khung cố ý gây chết người, còn xử vào tội hủy hoại tài sản là rất nhẹ.

Nói về biểu hiện thương lái dễ dàng ép giá, đặc biệt là thương lái Trung Quốc. Một trong những lý do là người trồng ở ta manh mún, nhỏ lẻ, không đoàn kết, mạnh ai nấy làm, vị PGS.TS này cho rằng:

"Cái này theo tôi là có ít nhất 3 nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là về phía nhà nước. Nông sản của ta xuất khẩu rất nhiều thì không nên cho xuất tiểu ngạch nữa mà phải đưa về chính ngạch. Nếu cứ để xuất tiểu ngạch thì không có ai giám sát, không có ai làm bảo hộ cho người nông dân.

Tại sao xe của ta đưa lên biên giới mà vẫn chưa đưa được qua nước họ là bởi vì ta không có văn bản cụ thể nên bị họ o ép. Đến lúc hoa quả, mặt hàng của ta bị lưu kho nhiều, chất lượng mặt hàng giảm đi nên bắt buộc phải bán giá thấp đi. Bởi vậy, không nên bán nhỏ lẻ cho từng người nữa mà cần phải đưa vào các tổ chức.

Thứ 2 là do ở ta cứ thấy người hàng xóm làm được là sang năm mọi người lại đổ xô đi trồng theo nên bị dư thừa cục bộ. Đây gọi là theo phong trào, không theo tín hiệu của thị trường. Bởi vậy ở đây vừa là vai trò của người quản lý, vừa là ở từng người, phải có tổ chức các hiệp hội.

Thứ 3 cũng vẫn liên quan đến vấn đề quản lý đó là điều tiết thị trường. Tại sao có những mặt hàng giá xuất rẻ thế nhưng trong nước nhiều khi không có mà ăn, hoặc mua giá vẫn cao. Điều này thể hiện sự không điều tiết được thị trường và hơi coi nhẹ thị trường trong nước", PGS.TS Nguyễn Văn Bộ

Cũng theo vị PGS này, đối với những biểu hiện trên không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân vì người dân không có đủ thông tin. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân cũng cần đoàn kết với nhau để không xảy ra những tình trạng như báo nêu thời gian gần đây.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, cùng ngày, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, người nông dân sản xuất thì cần phải có hợp tác xã để mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Còn nếu làm ăn riêng lẻ, mạnh ai nấy làm thì khó có thể tự bảo vệ cho tài sản của mình được.

"Nếu có hợp tác xã là ở đó có đoàn thể, có thể hỗ trợ người dân trong vấn đề về kỹ thuật nuôi trồng, mặt khác nếu xảy ra những tình trạng như phá hoại tài sản của nông dân như thời gian vừa qua thì cả đoàn thể cùng lên tiếng, như vậy sẽ sớm tìm ra được thủ phạm để người dân yên tâm hơn với công việc mà mình đang làm", GS Võ Tòng Xuân cho biết.

Như đã đưa tin, chiều ngày 24/4, Công an huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết đang điều tra tin báo của ông Trần Đình Truyền (43 tuổi, trú tại đội 8, thôn Đông, xã Trung Nam) về việc đàn ong nuôi của gia đình ông bị đầu độc.

Ông Truyền cho hay, gia đình ông nuôi 350 thùng ong, đặt trong rừng cao su của người thân tại đội 10 (thôn Đông).

Vào trưa ngày 18/4, ông phát hiện ong chết la liệt ở 315 thùng, ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.

Trình báo với cơ quan công an, ông Truyền nghi ngờ ai đó đã đưa hóa chất vào từng thùng ong để đầu độc, phá đàn ong của mình. Đồng thời, ông cho biết từng bị một người ở địa phương đe dọa vào khoảng tháng 8/2019 vì không bán mật cho họ. Ngoài ra, ông không có khúc mắc hay thù hằn gì với ai.

“Tôi mất 6 năm gây dựng mới có chừng ấy thùng ong. Dịp này chuẩn bị khai thác mật thì bị ai đó phá hoại. Thu nhập của cả gia đình giờ biến mất, nợ ngân hàng không biết lấy gì trả. Mong cơ quan chức năng sớm làm rõ”, ông Truyền nói.

Trước đó 2 ngày, Công an thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cũng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ kẻ xấu phá hoại vườn sầu riêng của bà Hoàng Thị Phượng, ở Phường 2, thành phố Bảo Lộc nghi bị đầu độc.

Sầu riêng của gia đình bà Phượng bị đục lỗ trên thân cây. Ảnh: Dân Trí

Tại khu vườn của gia đình bà Phượng, lực lượng chức năng ghi nhận trong tổng số 80 cây sầu riêng, có 12 cây bị khoan từ 2-5 lỗ/cây, mỗi lỗ khoan sâu từ 5-7cm, 6 cây đang rụng lá, khô cành và chết dần.

Đặc biệt, dưới gốc một số cây sầu riêng đã bị khoan lỗ, nghi bị bơm hóa chất qua lỗ khoan để đầu độc cây trồng.

Điều đáng lo ngại là tình trạng phá hoại vườn cây có giá trị cao của người nông dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra khá nhiều trong thời gian gần đây, chủ yếu do tranh chấp đất đai.

Ngày 7/4/2020, vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Phạm tại xã Hòa Ninh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cũng bị kẻ xấu chặt hạ, cưa đổ và đẽo bạt gốc 120 cây sầu riêng.

Trong đó, 100 cây đã trồng 5 năm tuổi đang ra hoa và 20 cây một năm tuổi. Đặc biệt là trong những cây sầu riêng này có 20 cây bị chặt hạ, 70 cây bị cưa đổ và 30 cây bị đẽo bạt sát gốc ngay dưới mắt ghép không thể phục hồi, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/pha-nong-san-vat-nuoi-cua-nong-dan-ghen-an-tuc-o-3401025/