Phá nát sông Bồ, một doanh nghiệp hút cát bị đề nghị xử phạt 1,6 tỷ đồng

Một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản vừa bị cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị xử phạt hành chính với số tiền lên đến 1,6 tỷ đồng.

Mỏ khai thác cát của Công ty Tuấn Hải, theo người dân là quá gần chân đập thủy điện Hương Điền

Mỏ khai thác cát của Công ty Tuấn Hải, theo người dân là quá gần chân đập thủy điện Hương Điền

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị này vừa có tờ trình tham mưu UBND tỉnh này, đề nghị xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH một thành viên xây dựng giao thông Tuấn Hải (Công ty Tuấn Hải) do khai thác cát, sỏi phía thượng nguồn sông Bồ vượt độ sâu nhiều lần so với giấy phép được cấp. Theo đề xuất, Công ty Tuấn Hải sẽ phải nộp phạt 1,6 tỉ đồng, bị tước phép, buộc hoàn thổ cùng với việc phải xử lý nhiều yêu cầu khác của cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Tuấn Hải được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép khai thác ở 2 khu vực mỏ cát sỏi trên sông Bồ. Cụ thể, 2 Công ty Tuấn Hải được cấp phép nằm tại: khe Băng thuộc địa phận P.Hương Vân (TX.Hương Trà) và xã Phong Sơn (H.Phong Điền) và bãi bồi làng Lại Bằng (P.Hương Vân) với diện tích 7,2ha, thời hạn khai thác 5 năm, kể từ năm 2016. Tuy nhiên quá trình khai thác đã có dấu hiệu vi phạm khai thác vượt mức giấy phép quy định, bị người dân liên tục phản đối. Người dân cho rằng, việc tỉnh Thừa Thiên Huế cấp mỏ cho Công ty Tuấn Hải trên khu vực gần chân đập thủy điện Hương Điền gây mất an toàn cho bờ đập. Công ty khai thác cát sạn cả ngày lẫn đêm, sử dụng ống hút cỡ lớn với chiều dài trên 20m thả xuống lòng sông hút cát khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đời sống dân cư 2 bên bờ sông.

Trước đó nữa, kể từ năm 2016 vấn nạn khai thác cát sỏi trên sông Bồ bị lạm dụng gây xói lở khiến người dân bức. Thời điểm khoảng tháng 3/2017, tình trạng khai thác cát trên sông Bồ diễn ra tràn lan ngay tại đoạn sông cách chân cầu An Lỗ khoảng 100m lên phía đầu nguồn (tại thôn Hiền Sĩ, X. Phong Sơn, Phong Điền).

Bà Hoàng Thị Thu (người dân thôn Hiền Sỹ) cho biết, người dân sống dọc bờ sông nhiều lần tổ chức đẩy đuổi tàu thuyền hút cát bằng nhiều cách. Tuy nhiên, những người khai thác cát không những không dừng bỏ mà còn tìm cách tấn công lại người dân, khiến họ sợ hãi. Sau này, việc khai thác khu vực này bị nhà nước cấm và khu vực thượng nguồn sông Bồ, đoạn gần đập thủy điện Hương Điền trở thành “điểm ngắm” tập trung tàu, thuyền hút cát đổ dồn lên đây.

Đặc biệt, kể từ sau tết Kỷ Hợi, cùng với tình trạng khan hiếm giá cả cát sỏi lên cao, việc khai thác cát sỏi trên sông Bồ càng trở nên nhức nhối hơn. Hàng trăm phương tiện tàu thuyền, xà lan máy móc ngày đêm rút ruột sông Bồ đến mức cạn kiệt. Việc “cát tặc” áp sát mỏ khai thác sát chân đập thủy điện Hương Điền nơi có dung tích hồ chứa đến 820 triệu khối nước là rất nguy hiểm, buộc người dân có những động thái cứng rắn để bảo vệ làng mạc, gia đình của họ.

Tàu thuyền nối đuôi nhau "rút ruột" sông Bồ

Đỉnh điểm là từ đầu tháng 5/2019 đến nay, người dân Tổ dân phố Lại Bằng 2 (P. Hương Vân) đã dùng cọc tre, đóng xuống lòng sông, trông như “thế trận Bạch Đằng” để ngăn cản tàu thuyền hút cát đe dọa lồng nuôi cá của họ, đồng thời để phản đối việc khai thác cát của Công ty Tuấn Hải.

Ông Trần Minh Điện (65 tuổi, người dân Tổ dân phố Lại Bằng 2) dẫn chúng tôi ngược dòng sông Bồ lên khu vực mỏ của Công ty Tuấn Hải nằm áp sát chân đập thủy điện Hương Điền. Trên đường đi, ông cho biết, mấy năm trước, tình trạng khai thác cát trên sông Bồ cũng diễn ra phức tạp nhưng chưa gây sạt lở bờ sông nhiều như hiện nay. Vừa qua, họ làm quá ồ ạt khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, sự an toàn của đập thủy điện cũng bị đe dọa. Lỡ chẳng may, đập nó có chuyện gì thì làng mạc phía dưới chẳng biết thế nào.

“Người dân chúng tôi quá bức xúc và cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương các cấp nhờ can thiệp, giúp đỡ nhưng thực trạng vẫn không có chuyển biến gì. Khi không còn cách nào khác, người dân làng mới cùng nhau lấy cọc tre đóng xuống lòng sông để ngăn cản tàu thuyền hút cát với mục đích bảo vệ lồng cá trước tiên, sau đó là bảo vệ sự bình yên của làng xóm”, ông Điện nói.

Người dân đóng cọc tre, lập thế trận ngăn cản nạn hút cát sạn lòng sông Bồ

Trước tình hình này, Sở Tài nguyên và Môi trừng tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử đoàn phối hợp với đại diện huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà và người dân địa phương kiểm tra, đo đạc thực tế. Kết quả đo đạc cho thấy trong khi độ sâu được cấp phép là 2,9m đối với khe Băng và bãi bồi Lại Bằng là 4m, nhưng Công ty Tuấn Hải đã khai thác vượt mức giấy phép quy định ở rất nhiều điểm trong khu vực mỏ được cấp, trong đó có nhiều nơi vượt trên 5m, thậm chí gần cả 10m.

“Qua kết quả kiểm tra, lập bản vẽ về độ sâu, đối chiếu với giấy phép khai thác, thì theo các quy đinh pháp luật về khoáng sản thì công ty (Tuấn Hải) đã vi phạm về hành chính pháp luật về môi trường. Chúng tôi có thể khẳng định như vậy”, ông Hồ Đắc Trường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Theo ông Trường, ngày 16/5, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời Công ty Tuấn Hải đến Sở làm việc, cùng với đại diện UBND P.Hương Vân, xã Phong Sơn lập được biên bản vi phạm hành chính về 2 hành vi tại 2 điểm mỏ của doanh nghiệp này. “Chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh về việc xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp, và với vi phạm như hiện nay chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phạt mức vượt khung bằng tiền là 800 triệu đồng mỗi mỏ; đồng thời xử phạt bổ sung tước giấy phép cho đến hết thời hạn cấp phép”.

Thượng nguồn sông Bồ sạt lở nghiêm trọng vì nạn khai thác cát sỏi ồ ạt

Cũng theo ông Trường, sau khi doanh nghiệp bị xử phạt hành chính và tước giấy phép khai thác thì Công ty Tuấn Hải còn phải chịu trách nhiệm khi cơ quan chức năng điều tra mà có vi phạm đối với số liệu khai thác ngoài 2 mỏ được cấp phép. Đồng thời, sẽ phải thực hiện một số việc liên quan đến hoàn thổ, bảo vệ khu vực nơi khai thác. “Có thể là yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục thực hiện một số nội dung nữa, chứ không phải tước giấy phép rồi là xong. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương xử lý nội dung này. Ngoài ra, trong trường hợp nếu có dấu hiệu hình sự, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Sở sẽ có báo cáo UBND tỉnh để Ủy ban chỉ đạo xử lý”.

Thượng nguồn sông Bồ sạt lở nghiêm trọng vì nạn khai thác cát sỏi ồ ạt

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/pha-nat-song-bo-mot-doanh-nghiep-hut-cat-bi-de-nghi-xu-phat-16-ty-dong-d97924.html