Phá 'điểm nghẽn' để Buôn Ma Thuột thành trung tâm của vùng Tây Nguyên

Sau 10 năm thực hiện Kết luận 60-KL/TW, ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020, bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thậm chí nhiều tiêu chí, chỉ tiêu còn chưa đạt so với một số thành phố của các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: BKTTW cung cấp

Những thành quả đạt được

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 60 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020 được tổ chức ngày 28-3 tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 10 năm, kinh tế thành phố có bước phát triển khá. GDP bình quân hằng năm tăng gần 14%. Hơn nữa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực khi công nghiệp và dịch vụ vẫn giữ vai trò lớn trong nền kinh tế của thành phố với thu nhập bình quân đầu người tăng khá.

Ngoài ra, các công trình, dự án trọng điểm tại thành phố được đầu tư; hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ. "Với những thành tích đạt được, Buôn Ma Thuột bước đầu thể hiện vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên", theo báo cáo.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, nhờ đầu tư của Chính phủ, nhiều dự án đã được xây dựng, góp phần phần làm cho thành phố ngày một khang trang, hiện đại như đường vành đai phía Tây, đại lộ Đông - Tây, đường Ama Khê kéo dài, đường Trần Quý Cáp; Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên…

Mạng lưới giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc trong thành phố phát triển nhanh và từng bước hiện đại hóa.

Theo số liệu thống kê của thành phố, cuối quý IV năm 2018, cơ cấu kinh tế Buôn Ma Thuột tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, công nghiệp và dịch vụ vẫn chiếm tỉ trọng chủ đạo, lần lượt là 42,92% và 52,95%, trong khi nông lâm nghiệp chỉ chiếm 4,13%.

Đặc biệt thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt 77,92 triệu đồng/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân trong cả nước. Hầu hết các tuyến đường nội thành, đường liên xã, liên thôn đã được nhựa hóa. 100% khu dân cư đã có điện chiếu sáng…

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá, trong 10 năm qua Buôn Ma Thuột đã đạt được những thành quả nhất định, về cơ bản đã phát triển theo hướng kết luận 60 đã đề ra, tức trở thành một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Còn nhiều điểm nghẽn

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại. Một số định hướng phát triển thành phố chưa được triển khai thực hiện theo Kết luận 60. Buôn Ma Thuột chưa thực sự trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, thậm chí nhiều tiêu chí còn chưa đạt so với một số thành phố của các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Theo báo cáo tại Hội nghị, kinh tế thành phố chưa phát triển vững chắc. Quy mô đạt được vẫn thấp hơn tiềm năng, lợi thế của thành phố và vẫn chưa có lĩnh vực kinh tế nào tạo ra bước đột phá. Công nghiệp của thành phố vẫn chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng thấp.

Bên cạnh đó, do sức cạnh tranh nền kinh tế chưa cao nên việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ xã hội phát triển cơ sở hạ tầng còn thấp hơn so với nhu cầu phát triển. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, khai thác chưa hiệu quả.

Một số công trình trọng điểm đã triển khai nhưng còn chậm tiến độ, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và đầu tư xây dựng đô thị. Ngoài ra, thu ngân sách Nhà nước chưa thật sự bền vững do còn phụ thuộc vào nguồn thu từ đất.

Theo ông Trần Ngọc Chính, do bị tác động của chính sách giảm đầu tư công, nhiều quy hoạch không có vốn đầu tư thực hiện. Hơn nữa, một số đồ án quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn, làm chậm cơ hội đầu tư và mất cơ hội thu hút các doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư vào đô thị.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Cán bộ nghiên cứu cao cấp, trường Havard Kennedy, đại học Havard đánh giá, Buôn Ma Thuột là một thành phố lớn nhất ở Tây Nguyên nhưng tính kết nối với các tỉnh thành khác rất hạn chế. Trong khi đó, đối với một trung tâm kinh tế, thương mại và logistic đóng vai trò rất quan trọng.

"Thương mại chiếm trên một nửa cơ cấu tổng sản phẩm của thành phố nhưng hoạt động thương mại lại chủ yếu là bán lẻ phục vụ cho người dân ở Buôn Ma Thuột. Nếu muốn trở thành trung tâm kinh tế, các hoạt động thương mại phân phối hàng hóa và các dịch vụ phải hỗ trợ kinh doanh cho cả vùng Tây Nguyên", ông Thành nói.

Tương tự, dịch vụ logistics của thành phố chủ yếu là vận tải đường bộ cho hàng hóa và hành khách của Buôn Ma Thuột và Đắc Lắc. Tổng doanh thu của toàn bộ dịch vụ Logistics của cả tỉnh Đắc Lắc thấp, chỉ ngang bằng các địa phương không phải Trung tâm kinh tế.

Phát triển gắn với tầm nhìn của cả Tây Nguyên

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất định hướng xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên và tầm nhìn phấn đấu xây dựng thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Để làm được điều này, đầu tư hạ tầng đồng bộ, đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ của vùng là yếu tố quan trọng.

Bên cạnh đó, thành phố phải thực hiện các biện pháp nhằm phát triển các ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi đầu trong các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ cũng là những nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố phải thực hiện trong giai đoạn tới. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, cần phát triển theo xu hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.

Theo đó, mục tiêu tới năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt trên 13,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất, 66,62%, công nghiệp và xây dựng 30,38%, nông nghiệp 2,01%.

Ông Thành (Havard) đề xuất, một trong những định hướng trong thời gian tới là Đắc Lắc và Buôn Ma Thuột nên đưa vào định hướng phát triển từ nay đến 2030 xây dựng một Trung tâm thương mại, trung tâm logistics nhưng do tư nhân đảm nhiệm.

Chỉ đạo tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, thời gian tới, cần phải đánh giá được lợi thế so sánh, cả ngắn hạn và dài hạn của Buôn Ma Thuột so với cả vùng Tây Nguyên. Trong đó, xét lợi thế không chỉ về kinh tế, mà cả các vấn đề liên quan tới chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trên nền tảng kinh tế.

Hơn nữa, Buôn Ma Thuột là trung tâm của cả vùng, vì vậy, việc phát triển thành phố này không chỉ dành riêng cho Đăk Lăk mà còn vì quyền lợi chung của cả vùng Tây Nguyên. Người dân của vùng phải thụ hưởng được thành quả phát triển đó.

Trúc Diễm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286764/pha-diem-nghen-de-buon-ma-thuot-thanh-trung-tam-cua-vung-tay-nguyen.html